Thế giới

Ngôi trường hàng đầu Hong Kong bị tố ngược đãi trẻ khuyết tật

Cảnh sát đang điều tra trường học dành cho người khuyết tật tinh thần do một trong những tổ chức nổi tiếng nhất của Hong Kong điều hành vì nghi ngờ có hành vi ngược đãi học sinh.

Các cáo buộc về "hành vi không đúng mực trong hành chính" và "nhân viên ngược đãi học sinh" đã được đưa ra chống lại Trường Hồng Chi Pinehill 2 ở Tai Po. Ảnh: Handout.

Sở Giáo dục nhận được rất nhiều khiếu nại về “hành vi không đúng mực trong hành chính” và “nhân viên ngược đãi học sinh” của trường Hong Chi Pinehill 2 ở Tai Po.

Một tờ báo tiếng Hoa là nơi đầu tiên đăng tải các cáo buộc này. Hai ngày sau, cảnh sát phát hiện thêm các vụ bê bối lạm dụng liên quan đến dịch vụ chăm sóc trẻ em do tổ chức từ thiện hàng đầu Po Leung Kuk quản lý.

Nhân viên tại Po Leung Kuk đã bị bắt vì cáo buộc ngược đãi trẻ em. Ảnh: Edmond So.

Trong trường hợp thứ hai, các phương tiện truyền thông công bố những bức ảnh chưa được xác minh, được cho là do phụ huynh cung cấp, cho thấy một học sinh đang vật lộn để cởi chiếc áo mà nhân viên ném vào đầu.

Một bức ảnh khác cho thấy ai đó đang đặt một miếng vải lên mặt học sinh. Báo cáo cũng dẫn lời một phụ huynh nói rằng con họ bị bầm tím do bị trói tay.

Trả lời tờ South China Morning Post, người phát ngôn của Sở không xác nhận chi tiết về các cáo buộc, nhưng cho biết họ đã “chỉ đạo cơ quan tổ chức và trường học theo dõi nghiêm túc và yêu cầu gửi báo cáo điều tra”.

Người phát ngôn nói: “Cảnh sát đang theo dõi tình hình sát sao và Sở Giáo dục thấy không thích hợp để bình luận thêm".

South China Morning Post liên hệ với cảnh sát và Hiệp hội Hong Chi, nơi điều hành 14 trường học dành cho người khuyết tật, bao gồm cả Hong Chi Pinehill số 2.

Theo trang web của trường, các trường học của Hong Chi phục vụ hơn 2.000 học sinh lớp 1-6 trên toàn thành phố với nhiều mức độ khuyết tật trí tuệ khác nhau.

Người phát ngôn của Sở cho biết họ đã cung cấp cho các trường hướng dẫn chi tiết việc sử dụng các biện pháp hạn chế thích hợp và khuyến khích họ tăng cường trao đổi với phụ huynh.

Trích dẫn các hướng dẫn, người phát ngôn cho biết việc sử dụng biện pháp hạn chế hoặc cô lập chỉ nên "kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, càng ngắn càng tốt, với mức độ phản ứng thích hợp".

Ông nói: “Cảm xúc cá nhân, phẩm giá và quyền riêng tư của học sinh cũng cần được quan tâm để đảm bảo không gây tổn hại về thể chất hoặc tâm lý”. Ông nói thêm rằng không nên coi những phương pháp như vậy là hình phạt.

Một loạt các vụ lạm dụng trẻ em gần đây gây chấn động thành phố, với hàng chục nhân viên bị bắt vì bị cáo buộc ngược đãi hơn 40 trẻ mới biết đi. Các nghi phạm đến từ Po Leung Kuk và Child­ren’s Residential Home, 2 tổ chức chính cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ em khuyết tật.

Hiệp hội Hong Chi, được thành lập vào năm 1965, đã phải đối mặt với những vụ bê bối khác trong thập kỷ qua. Vào năm 2017, một nhân viên chăm sóc đã bị bỏ tù hơn 6 năm vì tội hãm hiếp một phụ nữ gặp chứng khuyết tật học tập.

Vào năm 2016, 2 nhân viên chăm sóc từ Hong Chi Tung Tau Hostel ở Wong Tai Sin đã bị thẩm phán kết tội sau khi bị cáo buộc sử dụng vũ lực khi cho học sinh ăn.

Tác giả: Phương Hà

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP