Giáo dục

Người Việt ít tranh cãi nhất châu Á: Vui hay buồn?

Theo một kết quả nghiên cứu gần đây, người Việt ít tranh cãi nhất châu Á. Điều này tưởng là một tín hiệu tích cực nhưng lại phản ánh điểm yếu của người Việt? Ít tranh cãi nhiều khi là do không đủ khả năng, tư duy tranh luận dẫn đến nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Trong buổi công bố kết quả nghiên cứu về chỉ số mối quan hệ cá nhân ở châu Á 2016, khi nghe thông tin người Việt ít tranh cãi nhất, có nhiều tiếng nhỏ to: Người Việt ít tranh cãi hay không có khả năng tranh cãi, thiếu tư duy phản biện, ngại nói lên quan điểm, chính kiến của mình? Người Việt ít tranh cãi nhưng sao lại tràn lan việc hành xử bằng nắm đấm, bạo lực?
Không nhiều bạn trẻ Việt có khả năng bày tỏ ý kiến, tranh luận trong mội trường học tập và làm việc (Ảnh minh họa)
Theo lý giải của PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn, người Việt thường có xu hướng “dĩ hòa vi quý”, khi có tranh cãi hay bất đồng quan điểm xảy ra thường ít nêu quan điểm bản thân, chủ yếu nhường nhịn cho qua chuyện.

Điều này có thể tốt ngay tại thời điểm diễn ra sự việc để xoa dịu tình hình. Tuy nhiên vô tình khiến chúng ta ngộ nhận mối quan hệ vẫn đang tốt đẹp và những khúc mắc chưa được giải quyết vẫn tồn đọng.

“Do không thể hiện quan điểm cá nhân, về lâu dài mất dần sự thấu hiểu mong muốn, suy nghĩ của đối phương. Hệ quả là dễ phát sinh những mâu thuẫn không hề mong muốn”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ít tranh cãi hay nói chính xác hơn là ngại tranh cãi, không đủ khả năng, tư duy tranh luận dẫn đến rất nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Trong lớp học, giáo viên nói, học trò chỉ biết nghe; về nhà bố mẹ lên tiếng là con cái đều một dạ hai vâng được tiếng ngoan; ở công sở lãnh đạo cần ý tưởng của nhân viên thì toàn những người ngại lên tiếng, chờ sếp chỉ đâu đánh đó…

Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta thụ động, ngại sáng tạo, dễ dàng chấp nhận sự áp đặt.

Nhà giáo dục Cao Phương Hà, giám đốc công ty về lĩnh vực giáo dục cho rằng, người Việt thường muốn đẹp lòng người nên ít góp ý, hay nói giảm nói tránh không đi thẳng vào vấn đề. Bằng mặt nhưng không bằng lòng, phía sau lưng họ có thể họ phản ứng rất dữ dội, không đồng thuận và tìm cách chống đối.

Một vị giám đốc người nước ngoài làm việc tại Việt Nam than thở làm việc với người Việt rất mệt. Sếp nói gì nhân viên cũng gật, cũng dạ vâng, ngại đóng góp ý kiến, ngại đưa ra ý tưởng. Thậm chí có những việc được giao không phù hợp, vượt quá khả năng của mình họ cũng không lên tiếng cho đến khi… hỏng việc.

ThS Trần Đình Dũng, tác giả cuốn sách “Quà của bố” hài hước nói, ra nước ngoài giữa hàng ngàn sinh viên rất dễ nhận ra sinh viên người Việt. Các bạn rất ngoan, thích im lặng và đến phần phát biểu ý kiến thường tìm cách đùn đẩy nhau.

Hay như sự tiếc nuối dành cho học sinh, viên viên người Việt của PGS.TS. Lê Nguyên Phương, Chủ tịch Liên hiệp Phát triển Học đường Thế giới Việt bởi các bạn ngoan, học rất giỏi nhưng lại quá khó để phát triển do thiếu tư duy hợp lý, tư duy chiến lược cũng như khả năng tranh luận.

Bao nhiêu bạn trẻ Việt khi ra nước ngoài đi du học đã vỡ òa khi nhận ra thế mạnh ngoan ngoãn, vâng lời, ít tranh cãi ở trong nước lại là điểm hạn chế lớn nhất của mình khi hội nhập. Khi nào các bạn cũng trong tâm lý nếu lên tiếng sợ mình nói sai, sợ bị người khác đánh giá…

Một chuyên gia xã hội học nêu quan điểm, tình trạng bạo lực học đường tràn lan ở con trẻ, và người lớn cũng đang có xu hướng cư xử với nhau bằng nắm đấm, tay chân cũng vì chúng ta không có khả năng giải quyết vấn đề bằng lời nói. Nhiều sự việc hai bên im lặng, không nói rõ để hiểu nhau mà âm thầm trả đũa bằng bạo lực. Trong khi nhiều việc chẳng có gì to tát, chỉ cần nói với nhau một hai tiếng đã có thể hóa giải.

Người Việt ít tranh cãi suy cho cùng cũng vì thiếu những thứ quan trọng nhất: tư duy phản biện lẫn sự chân thành.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP