Thế giới

Nghi phạm chủ mưu vụ khủng bố 11-9 đồng ý nhận tội để tránh án tử

Sau 16 năm truy tố, Mỹ đã đạt được thỏa thuận nhận tội đối với các nghi phạm tham gia vụ khủng bố 11-9, trong đó có nghi phạm chủ mưu Khalid Sheikh Mohammed.

Nghi phạm Khalid Sheikh Mohammed bị cáo buộc là chủ mưu vụ khủng bố ngày 11-9-2001 - Ảnh: AFP

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 31-7, Khalid Sheikh Mohammed, kẻ bị cáo buộc chủ mưu vụ khủng bố 11-9, đã đồng ý nhận tội.

Sau 27 tháng đàm phán, thỏa thuận nhận tội này sẽ loại bỏ án tử cho Mohammed và hai đồng phạm khác là Walid Bin 'Attash và Mustafa al Hawsawi.

Nhận tội để tránh án tử

Đài CNN trích dẫn thông tin trên từ một lá thư các công tố Mỹ gửi đến gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố.

Theo đó, ba nghi phạm trên đã đồng ý nhận tội với tất cả tội danh bị cáo buộc, bao gồm cáo buộc khiến 2.976 người thiệt mạng, được liệt kê trong bản cáo trạng.

Mỹ đạt được thỏa thuận trên với các nghi phạm sau 16 năm thực hiện truy tố vụ khủng bố của Al-Qaeda.

Vào ngày 11-9-2001, những tên khủng bố đã chiếm đoạt bốn máy bay thương mại, sau đó điều khiển ba chiếc trong số đó tấn công tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới ở thành phố New York và trụ sở Lầu Năm Góc.

Chiếc máy bay thứ tư bị những tên không tặc cố điều khiển hướng đến Washington, nhưng hành khách và phi hành đoàn trên máy bay khi đó đã xông vào buồng lái.

Chiếc máy bay sau cùng lao xuống một cánh đồng ở Pennsylvania.

Có ý kiến chuyên gia cho rằng thỏa thuận này là "ít tệ nhất", nhằm tránh một phiên tòa kéo dài và phức tạp để tuyên án tử cho kẻ chủ mưu Mohammed.

Chính phủ Mỹ trong vòng hai thập kỷ qua đối mặt với nhiều thách thức khi xử lý vụ án, kể từ thời điểm nghi phạm Mohammed bị bắt ở Pakistan vào năm 2003.

"Những nghi phạm vẫn đang trong giai đoạn điều trần trước khi xét xử. Tốt hơn hết là đạt được một thỏa thuận nào đó", chuyên gia về khủng bố và là cây bút phân tích an ninh quốc gia Peter Bergen của Đài CNN nhận định.

Theo Hãng tin AP, trước khi được chuyển đến nhà tù quân sự Guantanamo của Mỹ ở Cuba, nghi phạm Mohammed đã bị Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) tra tấn bằng cách trấn nước và nhiều hình thức thẩm vấn cưỡng bức khác.

Việc tra tấn nghi phạm được cho là một trong những nguyên nhân đã làm cản trở quá trình tố tụng của vụ án, khi những bằng chứng có được do tra tấn không được chấp nhận tại tòa.

Gia đình nạn nhân cần biết thông tin

Như một phần của thỏa thuận nhận tội, các bị cáo đồng ý trả lời câu hỏi bằng văn bản của các nạn nhân sống sót sau vụ khủng bố, cũng như gia đình các nạn nhân khác về vai trò và lý do họ thực hiện vụ tấn công.

"Mặc dù hiểu về quyết định loại bỏ án tử, mối quan tâm chính của chúng tôi vẫn là tiếp cận những cá nhân này để biết thông tin.

Những thỏa thuận nhận tội này không nên duy trì một hệ thống thỏa thuận đóng cửa mà những thông tin quan trọng bị giấu kín, trong khi không cho gia đình nhân cơ hội để tìm hiểu sự thật", ông Brett Eagleson, chủ tịch tổ chức Công lý 11-9, chia sẻ với Đài CNN.

Tổ chức Công lý 11-9 đại diện cho những người sống sót sau vụ khủng bố và gia đình các nạn nhân.

Tác giả: NGHI VŨ

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP