Trong tỉnh

Nghệ An thông báo kết quả rà soát khiếu nại liên quan Dự án đường Ven Sông Lam

UBND tỉnh Nghệ An vừa có Thông báo kết quả rà soát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án đường Ven sông Lam, đoạn qua xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.

Đường ven sông Lam. Ảnh: Báo Nghệ An

Đây là vụ khiếu nại kéo dài đến 16 năm với nhiều rắc rối pháp lý, nhiều lần giải quyết nhưng chưa dứt điểm, đồng thời cũng là một trong 42 vụ việc được Văn phòng Chính phủ chuyển UBND tỉnh Nghệ An giải quyết theo thẩm quyền vào tháng 3/2019.

Tại phiên tiếp công dân định kỳ tháng 8/2019, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh đã tiếp đại diện nhóm công dân với nội dung tố cáo công tác bồi thường GPMB tại huyện Nam Đàn có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến quyền lợi của công dân, làm thất thoát ngân sách Nhà nước trong thực hiện Dự án đường Ven sông Lam.

Bí thư Tỉnh ủy đã có kết luận, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An giao Thanh tra tỉnh thành lập Tổ công tác rà soát các nội dung đơn thư và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Theo báo cáo vào tháng 10/2019 của Thanh tra tỉnh: Năm 2004, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường giao thông ven sông Lam từ Cửa Hội đi thị trấn Nam Đàn do Sở GTVT làm chủ đầu tư, UBND các huyện có đường ven sông Lam đi qua tổ chức bồi thường GPMB.

Tại huyện Nam Đàn, đến năm 2019 vẫn còn 19 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường do không nhất trí với mức giá bồi thường về đất, nhà cửa vật kiến trúc, bố trí tái định cư, từ đó phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Đặc biệt, một số công dân còn khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế giải phóng mặt bằng trái luật, thực hiện cưỡng chế khi chưa có quyết định thu hồi đất; khiếu nại hành vi cưỡng chế giải phóng mặt bằng đã phá bỏ tài sản nằm ngoài mốc giải tỏa...

Với các nội dung khiếu nại, Thanh tra tỉnh đã đề xuất 2 phương án xử lý

Một, xét theo quy trình giải quyết đơn khiếu nại để xử lý.

Hai, nếu xem xét lại quyền lợi cho 19 hộ dân đến nay vẫn không nhận tiền bồi thường thì có một số căn cứ pháp lý “cần xin ý kiến”.

Cụ thể: công dân khiếu nại Hồi đồng bồi thường GPMB huyện Nam Đàn áp giá đất năm 2004 – giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường để bồi thường là không đúng quy định mà phải áp giá đất năm 2009 – thời điểm có quyết định thu hồi đất để bồi thường.

Mặc dù Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của UBND tỉnh Nghệ An đưa ra một số căn cứ pháp lý để kết luận nội dung khiếu nại trên là sai, nhưng theo Thanh tra tỉnh: tính đến ngày 25/10/2004 (ngày ban hành Quyết định phê duyệt giá trị bồi thường), Luật Đất đai 2003 đã có hiệu lực và Điều 42 Luật này quy định rõ là giá đất đền bù tính tại thời điểm có quyết định thu hồi. Luật là văn bản có hiệu lực cao nhất, phải áp dụng theo Luật Đất đai 2003. Vì thế, nếu xem xét lại quyền lợi cho các hộ dân đã khiếu nại phương án bồi thường ngay từ đầu do chưa có quyết định thu hồi đất thì cần tổ chức cuộc họp gồm các đơn vị liên quan để quyết định.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã giao các Sở ngành liên quan cho ý kiến bằng văn bản với các phương án xử lý do Thanh tra tỉnh đề xuất.

Từ bản tổng hợp ý kiến trên và báo cáo của Thanh tra, cuối tháng 6/2020, UBND tỉnh đã ra Thông báo kết quả rà soát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân:

Trường hợp công dân có khiếu nại đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giải quyết khiếu nại lần 2 (từ 2011 đến 2014), theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và và hướng dẫn tại Quyết định giải quyết khiếu nại, công dân có quyền khởi kiện ra TAND tỉnh. Tuy nhiên đến nay công dân không thực hiện quyền khởi kiện nên đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định. Do đó, UBND tỉnh đề nghị công dân chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 đã có hiệu lực pháp luật.

Đối với trường hợp công dân không đồng ý với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND huyện Nam Đàn phát sinh từ năm 2004 đến năm 2009 về bồi thường, giải phóng mặt bằng đường ven sông Lam, trước đây không thực hiện quyền khiếu nại theo quy định, nay tiếp tục có đơn khiếu nại thì đã hết thời hiệu khiếu nại theo quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 (Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính).

Như vậy, theo Thông báo trên của tỉnh Nghệ An, với một số nội dung khiếu nại như áp giá bồi thường không đúng quy định, thu hồi đất khi chưa có quyết định thu hồi,... các công dân ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn đã hết “cơ hội” khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện do hết thời hiệu quy định.

Tuy nhiên, trao đổi với PLVN, đại diện nhóm công dân cho biết đến ngày 8/7/2020, họ vẫn chưa nhận được Thông báo.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cũng giao Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn thành lập đoàn để thanh tra toàn diện việc xét, giao đất cho các hộ vào khu tái định cư xã Xuân Lâm và thanh tra công tác quản lý nhà nước của UBND xã Xuân Lâm trong việc quản lý quỹ đất sau thu hồi của Dự án đường Ven sông Lam; xử lý một số nội dung tố cáo và đề nghị bồi thường của công dân có quyền lợi bị ảnh hưởng.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP