Trong tỉnh

Nghi vấn trường mầm non ở Nghệ An 'lạm thu' và 'xén' nửa tiền ăn của trẻ

Theo người cung cấp nguồn thực phẩm cho Trường Mầm non Thạch Ngàn (Con Cuông), mỗi ngày trường này chỉ chi một khoản ít so với số tiền phụ huynh đã đóng để mua thực phẩm. Chưa hết, trường này còn thu nhiều khoản trái quy định.

Nghi vấn tiền ăn của trẻ bị bớt xén

Chị T. (47 tuổi, xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn), người cung cấp nguồn thực phẩm cho Trường Mầm non Thạch Ngàn từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2016 - 2017, cho hay, mỗi ngày nhà trường chỉ mua thực phẩm cho học sinh với số tiền rất ít so với tiền phụ huynh đã đóng (chị này xin được giấu tên thật vì hiện tại vẫn đang cung cấp thực phẩm cho nhiều trường khác trên địa bàn, sợ ảnh hưởng đến công việc của mình).

 Bữa ăn chỉ có miến trắng của mầm non Thạch Ngàn.  Ảnh: tư liệu
Bữa ăn chỉ có miến trắng của mầm non Thạch Ngàn. Ảnh: tư liệu

“Từ năm 2012, bà Hạnh về đó làm hiệu trưởng thì tôi bắt đầu ký hợp đồng cung cấp thực phẩm cho trường này. Tuy nhiên, để nhận được hợp đồng này, bà Hạnh yêu cầu tôi phải chung chi 50% tiền lãi”, chị T. nói và cho biết thêm, trong suốt 5 năm học, mỗi ngày số tiền lời thu được từ việc cung cấp thực phẩm cho trường này chỉ khoảng 100.000 đồng, nhưng chị vẫn chấp nhận chi cho hiệu trưởng 50.000 đồng. Đến đầu năm học vừa qua, chị T. bị bà hiệu trưởng Hạnh cắt hợp đồng sau 5 năm hợp tác để ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với cháu ruột mình.

Lật giở sổ sách ghi chép tỉ mỉ từng lần cung cấp thực phẩm cho Trường Mầm non Thạch Ngàn suốt nhiều năm qua, chị T. cho hay, toàn bộ sổ sách này đều có chữ ký xác nhận của lãnh đạo nhà trường.

Theo đó, năm học 2016 - 2017, điểm trường chính của Mầm non Thạch Ngàn có hơn 200 học sinh, một cháu đóng tiền ăn bán trú mỗi ngày 14.000 đồng. Tương đương, toàn bộ bữa ăn trong ngày có giá gần 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong cuốn sổ cung cấp thực phẩm thì nhà trường thu mua trung bình chỉ ở mức 1,2 triệu đồng mỗi ngày, cộng với khoảng 300.000 đồng tiền gạo. Chỉ chiếm khoảng một nửa so với tổng số tiền các phụ huynh học sinh đã đóng trong ngày.

Thậm chí, một số ngày tiền mua thực phẩm chỉ ở mức 800.000 đồng như ngày 28/3/2017. Theo đó, trong ngày này, nhà trường chỉ mua 5 cân thịt lợn với giá 550.000 đồng; 2 cân xương giá 130.000 đồng; 1,5 cân rau giá 67.000 đồng; 1,3 cân đậu phụ giá 20.000 đồng; 4 quả bí xanh giá 40.000 đồng và 15.000 đồng rau mùi, gia vị. Tổng cộng chi hết 822.000 đồng.

“Ở các trường khác, mỗi ngày giao nhận, tôi sẽ phải kê một hóa đơn ghi rõ giá tiền gửi về nhà bếp, bộ phận chế biến của trường để họ biết ngày đó mua hết bao nhiêu tiền thức ăn, nhưng đối với trường này, hiệu trưởng không cho làm thế. Giá tiền thực phẩm chỉ mỗi mình hiệu trưởng và tôi biết, trong hóa đơn gửi nhà bếp chỉ có số lượng mà không có giá tiền, nhà bếp chỉ biết được bao nhiêu cân rồi thực phẩm có đạt chất lượng hay chưa mà thôi”, chị T. kể.

Nơi chế biến thức ăn của trường mầm non Thạch Ngàn. Ảnh. Tiến Hùng
Nơi chế biến, nấu các bữa ăn của Trường Mầm non Thạch Ngàn. Ảnh. Tiến Hùng

Người phụ nữ này cũng cho hay, chị không hề biết số thực phẩm mà chị cung cấp dùng để chế biến thức ăn cho toàn bộ hơn 200 học sinh. Trong năm học trước, người trực tiếp thanh toán tiền và ký nhận trong cuốn sổ là bà Nguyễn Thị Sinh, Hiệu phó Trường Mầm non Thạch Ngàn. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Nghệ An, bà Sinh phủ nhận thông tin này. “Tôi xác nhận bà T. là người cung cấp thực phẩm cho nhà trường 5 năm qua, nhưng tôi không liên quan vụ việc này”, bà Sinh nói.

Theo quy định, các trường mầm non tổ chức bán trú cũng không được phép ký hợp đồng với chỉ một người để cung cấp toàn bộ thực phẩm, mà mỗi món chính phải mua từ một cửa hàng khác nhau. Về việc này, chị T. cho hay trên giấy tờ thì hợp đồng có nhiều tên chủ cửa hàng cung cấp khác nhau, nhưng thực tế chị là người cung cấp toàn bộ thực phẩm cho trường này trong 5 ngày/tuần trong suốt 5 năm qua, từ những món ăn chính gồm thịt, cá đến những món phụ gồm rau, củ quả.

Người phụ nữ này thừa nhận đã cùng với lãnh đạo nhà trường lách quy định bằng cách ký hợp đồng với những tên khác nhau. “Ví dụ như món cá cung cấp cho nhà trường thì đứng tên tôi nhưng thịt lợn thì đứng tên chồng tôi, rồi thịt bò lại đứng tên con gái tôi…”, chị T. nói và cho hay, chị sẵn sàng phối hợp với công an để làm sáng tỏ vụ việc.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Hạnh cho hay, những thông tin này đều không đúng sự thật. Việc ăn uống của các cháu đều được đảm bảo số lượng lẫn chất lượng. “Chúng tôi ký hợp đồng với nhiều người chứ không chỉ một người cung cấp thực phẩm”, bà Hạnh nói nhưng không cung cấp được tên tuổi của những người này.

Trước đó, ngày 19/10, một phụ huynh vô tình vào Trường mầm non Thạch Ngàn đúng lúc các cháu đang ăn bữa phụ. Chứng kiến bữa ăn “quá khiêm tốn” với chỉ miến trắng luộc, người này đã chụp ảnh và phản ánh lên mạng xã hội. Vào cuộc kiểm tra, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông xác định bữa ăn này của các cháu chỉ có giá hơn 3.000 đồng mỗi suất.

Thu trái quy định

Trung tuần tháng 11 này, lãnh đạo xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông) phải bố trí nhiều cán bộ đến từng nhà có con đang theo học tại trường mầm non của xã để vận động phụ huynh cho con tới trường. Bức xức vì những những khoản thu “trên trời” mà hiệu trưởng đưa ra cùng với nghi vấn tiền ăn bán trú bị bớt xén, nhiều phụ huynh đã đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối. Trường ở điểm chính chỉ có hơn 200 cháu nhưng có ngày hơn một nửa học sinh nghỉ học.

Phụ huynh Lô Thị Khiêm nói rằng, các khoản thu ở trường này quá cao. Ảnh: Tiến Hùng
Phụ huynh Lô Thị Khiêm cho rằng, các khoản thu ở Trường Mầm non Thạch Ngàn là quá cao. Ảnh: Tiến Hùng

Mặc dù là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn với hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hơn 70% là hộ nghèo và cận nghèo, nhưng Trường mầm non Thạch Ngàn lại đưa ra nhiều khoản thu cao, thậm chí một số khoản thu trái quy định. Năm học trước, hơn 100 học sinh ở 4 điểm phải đóng tiền điện mỗi cháu 180.000 đồng/năm. Ngoài ra, tại điểm trường chính, hơn 200 cháu mặc dù không phải đóng tiền điện nhưng lại bị nhà trường buộc nộp 90.000 tiền nước….

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông, việc nhà trường thu tiền điện là trái với quy định. “Về tiền điện, năm ngoái nhà trường thu được 21,6 triệu đồng, nhưng cả năm chỉ chi hết 1,5 triệu. Tương tự là tiền nước ở điểm trường chính, nhà trường thu được gần 20 triệu đồng nhưng chi ra 2,7 triệu. Hiện hai khoản này vẫn thừa hơn 37 triệu đồng không biết đang ở đâu”, ông Lê Thanh An, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo nói và cho biết, phòng đã chỉ đạo nhà trường phải hoàn trả lại số tiền này cho các phụ huynh.

Lý giải về hai khoản thu này, Hiệu trưởng Lê Thị Hạnh lại cho rằng, “nhà trường không triển khai mà các giáo viên chủ nhiệm tự thỏa thuận với phụ huynh và đưa ra”. Số tiền này được chia bồi dưỡng cho toàn bộ giáo viên. Trong khi đó, chia sẻ với PV Báo Nghệ An, một giáo viên xin được giấu tên cho hay, toàn bộ các khoản đều do bà Hạnh triển khai, buộc giáo viên đứng lớp phải thu đủ. Họ cũng phủ nhận được chia tiền từ khoản này.

Trường mầm non Thạch Ngàn thu nhiều khoản trái quy định. Ảnh. Tiến Hùng
Trường Mầm non Thạch Ngàn. Ảnh. Tiến Hùng

Về khoản tiền xã hội hóa, theo quy định đây là khoản thu không bắt buộc, dựa trên tinh thần tự nguyện,, tuy nhiên trường mầm non này lại đưa ra các mức đóng cứng để buộc phụ huynh phải tuân theo.

Năm học 2016 - 2017, hiệu trưởng Hạnh yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thu từ các phụ huynh với mức 400.000 đồng đối với hộ bình thường, 390.000 đồng đối với hộ cận nghèo và 380.000 đồng đối với hộ nghèo. Tổng số tiền thu được gần 100 triệu đồng nhưng sau đó nhà trường chỉ sửa sang lại nhà vệ sinh ở điểm trường chính.

Năm học 2017 - 2018, số tiền xã hội hóa mà trường đưa ra tăng lên lần lượt 530.000 đồng, 540.000 đồng và 550.000 theo diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ bình thường. “Mặc dù nói tự nguyện nhưng nếu không nộp thì sau đó không lên được lớp 1”, phụ huynh Lô Văn Sơn (24 tuổi) nói. Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù trường ở xã diện 135, nhưng số tiền xã hội hóa ở trường mầm non này cao hơn nhiều so với nhiều trường ở khu vực thuận lợi khác.

Trong khi đó, bà Hạnh lại cho rằng, khoản thu này đều do các phụ huynh tự nguyện. “Phụ huynh họ thấy chúng tôi làm được nhiều thứ, làm tốt nên họ tự nguyện đóng, chứ nhà trường không hề bắt buộc”, bà Hạnh nói.

Ngoài những khoản thu này, đầu năm học 2016/2017, Trường Mầm non Thạch Ngàn còn đưa ra những khoản thu cao khác như tiền trực trưa 198.000 đồng; tiền sinh hoạt bán trú 180.000 đồng; tiền ủng hộ xây dựng trường chuẩn 50.000 đồng; tiền đồ dùng học tập 240.000 đồng; tiền đồ dùng chung 65.000 đồng; tiền hội phụ huynh 60.000 đồng….

Tác giả: Tiến Hùng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP