Trong tỉnh

Nghệ An tháo gỡ “điểm nghẽn” trong cải cách hành chính

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, một trong những mũi đột phá của địa phương.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính vẫn chưa được thông suốt, nhiều “điểm nghẽn” đã ảnh hưởng tới sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An, tạo rào cản trong môi trường thu hút đầu tư kinh doanh…

Chưa phân cấp, phân quyền kịp thời

Đây cũng là một trong những vấn đề được đề cập tại cuộc họp của đoàn giám sát “công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 – 2022” do Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An chủ trì, với sự tham gia của đại diện các Sở, ban, ngành liên quan đã thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, thiếu sót trong công tác cải cách hành chính của địa phương trong thời gian qua.

Theo báo cáo của đoàn giám sát cho thấy, một số đơn vị đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, nhưng chưa bám sát kế hoạch đã ban hành để tổ chức thực hiện. Trách nhiệm về cải cách thủ tục hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tham mưu thực thi công vụ chưa cao, chưa chủ động đổi mới, sáng tạo… Bên cạnh đó, trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, địa phương chưa thực sự quan tâm, thiếu quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng đạo đức công vụ của một số cán bộ, công chức chưa tốt, còn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây nhũng nhiễu tiêu cực trong giải quyết công việc của doanh nghiệp và người dân. Chưa hết, ở một số lĩnh vực chưa được giải quyết tốt, vi phạm pháp luật phải xử lý còn xảy ra nhiều khiến người dân, doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng.

Việc phân cấp, phân quyền để xử lý, giải quyết thủ tục hành chính ở Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ

Đặc biệt, trong lĩnh vực đất đai, công tác cải cách thủ tục hành chính ở địa phương vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục liên quan. Đại diện các Sở, ngành liên quan cũng kiến nghị cần mạnh dạn phân cấp cho cơ sở, để từ đó tạo điều kiện cho cấp dưới kịp thời giải quyết những vướng mắc trong việc phân cấp liên quan đến thủ tục giá đất…

Đơn cử như việc trích đo đất đai trước là huyện quản lý nhưng sau khi chuyển về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh duyệt, phải chờ lấy ý kiến các ngành liên quan sẽ kéo dài trung bình 2 tháng. Trong khi đó, trước kia được giao cho cấp huyện phê duyệt chỉ mất trung bình khoảng 01 tuần.

Tình trạng người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến ở mức độ 3, 4 tại địa phương trong thời gian qua vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tích hợp một số thủ tục hành chính giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng Dịch vụ công của Bộ GTVT và của tỉnh vẫn chưa thực hiện được nên việc triển khai giải quyết một số thủ tục hành chính còn bất cập, vướng mắc.

Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, công tác cải cách hành chính của Nghệ An thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tạo ra sự đồng thuận và nâng cao uy tín đối với người dân, doanh nghiệp.

Nhiều chỉ số liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính của địa phương đã có nhiều cải thiện, tạo ra những bước đột phá lan toả trong toàn hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến huyện, thành, thị… Điều này cũng được thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2022 của tỉnh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành, tăng 7 bậc so với năm 2021; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đứng thứ 14/63 tỉnh, thành, tăng 21 bậc so với năm 2021; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 Nghệ An đứng thứ 23/67 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 07 bậc so với năm 2021.

Có được những kết quả nói trên là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh đối với công tác điều hành cải cách hành chính được thực hiện một cách quyết liệt, thường xuyên, liên tục và tạo thành nề nếp.

Cụ thể, Nghệ An cũng liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức cố tình sách nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc thụ lý, giải quyết thủ tục hành chính. Nhiều văn bản chỉ đạo phê bình người đứng đầu Sở, ban, ngành liên quan trong vấn đề này cũng được đề cấp, nghiêm túc thực hiện.

Ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, các ngành, các cấp rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác này vẫn còn gặp vướng mắc do nguyên nhân khách quan, nhất là quy trình, thủ tục hành chính còn chồng chéo giữa các văn bản, quy phạm pháp luật, các Luật liên quan…

Nghệ An xác định công tác cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, một trong những mũi đột phá của địa phương trong giai đoạn 2020-2025

Đây cũng là “rào cản” khiến công tác cải cách hành chính ở địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số cấp ủy còn xem công tác cải cách hành chính là việc của chính quyền. Chính vì vậy, sự phối hợp giữa các sở, ngành còn hạn chế. Mặt khác, tính đồng bộ của hệ thống phần mềm đang là khâu “ách yếu” trong công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh trong thời gian tới.

Trước những vướng mắc đang tồn tại, tạo ra các “điểm nghẽn” trong công tác cải cách hành chính, ông Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nỗ lực khắc phục. Và, để công tác cải cách hành chính có hiệu quả, các sở, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, xác định rõ trách nhiệm của mình trong từng vấn đề, nội dung cụ thể trong chương trình công tác…

Theo đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành cho rằng, thực tế cho thấy, hiện nhiều quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chưa bao quát hết thực tiễn, chưa điều chỉnh hết các mối quan hệ trong công tác quản lý nhà nước và các mối quan hệ khác và nhiều nội dung còn chồng chéo, vướng mắc. Đáng quan tâm, trong công tác cải cách hành chính tại địa phương, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị đối với công tác cải cách hành chính chưa được đồng bộ, hiệu quả.

Tác giả: NGỌC THÁI

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP