Rắn hoa cổ đỏ tưởng không độc nhưng "độc không tưởng" |
Ngày 6/4, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đã cảnh báo về rắn hoa cổ đỏ (rắn học trò) được nhiều người nghĩ là không có độc nhưng đã gây tử vong cho bé gái N.T.N.T (15 tháng tuổi, Tiền Giang).
Theo BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, ngày 29/3, Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang đã chuyển bệnh nhi đến với vết thương trên cánh tay được băng ép nhưng không thể cầm máu dù bệnh viện đã làm rất nhiều cách.
BS Đinh Tấn Phương cảnh báo về rắn hoa cổ đỏ tưởng không độc nhưng lại rất độc |
Theo lời kể của người nhà, bé đang chơi ngoài sân thì bị rắn cắn, người nhà đắp lá thuốc nhưng thấy máu ở vết thương nơi cẳng tay vẫn chảy tiếp nên đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Bệnh viện tỉnh đã cấp cứu, dùng thuốc chống lại tình trạng rối loạn đông máu, chích 4 lọ kháng huyết thanh dành cho rắn lục tre, tuy nhiên bé vẫn chảy máu và có nhiều vết bầm da trên cơ thể nên đã được chuyển lên TPHCM.
Khi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ nhận ra đây không phải là vết thương do rắn lục tre hay rắn lục đuôi đỏ. Qua đối chiếu hình ảnh với gia đình, xác định là rắn hoa cổ đỏ, một loại rắn độc chưa có kháng huyết thanh.
Các bác sĩ đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi có nghiên cứu về rắn này nhưng được biết ở Việt Nam chưa có kháng huyết thanh. “Chúng tôi đã liên hệ nhiều quốc gia để tìm kiếm kháng huyết thanh nhưng không có. Chỉ có một bệnh viện ở Nhật đang nghiên cứu thử nghiệm kháng huyết thanh này, tuy nhiên chế phẩm vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa thể sử dụng được” - BS Phương cho biết.
Khi bị rắn cắn, người nhà nên đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất |
Bé được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc, các bác sĩ cố gắng cứu bé bằng cách truyền rất nhiều máu, chế phẩm máu, gần như là thay máu cho bé, truyền thuốc rối loạn đông máu... Dù bệnh viện đã cố gắng hết sức, tuy nhiên bé ngày càng nặng, xuất huyết không chỉ ở vết thương mà còn dưới da, chân răng, nghi ngờ xuất huyết não, suy hô hấp và đã tử vong sau 2 ngày.
Theo BS Phương, rắn hoa cổ đỏ thuộc dòng rắn nước nhưng cư trú trên bờ. Nó có nhiều tên như rắn hổ lửa, rắn học trò, rắn bảy màu, nữ hoàng bóng đêm..., có đầu màu xanh ô liu, cổ đỏ, thân mình nhiều hoa văn đen, xanh... rất đẹp và nguy hiểm nhất là một số người vẫn tưởng nó không độc, thậm chí cho trẻ con nuôi chơi.
Đây là loại rắn rất đặc biệt, vì 10 người bị cắn thì chỉ có 3 người nhiễm độc, 7 người không có triệu chứng gì nên mới tưởng không độc. Nguyên nhân là do con rắn này không tự sinh ra nọc độc mà tổng hợp chất độc từ những thứ nó ăn, nên những con ăn nhiều động vật độc thường có độc tính cao hơn.
Những con rắn độc khác có móc độc giống như 2 răng nanh, khi cắn thì móc độc này sẽ bơm chất độc vào vật bị cắn. Còn rắn hoa cổ đỏ, móc độc nằm ở trong cùng. Nếu chúng chỉ cắn sơ răng bên ngoài thì không có độc; nếu nó cắn bằng răng trong cùng thì mới dính độc.
"Em bé nói trên không may bị cắn khi con rắn mở to miệng, nên bị rắn bơm nọc vào. Độ nặng của bệnh nhân còn tùy thuộc vào lượng nọc con rắn bơm vào" – BS Đinh Tấn Phương giải thích.
Theo bác sĩ Phương rắn hoa cổ đỏ là rắn độc, đến nay vẫn chưa có kháng huyết thanh để điều trị. Không nên nuôi để làm thú cưng. Nhiều người có sở thích uống mật rắn, rượu rắn… nhưng riêng với rắn hoa cổ đỏ, nọc của rắn này không bị biến đổi bởi nhiệt, axit, rượu... do đó không được ăn hay ngâm rượu.
Rắn hoa cổ đỏ khi trưởng thành dài tới hơn 1m2, thường sống xung quanh nhà dân. Nếu bị rắn này cắn dễ gây rối loạn đông máu, người nhà nên đưa bệnh nhân gấp đến cơ sở y tế để xử lý mà không nên làm gì khác. Người nhà cũng cấn nhớ hình dạng rắn cắn để cung cấp cho bác sĩ.
Nhiều người còn tìm cách chữa mẹo hoặc tìm lá cây đắp lên, nhưng theo tôi điều này có thể gây nhiễm trùng, làm mất thời gian vàng để cứu chữa bệnh nhân” - BS Phương cảnh báo.
Tác giả: Uyên Phương
Nguồn tin: Báo Tiền phong