Mùa hè cũng là lúc những vườn vải thiều ở Mường Nọc (Quế Phong) bắt đầu chín. Theo những nông dân nơi đây thì năm nay vải không được mùa. |
Tuy nhiên, được hay mất mùa không phải là vấn đề lớn với những đứa trẻ ở Mường Nọc. Khi được gọi đi hái vải, chúng sẽ có tiền mua kẹo bánh và tích lũy chút ít để mua sách vở, quần áo vào năm học mới. Những cây vải cho quả chín thường ở cao, nên những đứa trẻ hái vải thuê này phải trèo thang, bám với từ cành này sang cành khác để hái. Vì vậy, công việc này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. |
Năm nay 10 tuổi, Lang Thanh Trường đã có mùa hái vải thứ 2 của mình. Cậu bé tiết lộ, vào mùa vải năm ngoái, cậu đã kiếm đủ tiền mua sách vở, quần áo mới cho năm học vừa qua. Thậm chí, cậu còn mua được chiếc xe đạp cho em trai vừa học xong lớp 3. |
Công việc của Trường thường kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, đôi lúc cậu cũng dừng tay để thưởng thức những trái vải chín ngay trên cây. |
Còn cậu em trai Lang Tường Minh, mùa vải này cũng theo phụ anh trai. Cậu chỉ việc đứng dưới gốc, chờ đó lấy những quả bỏ vào chiếc túi đựng vải. |
Những cậu bé hái vải chia sẻ rằng ở Mường Nọc có khá nhiều trẻ em trai làm công việc hái vải. Phụ huynh thường không ủng hộ chúng leo trèo vì lo ngại tai nạn nhưng vì thu nhập hấp dẫn, chúng vẫn thường nhận lời với các chủ vườn. |
Sau khi hái, bọn trẻ phải buộc vải thành từng chùm. Em Lang Thanh Trường cho biết, rằng các em được trả công 8.000 đồng/kg, bằng 1/4 so với giá bán lẻ tại địa phương. Trung bình mỗi ngày, một đứa trẻ hái vải trong 2-3 giờ đồng hồ có thể hái được khoảng 10kg vải. Được biết, công việc này chỉ duy trì từ 1 - 1,5 tháng trong mùa vải chín rộ. Tận mắt chứng kiến công việc hái vải thuê của những đứa trẻ vùng cao này, thiết nghĩ cần có sự cảnh báo mạnh mẽ về việc sử dụng lao động trẻ em, nhất là khi làm việc trong điều kiện không đủ đảm bảo an toàn. |
Tác giả: Hữu Vi
Nguồn tin: Báo Nghệ An