Chị Lưu đang chuẩn nấu bún trước khi đi phát cho người vô gia cư |
Nghỉ bán hàng nhưng gượng dậy nấu bún cho người vô gia cư
Chiều 7/3, Thành Vinh mưa bụi và rét. Trên các con phố tràn ngập hoa và thiệp mừng ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3). Hầu hết những người phụ nữ đều diện cho mình bộ váy đẹp, trang điểm kỹ càng hơn mọi ngày để vui vẻ đón nhận những món quà của các “đấng mày râu”.
Ở một quán bún nhỏ trên đường Đặng Tất (thuộc phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An), chị Đặng Thị Lưu (SN 1976) vẫn như mọi ngày, vẫn mặt mộc, đeo tạp dề bận rộn bên nồi bún riêu cua.
Thấy quán mở, một người khách đi vào hỏi ăn thì mới biết hôm nay chị không bán hàng. Thấy lạ, tôi gặng hỏi thì mới biết, chị Lưu và chồng đã mở quán bán bún được 15 năm, bình thường quán mở vào buổi trưa cho tới chiều tối.
Tối 6/3, chị cùng những người bạn nấu 200 suất xôi đi phát cho người vô gia cư và công nhân môi trường, mãi 1h sáng mới xong việc. Đây cũng coi như một món quà chị dành tặng bản thân và những người phụ nữ nghèo nhân ngày 8/3.
Hôm nay, chị Lưu quyết định nghỉ bán hàng cả ngày để nghỉ ngơi. “Trước đây, tôi bán hàng cả buổi sáng nữa, nhưng vì nhiều đêm đi phát cơm, bún, xôi cho người vô gia cư về muộn, mệt quá nên phải bỏ bán buổi sáng”, chị Lưu kể.
Mệt phải nghỉ bán hàng, nhưng chiều đến, chị Lưu lại gượng dậy nấu bún để những người vô gia cư không phải nhịn đói giữa mưa rét. Bát bún tình thương của chị không có gì khác so với bát bún chị bán ra ngoài. Gồm có bún, giò, thịt, riêu cua do gia đình tự làm và các gia vị khác.
Thu nhập từ quán bún không nhiều, nhưng chị Lưu luôn hướng đến việc thiện. Chị còn cùng bạn thành lập một nhóm thiện nguyện, tại quán ăn nhà mình, chị để 1 thùng từ thiện để kêu gọi mọi người |
Thu nhập không cao nhưng luôn nghĩ đến làm việc thiện
Trong không gian ấm cúng, bên nồi bún riêu cua thơm phức, chị Lưu kể, chị sinh ra và lớn lên ở xã Hưng Đông, TP Vinh. Sau khi con đường học tập ở Hà Nội đứt đoạn, chị về Vinh đi làm và quen anh Trần Văn Dũng (cùng SN 1976, ở phường Lê Mao, TP Vinh).
Sau một thời gian tìm hiểu và yêu thương, năm 1998, chị Lưu và anh Dũng đi đến quyết định về sống chung một nhà, xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Hàng ngày, anh Dũng đạp xích lô còn chị Lưu buôn bán rau củ ngoài chợ. Cuộc sống còn nhiều bộn bề, lo toan nhưng vợ chồng hạnh phúc, gia đình yên ấm, nhất là khi anh chị có con trai đầu lòng.
Trong những ngày buôn bán, đi sớm về muộn, vợ chồng chị Lưu trực tiếp chứng kiến, tiếp xúc với cuộc sống khốn khổ của những người vô gia cư ở TP Vinh. Trong lòng chị đau đáu một nỗi niềm, nhưng chưa có điều kiện để thực hiện.
Đến năm 2007, vợ chồng chị Lưu quyết định nghỉ việc buôn bán và mở quán bún riêu cua tại ngôi nhà nhỏ của mình. Thu nhập cao nhất mỗi ngày buôn bán cũng chỉ được khoảng 200 - 300 ngàn đồng, nhưng anh chị luôn dành một ít để làm từ thiện.
“Các huyện miền núi Nghệ An, các vùng chịu thiệt hại nặng nề của mưa lũ ở Quảng Bình, Quảng Trị… mình cũng đã đặt chân đến”, chị Lưu kể.
Đến khoảng tháng 8/2020, chị Lưu nảy sinh ý định dùng các nguyên liệu, đồ dùng sẵn làm một việc gì đó giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh ngay giữa TP Vinh. Nghĩ là làm, chị Lưu cùng chồng quyết định nấu cơm, xôi, bún rồi đi phát cho những người vô gia cư ở TP Vinh.
Một bữa no cho người vô gia cư là món quà giá trị nhất đối với chị Lưu trong ngày lễ 8/3 |
Một bữa no cho người vô gia cư là món quà giá trị nhất trong ngày lễ 8/3
18h30’ tối 7/3, khắp thành phố Vinh lung linh sắc màu ánh đèn. Nhiều ngôi nhà lung linh ánh đèn, hoa, người người nâng li chúc mừng một nửa thế giới.
Cũng lúc này, nhóm của chị Lưu bắt đầu hành trình phát bún miễn phí. Tối nay, ngoài anh Dũng (chồng chị Lưu), còn có sự đồng hành của anh Phan Hùng Sơn, một cửu vạn ở chợ Vinh và chị Nguyễn Thị Xuân, cũng là một người buôn bán tự do ở Vinh.
Anh Sơn chia sẻ: Người vô gia cư ở TP Vinh không nhiều, nhưng họ sống rải rác và không cố định.
Sau khoảng 30 phút hành trình, chúng tôi tìm được anh Nguyễn Văn Sâm (41 tuổi, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Tối nay anh Sâm không chỉ được nhận bát bún miễn phí mà còn được chị Lưu tặng một chiếc xe đạp.
Đón nhận món quà, anh Sâm không giấu được nước mắt. Anh kể, mẹ anh năm nay đã 70 tuổi, đang chạy thận ở BV Đa khoa Diễn Châu. Năm 2000, anh vào Vinh kiếm sống nhưng vì sức khỏe không đạt yêu cầu nên không ai nhận. Từ đó đến nay, anh phiêu bạt khắp nơi, ngày đi nhặt phế liệu, ve chai; tối bạ đâu ngủ đó.
Ngày nhặt được thì có tiền mua bánh mì, vắt xôi; ngày mưa gió thì nhịn đói nên phần lớn dựa sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, trong đó có chị Lưu. Vừa rồi trong lúc đi nhặt phế liệu, tôi bị mất trộm chiếc xe đạp, không ngờ chị Lưu biết chuyện nên hôm nay mua tặng.
Cũng giống như anh Lưu, bà Thái Thị Niêm (quê ở Hưng Nguyên), bán bánh mì và bà Phạm Thị Thái (quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh), may dép trước cổng chợ Vinh cũng rưng rưng nước mắt và không ngớt nói lời cảm ơn khi nhận tô bún riêu cua nóng hổi.
Nhìn anh Sâm, bà Niêm, bà Thái ăn ngon lành chị Lưu nói: Quà mùng 8/3 đâu cứ phải là hoa, quà, là thiệp mừng. Với tôi, món quà giá trị nhất là một bữa no cho những người vô gia cư….
Một số hình ảnh thực tế được PV Báo Giao thông ghi lại:
Những bát bún của chị Lưu làm vừa nóng hổi, vừa thơm ngon |
Ngoài bún, chị Lưu còn chuẩn bị nước uống, giấy lau và bánh mì ăn thêm cho những người vô gia cư |
Chị Lưu mua chiếc xe đạp hơn 800 ngàn đồng để tặng thêm cho anh Nguyễn Văn Sâm |
Niềm vui của anh Sâm khi nhận được món quà bất ngờ |
Tối ngày 7/3, anh Sâm vui mừng vì lâu rồi mới có một bữa no. |
Bà Phạm Thị Thái cười tươi khi nhận bún, bánh mì và nước lọc từ chị Lưu và những người bạn |
Tác giả: Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao thông