Trong tỉnh

Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I “lụt” tiến độ vì loay hoay nguồn vốn?

Sau gần 3 năm kể từ ngày tổ chức khởi công, đến nay, dự án (D.A) xây dựng Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Quỳnh Lập I vẫn đang “dậm chân tại chỗ” do chủ đầu tư - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) không thể huy động được nguồn vốn.

Không huy động được vốn, sau gần 3 năm khởi công, D.A NMNĐ Quỳnh Lập I vẫn nằm trên giấy. Ảnh: QĐ

Khởi công hoành tráng xong “đắp chiếu”?

D.A NMNĐ Quỳnh Lập I, Nghệ An xây dựng trên diện tích 150ha do TKV làm chủ đầu tư với tổng mức kinh phí dự kiến khoảng 2,2 tỷ USD. D.A nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII quốc gia) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 1/10/2015, TKV tổ chức lễ khởi công D.A NMNĐ với dự kiến hoàn thành phát điện vào năm 2020 và hàng năm cung cấp vào mạng lưới điện quốc gia khoảng 6,6 tỷ kWh điện. Thế nhưng cho đến nay, D.A vẫn chưa triển khai xong công tác giải phóng mặt bằng. Quan trọng hơn, chủ đầu tư TKV chưa thể thu xếp nguồn vốn cho D.A.

Theo một báo cáo đánh giá gần đây của Bộ Công Thương, TKV không đáp ứng nhu cầu vốn triển khai D.A đúng tiến độ. TKV đang gặp khó khăn trong huy động vốn cho các D.A đầu tư, trong đó có vốn đối ứng triển khai D.A NMNĐ Quỳnh Lập I. Đến cuối tháng 9/2017, tổng nợ vay hợp nhất của TKV khoảng 78.000 tỷ đồng, với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu 2,5 lần.

Nếu đầu tư vốn vào D.A NMNĐ, TKV sẽ phải huy động thêm khoản nợ vay 39.000 tỷ đồng và sau 3 năm nữa tổng nợ vay của Tập đoàn có thể lên tới trên 100.000 tỷ đồng, dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu sẽ vượt quá quy định cho phép.

Ngoài ra, sau hơn 2 tháng đốc thúc, hiện TKV vẫn chưa báo cáo Bộ Công Thương kết quả làm việc cuối cùng với 2 nhà đầu tư là Kospo và Samtan (Hàn Quốc) về thu xếp vốn vay cho D.A không có bảo lãnh Chính phủ, dù trước đó đã đạt được thoả thuận ban đầu tỷ lệ vốn góp đầu tư TKV 36%, Kospo 34% và Samtan 30%. Nếu để tình hình thoả thuận tiếp tục kéo dài hoặc TKV phải tìm kiếm đối tác thì sẽ chậm triển khai thực hiện D.A, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, không lường hết các yếu tố phát sinh như trượt giá, trượt tỷ giá…

Trước những báo cáo đánh giá nói trên, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo phương án hợp tác đầu tư một số D.A NMNĐ. Theo đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) thực hiện D.A NMNĐ thay cho TKV.

“Giao D.A NMNĐ Quỳnh Lập I cho liên danh Geleximco - HUI, sẽ giúp TKV giảm áp lực thu xếp vốn và tập trung thực hiện các D.A khác. Thay thế TKV tại D.A này, liên danh Geleximco và đối tác Trung Quốc có trách nhiệm khẩn trương thực hiện D.A theo quy định đảm bảo tiến độ, chất lượng; thoả thuận bàn giao D.A, xem xét thanh toán các chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà TKV đã thực hiện” - công văn của Bộ Công Thương kiến nghị.

Mặc dù kiến nghị giao D.A này cho liên danh Geleximco - HUI, song Bộ Công Thương cũng muốn làm rõ khi vốn đối ứng của liên danh bỏ ra chiếm 20% vốn chủ sở hữu và 80% còn lại là phần vốn vay từ tổ hợp các ngân hàng do Ngân hàng Phát triển Nhà nước Trung Quốc đứng đầu.

Giải pháp nào để các D.A sớm đi vào triển khai?

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco chia sẻ: “Là doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi phải tính toán rất kỹ về hiệu quả khi đầu tư vì nếu chọn sai đối tác, không triển khai được D.A thì không ai chịu thiệt hại cho mình cả. Chúng tôi bỏ vốn của mình để đầu tư, không yêu cầu bảo lãnh từ ngân sách, chúng tôi phải là người lo đầu tiên. Vốn từ nước nào chỉ có ý nghĩa về điều kiện thương mại, còn quan trọng hơn là hợp tác với đối tác nào”.

Đại diện Tập đoàn Geleximco chia sẻ thêm, hiện nay, khả năng vay vốn nước ngoài, nhất là châu Âu để đầu tư các NMNĐ là bất khả thi. Hơn 3 năm trước, khi D.A NMNĐ Thăng Long do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư đi vào triển khai, đã có lúc bế tắc về nguồn vốn. Geleximco đã mời các nhà thầu từ những nước phát triển như Pháp, Anh, Mỹ… nhưng không nhà thầu nào thu xếp được tài chính, mà đây là yêu cầu tiên quyết trong Hồ sơ yêu cầu lựa chọn tổng thầu.

Trong các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, liên danh cam kết, nếu được giao làm chủ đầu tư, trong vòng 1 tháng sẽ thành lập Công ty D.A NMNĐ Quỳnh Lập I, sau đó 3 tháng sẽ ký kết thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư với chính quyền địa phương. Trong vòng 2 tháng ký hợp đồng tư vấn quản lý, giám sát kỹ thuật với chủ trương lựa chọn tư vấn Fitchner của Đức. Ba tháng sau sẽ ký hợp đồng EPC do Kaidi và đội ngũ quản lý D.A quốc tế châu Âu hoặc Bắc Mỹ cùng nhau thực hiện theo thông lệ quốc tế. Tổng thầu sẽ ứng trước toàn bộ chi phí công trình trước khi hoàn tất thủ tục thu xếp vốn.

Phối cảnh D.A NMNĐ Quỳnh Lập I sau nhiều năm vẫn chưa thể triển khai trên thực tế. Ảnh: QĐ

Về công nghệ, các hệ thống vận hành chính của nhà máy sẽ được mời thầu quốc tế, sử dụng sản phẩm của những nước G7 hoặc sản phẩm ủy quyền thiết kế chế tạo của nước đó. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Chính phủ về công nghệ và bảo vệ môi trường cũng như tuân thủ chặt chẽ yêu cầu pháp lý của một D.A đầu tư.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, ngày 11/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì đã yêu cầu yêu cầu TKV có ý kiến chính thức về phương án hợp tác đầu tư D.A NMNĐ Quỳnh Lập I theo yêu cầu của Bộ Công Thương.

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát các D.A đang triển khai mà nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dẫn đến chậm tiến độ, để có biện pháp xử lý thích hợp; khuyến khích các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đầu tư các D.A nguồn điện phù hợp nếu đáp ứng yêu cầu không cần bảo lãnh Chính phủ, sử dụng công nghệ tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường và có giá thành sản xuất điện hợp lý.

Một D.A điện được đưa vào hoạt động sẽ giải quyết công ăn việc làm, đóng góp thêm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, việc khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân chủ động nguồn vốn tham gia, “lập trình” đầu tư D.A theo đúng tiến độ và yêu cầu về công nghệ, môi trường mà Chính phủ đặt ra là việc làm cần thiết. Có như vậy, mới nhanh chóng gỡ được những “điểm nghẽn” về đầu tư năng lượng hiện nay.

Tác giả: Quang Đông

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP