Theo đó, tỉnh Nghệ An xếp thứ 16 về chỉ số CCHC PAR INDEX, tăng 1 bậc so với năm 2021 (năm 2021 xếp thứ 17); xếp thứ 14 về chỉ số SIPAS, tăng 21 bậc so với năm 2021 (năm 2021 xếp thứ 35).
Năm 2022, Bộ Nội vụ đã phê duyệt Bộ tiêu chí đánh giá PAR INDEX mới và thay đổi về nội dung, phương pháp đo lường SIPAS cho phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
Chỉ số CCHC mới được ban hành bao gồm 2 bộ tiêu chí đánh giá cho cấp Bộ và cấp tỉnh. Trong đó, Chỉ số CCHC cấp Bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 2 cơ quan đặc thù (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong số đó có 31,50 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Chỉ số CCHC cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó 32 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học. Các tiêu chí được đánh giá dựa trên phương pháp định lượng kết hợp với định tính, có sự tham gia thẩm định của các cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai từng nội dung CCHC.
Để triển khai, đánh giá xác định Chỉ số CCHC năm 2022, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 86.000 phiếu, trong đó có 36.095 phiếu của người dân; 50.109 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý các cấp tại bộ, cơ quan, địa phương. Đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.
Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, ngành Trung ương |
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90% có 11 đơn vị. Chỉ số CCHC dưới 80% có 4 đơn vị. Có 11/17 Bộ có Chỉ số CCHC năm 2022 trên mức giá trị trung bình. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp thứ nhất về Chỉ số CCHC năm 2022 với kết quả là 91,77%; đơn vị có kết quả Chỉ số năm 2022 thấp nhất là Bộ Ngoại giao với giá trị là 72,65%.
Chỉ số CCHC năm 2022 của các các tỉnh, thành phố |
Kết quả Chỉ số CCHC 2022 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm. Trong đó, nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên gồm 2 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90% gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80% gồm 5 tỉnh, thành phố.
Năm 2022, có 34 tỉnh, thành phố đạt Chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình cả nước; 58 địa phương đạt kết quả trên 80%, trong số đó có 2 địa phương đạt kết quả trên 90%; 5 địa phương cho kết quả dưới 80%. Đáng chú ý, trong 5 năm liên tiếp không có địa phương nào đạt Chỉ số CCHC dưới 70%.
Theo kết quả đánh giá, Quảng Ninh đứng vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 với kết quả đạt 90,10%. Đứng vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 là thành phố Hải Phòng với kết quả đạt 90,09%. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 là tỉnh Phú Yên, đạt 75,99%.
Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022) |
Về chỉ số SIPAS, từ ý kiến phản hồi của 36.095 người dân từ khắp các vùng, miền trong cả nước, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu khảo sát và xây dựng một bộ chỉ số gồm 37 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá của người dân; 45 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng của người dân và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu, mong đợi của người dân.
Trong 63 tỉnh, thành phố, tỉnh có chỉ số hài lòng của người dân đối với với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là 87,59% và tỉnh có chỉ số thấp nhất là 72,54%. 5 tỉnh có mức độ hài lòng của người dân cao nhất là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương và Thanh Hóa. 5 tỉnh có mức độ hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn và Lạng Sơn.
Tác giả: Kim Oanh
Nguồn tin: nghean.gov.vn