Mọi người nên đặc biệt chú ý đến vùng mí mắt khi sử dụng bất kỳ loại kem có SPF nào. |
Theo một nghiên cứu mới đây, việc không thoa kem dưỡng ẩm có yếu tố chống nắng (SPF) và bảo vệ da mặt đúng cách, đặc biệt là vùng quanh mắt, có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư da.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những khác biệt trong cách mọi người sử dụng kem chống nắng và kem dưỡng ẩm SPF.
Nhiều phần da không nhận đủ lượng kem dưỡng ẩm - đặc biệt là mí mắt, nơi da mỏng và dễ bị tấn công bởi ung thư.
Các chuyên gia cho biết, kính râm với bộ lọc UV có thể giúp bảo vệ các phần da bị bỏ sót.
Nhiều loại kem dưỡng ẩm có chỉ số SPF từ 30-50, tương tự với kem chống nắng truyền thống, nhưng không thể thay cho kem chống nắng nếu bạn dành nhiều thời gian ngoài trời vào mùa Hè.
Nhóm nghiên cứu sinh từ Đại học Liverpool đã thực hiện nghiên cứu, khi cho 84 người (62 phụ nữ và 22 nam giới) sử dụng kem dưỡng ẩm và kem chống nắng, sau đó chụp họ bằng máy ảnh nhạy tia UV để xem cách họ chăm sóc da.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng gần 17% khuôn mặt thiếu kem dưỡng ẩm SPF và 11% với kem chống nắng.
Nghiên cứu trong PLOS One cũng cho thấy, 21% khu vực quanh mí mắt có độ che phủ thấp của kem dưỡng ẩm và 14% với kem chống nắng.
Bôi kem dưỡng |
Austin McCormick (nhà nghiên cứu, tư vấn viên phẫu thuật nhãn khoa và bác sỹ phẫu thuật mắt từ Aintree University Hospital Trust) cho biết, đây là những khu vực dễ bị ung thư nhất mà mọi người không biết rằng họ đã bỏ sót.
“Da mí mắt rất mỏng và có nguy cơ bị tổn thương bởi tia UV,” ông nói. “Khu vực xung quanh lông mi, giữa mí mắt và mũi thường ít được che phủ nhất.”
Ông McCormick nhận định ung thư mí mắt chiếm 10% trong các loại ung thư biểu mô tế bào đáy ở Anh - ung thư da phổ biến nhất. Vì vậy mọi người nên đặc biệt chú ý đến vùng mí mắt khi sử dụng bất kỳ loại kem có SPF nào.
‘SPF còn hơn không gì cả’
McCormick cho rằng, kem dưỡng ẩm thường ít được dùng hơn bởi vì nó đắt tiền, bán với dung tích nhỏ và gắn mác “xa xỉ phẩm.”
“Nếu bạn ở ngoài trời lâu, bạn nên sử dụng kem chống nắng. Nếu sử dụng kem dưỡng ẩm, chúng tôi khuyên dùng loại có SPF: SPF còn hơn không gì cả, nhưng chúng vẫn không có tác dụng tương đương kem chống nắng,” ông McCormick chia sẻ.
Holly Barber từ Hiệp hội Bác sỹ da liễu Anh cho biết kem dưỡng ẩm SPF sẽ giảm khả năng chống cọ xát và chống nước nếu thoa mỏng.
|
Tuy nhiên, cô cho rằng không có gì ngạc nhiên khi mọi người ngần ngại thoa kem chống nắng quanh mắt bởi cảm giác nhức nhối.
“Một giải pháp tốt để tránh các vấn đề như cháy nắng ở những khu vực nhạy cảm là sử dụng quần áo bảo hộ như mũ chống nắng và kính râm cũng như bôi thêm kem thường xuyên,” Holly chia sẻ.
Khi nào cần dùng kem chống nắng?
Kem chống nắng thực sự cần thiết khi bạn ở ngoài trời trong nửa giờ hoặc hơn vào mùa Hè.
Nếu bạn chỉ xuất hiện vào giờ ăn trưa thì kem chống nắng không thật cần, đặc biệt nếu bạn đã thoa kem dưỡng ẩm có SPF vào buổi sáng hoặc sinh hoạt dưới bóng râm.
Kem dưỡng ẩm có SPF để làm gì?
Nó rất hữu ích nếu bạn muốn bảo vệ da khi ở ngoài một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định dành thời gian ngoài trời, đặc biệt giữa tháng 4 và tháng 9, thì kem chống nắng hiệu quả hơn nhiều.
Kem dưỡng ẩm có SPF không bám trên da tốt như kem chống nắng. Do đó, không thể bảo vệ da hoàn toàn trong thời gian dài dưới ánh nắng mặt trời./.
Tác giả: Linh Trang
Nguồn tin: TTXVN/VIETNAM+