Nhiều gia đình ở TP Vinh đã không dám dùng hải sản từ khi có thông tin cá chết hàng loạt ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Chị Nguyễn Thị Hồng - Phường Lê Mao nói: Kể từ ngày đó, gia đình em không ăn đồ biển vì sợ hãi.
Khu vực bán hải sản vắng bóng người mua
E ngại và hầu như nói không với thực phẩm biển là tâm lý khá phổ biến của người tiêu dùng Nghệ An trong hơn 3 tháng qua. Dạo quanh những khu vực bán đồ hải sản của một số chợ trên địa bàn thành phố Vinh là có thể thấy ngay thực tế này. Mực vùng biển Cửa Lò, Cửa Hội khi lên đến chợ thành phố vẫn nháy, cá vẫn tươi rói nhưng người mua cũng không mấy mặn mà. Kể từ ngày có thông tin cá biển chết hàng loạt, không khí mua bán khu vực đồ hải sản của các chợ cũng chùng hẳn xuống và ế ẩm.
Chồng đi biển đánh cá, vợ chạy chợ, cơm áo gạo tiền rồi chuyện học hành cho con cái nhìn cả vào gánh cá ở chợ của chị Kim Anh ở chợ Quang Trung, nhưng cứ đà buôn bán thất bát này khiến chị thực sự lo lắng: Trước đây, bán cả tạ cá, nhưng bây giờ có 10 cân cá cũng không bán được. Họ nói cá độc họ không mua.
Đến chuỗi thiệt hại kép từ biển
Mặc dù không phải là tâm bão trong sự cố môi trường biển vừa qua nhưng với tâm lý e ngại của người tiêu dùng thì Nghệ An vẫn là địa phương chịu rất nhiều thiệt hại về hoạt động đánh bắt thủy hải sản cũng như kinh doanh dịch vụ biển.
Ngư dân Thái Bá Hưng băn khoăn trước chuyến đi biển
Thời điểm này đang chính vụ cá Nam, sản lượng đánh bắt của ngư dân Quỳnh Lưu còn cao hơn cả năm ngoái nhưng chẳng có mấy người vui. Đang chuẩn bị cho chuyến ra biển, lòng anh Thái Bá Hưng cứ nặng trĩu. Không phải nỗi lo không đánh được cá mà lo khi đánh bắt về cá có tiêu thụ được hay không? Và tiền bán cá có đủ trang trải chi phí cho chuyến đi biển.
Ngư dân Quỳnh Lưu thiệt hại hơn 30 tỷ đồng trong 3 tháng qua
Quỳnh Lưu là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh Nghệ An với 800 chiếc và sản lượng đánh bắt mỗi năm trên 50 ngàn tấn, chiếm một nửa sản lượng đánh bắt toàn tỉnh. Mặc dù địa phương đã chủ động phối hợp cùng ngành Nông nghiệp khảo sát, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ, nhưng thực tế trong vòng 3 tháng việc cá biển bị rớt giá đã khiến ngư dân địa phương thiệt hại khoảng trên 30 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho rằng: Tâm lý e ngại sử dụng hải sản vẫn lớn. Mặc dù huyện cũng đã tuyên truyền là tàu ở đây chủ yếu đánh bắt khơi xa nhưng người tiêu dùng vẫn sợ, do đó, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đánh bắt.
Minh bạch thông tin khoa học về môi trường biển.
Không thể buộc người tiêu dùng ăn cá, tắm biển khi xảy ra sự cố môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, nhưng việc người dân không được cung cấp những thông tin khoa học về vùng có thể bị ảnh hưởng vô tình đã hình thành tâm lý e ngại đối với người tiêu dùng. Biển Cửa Lò rõ ràng không nằm trong dòng hải lưu có ô nhiễm nhưng cũng đã bị nghi ngờ. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch trong tháng 5 và tháng 6 đã giảm trên 30%. Riêng tháng 6, doanh thu giảm gần 250 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015 - Ông Võ Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò cho biết.
Biển Của Lò vắng khách giữa mùa du lịch 2016
Lượng khách giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các hộ dân hoạt động dịch vụ du lịch. Thậm chí với những hộ năm đầu tiên đầu tư kinh doanh thì đây thực sự là một cú sốc đối với kinh tế gia đình. Bà Hoàng Thị Tám - Chủ nhà hàng Tài Nghĩa, Thị xã Cửa Lò chia sẻ: Gia đình cứ tưởng bắt được lá thăm ốt này là may mắn để giải quyết công ăn việc làm cho con cái nhưng không ngờ gặp phải sự cố cá chết. Không biết khi mô mới có thể lấy lại tiền đầu tư.
Mặc dù khách đã về lại với Của Lò nhưng thiệt hại của những hộ làm dịch vụ ở đây vẫn rất nặng nề
Chịu ảnh hưởng gián tiếp nhưng hậu quả mà những ngư dân, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch biển ở Nghệ An phải nhận cũng không khác gì những nơi bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngư dân có thể gượng dậy để tiếp tục bám biển, vươn khơi và du lịch biển trở lại bình thường như trước hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào một bộ phận người dân có thể gạt bỏ tâm lý e ngại thiếu căn cứ. Và nhất là cần sự quan tâm, khảo sát đánh giá thiệt hại một cách khách quan của các ngành chức năng liên quan để từ đó có cơ chế hỗ trợ thích hợp.
Tác giả bài viết: Xuân Hướng