Xã hội

Ngôi làng hơn 3 thế kỷ sống khỏe bằng nghề cào hến

Hơn 300 năm qua, nhiều thế hệ ở làng Bến Hến đã lớn lên, thành đạt bằng những con thuyền hến bé nhỏ. Cái vị ngọt thanh, mát dịu của loài nhuyễn thể này không còn là món ăn bình dân ven sông La nữa mà đã trở thành một thứ “đặc sản” được ưa chuộng của người dân thành thị qua nhiều cách chế biến khác nhau.

Đãi hến, nhặt rác sau khi thuyền hến về bến

Đầu giờ chiều, khi trời đang nắng gắt, hàng chục chiếc thuyền bắt đầu cập Bến Hến (xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn nửa ngày đi cào hến dưới dòng sông. Gương mặt bơ phờ, làn da rám đen nhưng ai nấy đều tươi cười bởi hôm nay trúng “lộc trời”.

Nghề “trên nước, dưới nắng”

Tại một con thuyền, trong khi người vợ đang lúi húi đãi hến, nhặt rác, người chồng chừng 50 tuổi trò chuyện với khách: “Thời điểm này hến bắt đầu vào chính vụ nên hôm nào chúng tôi cũng đi cào, kiếm tiền lo gia đình, nuôi con cái. Một ngày sau khi trừ hết chi phí dầu thuyền cũng kiếm được nửa triệu”.

Ông cho hay nhà mình có 4 đời đi hến trên sông La. Từ hồi ông cố nội, cả nhà đã sống nhờ con hến. Hồi mới cưới, vợ chồng được bố mẹ cho cái thuyền để lập nghiệp. Ngày đó chèo thuyền, kéo hến thủ công nên rất mất sức nhưng được cái hến nhiều, dễ bắt. Giờ chuyển sang làm máy, công việc bớt cực hơn.

Cách bến thuyền dăm chục mét, trong cái chòi gần sông, cụ Lê Đức Tài đang ngồi hóng mát. Năm nay 86 tuổi nhưng cụ có đến 50 năm lặn ngụp cùng con hến sông La. Từ thời trai trẻ, cụ đã theo bố mẹ xuống sông cào hến. Với sức khỏe và sự khéo léo, cụ là một trong những người cào hến “vô địch” của làng.

Theo cụ Tài, không ai biết nghề cào hến ở làng có từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra đời con nối tiếp đời cha ông gìn giữ nghề như “bảo bối gia truyền”. Nhưng căn cứ vào cây bàng nằm sát ngôi chùa được người dân tôn thờ Thành Hoàng, thì nghề cào hến ở đây có khoảng 300 năm.

Đãi hến, nhặt rác sau khi thuyền hến về bến

Trải qua nhiều thế hệ, vẫn lưu truyền câu chuyện truyền miệng về nghề cào hến của làng. Chuyện kể, cách đây hơn 300 năm, trong làng có một gia đình mẹ mất sớm, người cha một mình chịu cảnh gà trống nuôi con. Lớn lên đứa con thi đỗ làm quan, trên đường trở về quê hương vinh quy bái tổ gặp lúc gió mưa, sấm sét dữ dội rơi xuống sông La.

Người làng bỏ công tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy xác, chỉ vớt được những con hến nho nhỏ. Đem những con hến đó đi nấu cháo, nấu canh thì thấy vị ngon. Từ đó người dân đổ xô đi bắt hến về phục vụ nhu cầu ăn uống. Ăn không hết họ đưa sang làng bên đổi lấy loại thức ăn khác. Cứ thế, bắt hến trở thành nghề mưu sinh của làng Bến Hến.

“Hàng năm, làng chúng tôi lấy ngày 20/3 (âm lịch) làm ngày tế Thành Hoàng làng. Vào ngày này, mỗi gia đình lại chế biến các món ăn từ hến để cúng Thành Hoàng. Đây được coi là ngày giỗ nghề của người dân chúng tôi. Cách đây hơn 1 năm ngôi đền thờ cụ tổ nghề của làng được tu sửa khang trang, phục vụ nhu cầu tâm linh của bà con”, ông Lê Kim Trọng, trưởng thôn cho nay.

Vẫn lời ông trưởng thôn, thời trước 100% hộ dân trong làng đều làm nghề cào hến. Mấy năm trở lại đây, một số đã chuyển đổi sang nghề khác nên trong làng còn khoảng 150 hộ sống cùng nghề. Nếu như lúc trước, chủ yếu đánh bắt thủ công bằng chiếc cào gỗ, thì nhiều năm trở lại đây, máy móc và phương tiện hiện đại giúp việc cào hến bớt cực hơn.
Hiện hầu hết các hộ dân hành nghề cào hến đều dùng thuyền trọng tải trên 24 mã lực, miệng vợt bằng sắt và lưới dù. Chỉ cần ngồi trên thuyền máy, cắm cào xuống cát rồi nổ máy chạy dọc trên sông vài vòng là được cả mớ hến.

Nghề hến hoạt động quanh năm, cao điểm nhất là 3 tháng mùa hè. Hến sau khi đánh bắt về sẽ được ngâm qua nước chừng nửa ngày để nhả hết đất, bùn. Sau đó chị em phụ nữ sẽ đảm nhiệm công đoạn luộc hến. Mùi hến ngai ngái xen lẫn mùi khói nghi ngút cả một khúc sông.

Vào mùa cao điểm, mỗi thuyền có thể cào được 6 tạ hến/ngày. Vài năm trở lại đây, số lượng hến ít đi, nhưng với sự cần mẫn và kinh nghiệm, người theo nghề vấn đủ ăn. “Có điều vất vả lắm. Cả ngày phơi mình “trên nước, dưới nắng”, đêm về quần quật luộc, đãi hến. Mùa hè nóng cháy da, mùa đông nước buốt lạnh thấu xương”, ông Trọng nói.

Luộc hến trong thời tiết nóng bức

Cào hến đưa con vào đại học

Dù nhiều nơi khác cũng có loài nhuyễn thể này, nhưng hến ở sông La được khách hàng ưa chuộng vì có vị ngọt, dai, thơm đặc trưng. Một phần vì dòng nước, phần vì cho đến hôm nay dọc con sông La rộng lớn chưa có nhà máy công nghiệp nào nên môi trường nước không bị ô nhiễm.

Vừa nhanh tay rửa sạch mớ hến mới đi cào về, bà Nguyễn Thị Khởi (65 tuổi) tâm sự, nghề này vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe để thức khuya, dậy sớm. Có ngày bà ngủ được khoảng 3 tiếng, ban ngày thì đãi hến, đến chiều tối khi chồng đưa hến sống về thì phải thức khuya đến tận 3h sáng, nấu từng mẻ để kịp cho buổi chợ vào sáng mai. Bà đùa: “Làm nghề ni, bắp tay đàn bà cũng to như tay đàn ông vì ngày mô cũng “thể dục” như ri cả”.

Mệt bậc nhất là công đoạn luộc hến. Vào mùa hè trời nóng hầm hập trên 40 độ cộng với hơi nóng của lò lửa bốc ra nhưng họ vẫn phải đứng bên bếp lửa để đảo từng mớ hến luộc. “3 sôi, 2 trào”, đó là nguyên tắc của một mẻ hến đạt chuẩn.

Nồi luộc hến sôi, nước trào ra khỏi nồi, người nấu nhanh tay dùng đũa lớn khoắng cho đều, đến khi hến “hả miệng” vớt ra để ráo và bắt đầu công đoạn đãi lấy ruột. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, nhẫn nại bởi thành quả của cả một chuyến ngược sông phụ thuộc vào việc có lấy được hết ruột ra khỏi vỏ hến hay không.

Hến ruột sau khi được đãi sạch sẽ được thương lái tới tận nơi mua. Năm nay hến được giá, loại hến to trung bình từ 150 đến 200 nghìn đồng/kg, hến nhỏ khoảng 70 nghìn đồng/kg. Hến chưa luộc chừng 15 nghìn đồng/kg.

Không những sử dụng ruột làm các món nấu canh, xào dưa xúc bánh đa hay nấu cháo, đổ bánh đúc. Các bộ phận còn lại của con hến như nước, vỏ đều có giá trị sử dụng. Trong đó, nước hến ngọt mát nấu canh hay để uống thay nước sôi. Vỏ hến được bán để trộn làm thức ăn nuôi vịt, gà.

Ngôi đền thờ tổ nghề

Dù được khai thác hàng trăm năm qua, nhưng năm nào đến mùa cao điểm hến vẫn rất nhiều. Điều khiến loại nhuyễn thể này trở nên đặc biệt là hến không thể đẻ con, duy trì nòi giống bằng cách nhả những sợi “tơ” ra khỏi “miệng”. Những sợi “tơ” này bám vào hạt cát rồi tự sinh vỏ lớn lên. Đến đời sau, “cuộc sinh nở kỳ lạ” này lại tiếp diễn.

Người dân nơi đây quan niệm hến là “lộc trời”. Hầu hết các hộ dân của làng đều có từ 4 đến 5 đời hành nghề cào hến trên sông La. Ăn hến để lớn lên nên dù vất vả, họ vẫn yêu nghề. Hơn nữa, chính cái nghề cực nhọc này đã giúp nhiều gia đình khá giả, có điều kiện nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Như gia đình anh Nguyễn Kim Trường, có 6 người con nhưng 5 hiện đang theo học các trường đại học, cao đẳng. Gia đình anh Trần Quang (SN 1970) có 4 con học đại học.

Những con hến cũng giúp một số mảnh đời bất hạnh như anh Đàm Ngọc Tú mưu sinh bằng chính đôi tay của mình. Dù bị câm điếc, không được ăn học như bao người nhưng anh Tú không bỏ cuộc. Với sự chịu khó, cần mẫn suốt nhiều năm qua, anh cùng với vợ ngược xuôi trên dòng sông La bằng nghề cào hến để phát triển kinh tế, lo cho con cái.

Một góc làng Bến Hến

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, năm nào được mùa, có gia đình thu về hàng trăm triệu. Xã đã thành lập các tổ hợp tác, hỗ trợ nguồn vốn đóng thuyền, sắm sửa máy móc để người dân yên tâm làm ăn, duy trì nghề truyền thống. Hiện hến sông La không chỉ có mặt tại các chợ đầu mối trong tỉnh mà còn nức tiếng các vùng lân cận như Nghệ An, Quảng Bình.
Tác giả: Long Trần
Nguồn tin: Báo Pháp Luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP