Địa phương Bắc Trung bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể phát triển các ngành kinh tế biển. Tỉnh này có đường bờ biển dài 82 km, với 6 cửa lạch. Tổng trữ lượng hải sản các loại khoảng 80 nghìn tấn. Kinh tế biển được xác định là trọng tâm trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Đẩy mạnh nhiều ngành kinh tế biển
Đứng trước những kỳ vọng về kinh tế vùng ven biển, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số về thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển chiếm khoảng 57-60% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và bình quân tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 12,5-13,5%/năm.
Địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển theo hướng chú trọng phát huy lợi thế của tỉnh với các địa phương khác. Cụ thể, tập trung vào các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên bao gồm công nghiệp ven biển; kinh tế hàng hải; du lịch biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; khai thác khoáng sản biển,…
Lễ hội khinh khí cầu trên biển Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Hải |
Để tạo động lực cho kinh tế biển, địa phương Bắc Trung bộ dự kiến đầu tư cảng biển nước sâu, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh, xây đường ven biển, đường kết nối Vinh – Cửa Lò. Các huyện ven biển, nhất là ở khu Đông Nam Nghệ An được định hướng phát triển các khu công nghiệp nhờ lợi thế về logistics, vận tải biển.
Lãnh đạo địa phương cho rằng cần đặc biệt chú trọng phát triển du lịch và dịch vụ vùng ven biển với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các sản phẩm du lịch được đầu tư theo hướng đa dạng hóa. Tỉnh có kế hoạch nâng cấp, xây dựng hệ thống công viên ven biển gắn với các hoạt động thể thao, giải trí, mua sắm.
Khai thác tiềm năng du lịch Cửa Lò
Trong số các địa phương giáp biển, Cửa Lò được xem có thế mạnh về du lịch, có đóng góp lớn vào kinh tế biển tỉnh Nghệ An. Nằm ở phía Đông Nam tỉnh Nghệ An, rộng hơn 27,8 km2, cách TP Vinh hơn 10 km, Cửa Lò là thị xã nhỏ nhất cả nước. Địa hình tương đối bằng phẳng, có nhiều núi nhỏ với các đảo và bán đảo tạo nên những cảnh quan kỳ thú. Khu vực này có bãi tắm thoải, nước trong xanh, là nơi nghỉ dưỡng được du khách ưa chuộng.
Năm 2024, Cửa Lò đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp không khói trở thành động lực trong phát triển đô thị biển.
Trong hai năm trở lại đây, hạ tầng đô thị Cửa Lò được đầu tư mạnh với loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ liên tục được xây dựng và hoàn thiện. Tiêu biểu là dự án cầu Cửa Hội đã hoàn thành, kết nối Cửa Lò với Nghi Xuân (Hà Tĩnh) hay tuyến quốc lộ ven biển giai đoạn một đi qua Cửa Lò đã thông tuyến. Đại lộ Vinh – Cửa Lò giai đoạn một đã hoàn thành. Dự án mở rộng đường Bình Minh về phía Đông dự kiến thông xe trong năm tới. Đặc biệt, tuyến cao tốc Bắc – Nam, Hà Nội – Vinh rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội xuống còn 3 tiếng 30 phút. Loạt hạ tầng hoàn thiện trở thành động lực, tạo sự thông thoáng để địa phương thu hút du khách.
Một góc thị xã Cửa Lò. Ảnh: Đức Hùng |
Thời gian tới, diện mạo đô thị Cửa Lò sẽ có nhiều chuyển biến khi hàng loạt nhà đầu tư có tiềm lực đổ về đây để xây dựng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Mới đây, khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh được UBND thị xã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Khu vực này đang tìm nhà đầu tư đủ tiềm lực để xây dựng khu lâm viên ven biển, phục vụ tắm biển, dịch vụ du lịch, khu ẩm thực vui chơi, giải trí được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Với những ưu thế trên, thị xã kỳ vọng đón 4,15 triệu lượt khách. Khách lưu trú đạt 1,45 triệu. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng.
Tác giả: Hoài Phương
Nguồn tin: cualo.vn