Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tới bệnh viện ở Nga (Ảnh: Reuters). |
Trong hai tháng qua, làn sóng Covid-19 mới đã càn quét một số quốc gia ở Trung và Đông Âu, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với những nơi khác trong khu vực.
Trong khi các nhân viên y tế kêu gọi các biện pháp hạn chế cứng rắn, thậm chí áp lệnh phong tỏa, các nhà lãnh đạo vẫn chậm chạp trong việc kiểm soát dịch suốt nhiều tuần.
Đầu tháng này, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố rằng châu Âu lại trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19.
Trong khi một số quốc gia Tây Âu đang chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca nhiễm, các quốc gia ở Đông Âu đang ghi nhận số ca tử vong tăng vọt.
Romania, Bulgaria và các quốc gia vùng Balkan ghi nhận tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới trong tuần đầu tiên của tháng 11, theo WHO.
Tại một bệnh viện chính ở Bucharest, Romania thi thể của những người chết vì Covid-19 xếp dọc hàng lang trong những ngày gần đây vì không còn chỗ trong nhà xác.
Ở Serbia, một số bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải đến mức chỉ nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19.
Trong khi đó, những người quản lý nghĩa trang ở Belgrade, Serbia cho biết hiện họ hiện xử lý trung bình 65 thi thể mỗi ngày, so với khoảng 35-40 thi thể trước đại dịch.
Các phu mộ ở Belgrade bây giờ phải làm việc cả vào những ngày chủ nhật để xử lý kịp số thi thể chuyển đến, trong khi trước đây họ không cần làm tăng ca như vậy.
Các bệnh viện ở Bulgaria, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp, buộc phải tạm ngừng tất cả các ca phẫu thuật không khẩn cấp để có thêm bác sĩ điều trị cho số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng.
Các chuyên gia cho rằng, các chiến dịch tiêm chủng chậm chạp, các hệ thống y tế thiếu nguồn lực tài chính và quản lý không hiệu quả là những nguyên nhân nền tảng dẫn đến các đợt bùng phát dịch mới nhất ở khu vực trên. Trong khi đó, các bác sĩ cho rằng, một số chính phủ triển khai biện pháp chống dịch mất nhiều thời gian và chưa đủ mạnh.
Vì sao dịch bệnh căng thẳng trở lại?
Nhiều quốc gia ở Trung và Đông Âu có tỷ lệ tiêm chủng vaccine rất thấp, trong khi nguồn cung vaccine ở những khu vực này không bị thiếu hụt. Bulgaria và Romania, cả hai thuộc Liên minh châu Âu (EU), mới tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 23% và 35% dân số. Trong khi đó, Bosnia và Herzegovina mới chỉ có 21% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Số ca nhiễm tăng vọt dường như là "hồi chuông cảnh tỉnh" ở Croatia, nơi chứng kiến những dòng người dài bất thường chờ tiêm vaccine trong những ngày gần đây. Các nhà chức trách hôm 10/11 cho biết, hơn 15.000 người đã được tiêm liều vaccine đầu tiên - sự gia tăng đáng kể trong chiến dịch tiêm chủng tại nước này.
Croatia và nước láng giềng Slovenia cũng đã áp dụng thẻ thông hành Covid-19 trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, các tổ chức y tế ở Slovenia vẫn cảnh báo hệ thống y tế của nước này đang trên đà sụp đổ.
Tương tự Serbia, chính phủ Hungary cho biết họ muốn dựa vào tiêm chủng hơn là áp đặt các biện pháp hạn chế để chống dịch Covid-19. Với gần 60% người dân được tiêm chủng đầy đủ, Hungary được bảo vệ tốt hơn hầu hết các nước trong khu vực, nhưng một bộ phận lớn người dân nước này vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh do chưa tiêm chủng.
Đầu tháng này, chính phủ Hungary đã yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và cho phép các công ty tư nhân yêu cầu nhân viên tiêm vaccine.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí