Theo đó, phản hồi trước thông tin này, nhiều phụ huynh học sinh vô cùng lo ngại về chất lượng sữa, cũng như khâu kiểm định trước khi cung cấp sữa cho hàng trăm học sinh.
Các em học sinh nhập viện điều trị sau khi nghi uống sữa của NutiFood tại trường. Ảnh: H.T |
Chị Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Trước kia đã từng nghe về một số vụ việc sữa Nutifood bị phát hiện kém chất lượng nhưng mình vẫn nghĩ có thể chỉ là số ít sản phẩm được bảo quản không đúng cách. Tuy nhiên, sau vụ việc 70 học sinh Đồng Nai bị ngộ độc này, ảnh hưởng tới hàng loạt trẻ em, do đó, rất mong cơ quan chức năng làm sáng tỏ thông tin để người tiêu dùng và các bậc phụ huynh bớt hoang mang.
Chị Nguyễn Thị Phương (Từ Liêm, Hà Nội) cũng bày tỏ sự băn khoăn: “Hiện tại chưa có kết quả chính xác từ cơ quan chức năng thì cũng chưa biết nguyên nhân thế nào. Nhưng bản thân mình sau vụ việc cũng khá dè chừng khi mua sản phẩm của Nutifood, hoặc có mua cũng sẽ hạn chế hơn vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con trẻ”.
Qua khảo sát, phản ứng của phụ huynh là khá gay gắt, đặc biệt một số người khẳng định nếu như kết quả từ cơ quan chức năng về việc hàng loạt học sinh ở Đồng Nai bị ngộ độc là do uống sữa của Nutifood thì sẽ ngừng mua sản phẩm của hãng ngay lập tức. “Sản phẩm sữa nào khi đưa vào chương trình cũng phải được kiểm nghiệm nghiêm ngặt, không thể đưa học sinh ra làm chuột bạch như thế” - một phụ huynh nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện phía Công ty cho biết, sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã phối hợp cho ngưng việc sử dụng sữa của trường học và lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm tại các đơn vị chức năng một cách độc lập. “Công ty đã tiến hành lấy mẫu, đem đi kiểm nghiệm ở cơ quan độc lập và sẽ có kết quả vào thời gian tới. Mọi kết luận về nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa do sử dụng sữa hay nguyên nhân nào khác sẽ chờ vào kết quả kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng”.
Trước sự việc trên, dư luận đặt câu hỏi: Có hay không doanh nghiệp biến nhà trường thành nơi tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng?
Điều đáng nói, nhà trường mới sử dụng loại sữa này vài hôm sau khi nhãn hàng cung ứng sữa hiện tại “đánh bật” một thương hiệu khác. Phải chăng, có sự “mập mờ” trong ký kết hợp đồng cung cấp sữa cho hàng trăm học sinh mà không thông qua khâu kiểm định chất lượng? Thiết nghĩ, vụ việc cần nhanh chóng làm rõ nguyên nhân.
“Sữa học đường” là một chương trình lớn, là nỗ lực của Chính phủ nhằm cải tạo nòi giống, tầm vóc người Việt. Mục tiêu lớn nhất của Chương trình là đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa. Đồng thời cũng nhấn mạnh giải pháp ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình “Sữa học đường”; Nêu rõ các quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; đưa ra các giải pháp huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp và cộng đồng… Tại tỉnh Đồng Nai, Đề án “Sữa học đường” được triển khai từ năm 2014. Đối tượng được uống là trẻ từ mẫu giáo, mầm non tới học sinh tiểu học. Giá mỗi hộp sữa được tỉnh dùng ngân sách để hỗ trợ là 35%, công ty trúng thầu cung cấp sữa hỗ trợ 15%, 50% còn lại do phụ huynh đóng góp hàng tháng. Học sinh được uống sữa vào các ngày từ thứ hai tới thứ năm hàng tuần. Được biết, Công ty Nutifood trúng thầu Đề án "Sữa học đường" tại Đồng Nai từ năm 2017. Thời gian trước học sinh được uống loại sữa khác, còn sữa khiến học sinh bị ngộ độc hàng loạt vừa qua là sữa tươi, loại hộp giấy. |
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Nhân đạo & Đời sống