Trong tỉnh

Cần có giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh

Sáng 28/4, Đoàn giám sát “Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2022” có buổi làm việc với các Sở Nội vụ, Xây dựng, KH&ĐT, GTVT, Tư pháp, TN&MT, Ban Dân tộc tỉnh. Đồng chí Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc

Giai đoạn 2020-2022, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; nhiều nội dung được tập trung lãnh đạo chỉ đạo. Chỉ số CCHC (PAR INDEX), thứ hạng năm sau đều cao hơn năm trước…

Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Đình Toàn báo cáo kết quả giám sát tại một số đơn vị, địa phương

Qua trực tiếp làm việc và qua nghe báo cáo một số đơn vị, Đoàn giám sát chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Đó là, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt, thường xuyên, liên tục ở một số phòng, ban đơn vị dẫn đến chưa đạt được mục tiêu đề ra. Một số đơn vị đã ban hành kế hoạch CCHC hàng năm, tuy nhiên chưa thật sự bám sát kế hoạch trong tổ chức thực hiện.

Một số UBND huyện, UBND xã chưa bố trí đầy đủ kinh phí bảo đảm cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động này. Trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, địa phương chưa thực sự quan tâm, thiếu quyết liệt trong công tác cải cách TTHC. Trách nhiệm về cải cách TTHC của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tham mưu thực thi công vụ chưa cao, chưa chủ động đổi mới, sáng tạo.

Số lượng sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp, mô hình, cách làm hay về CCHC ở các địa phương, các ngành còn ít, hoặc đưa ra được sáng kiến thì chất lượng cũng chưa đạt yêu cầu. Qua làm việc và báo cáo tổng hợp của các địa phương có một số mô hình hay cần nhân rộng, như việc ở thị xã Thái Hòa giao cán bộ Văn phòng phụ trách ở bộ phận một cửa nhận hồ sơ tất cả các ngày trong tuần, vì hồ sơ chủ yếu liên quan đến đất đai, còn các lĩnh vực khác chiếm tỉ lệ ít; ở Thành phố Vinh, cán bộ trực tiếp đến nhà người dân, hướng dẫn và trực tiếp thao tác các dịch vụ liên quan đến chính quyền điện tử.

Làm rõ thêm một số nội dung tồn tại, vướng mắc thuộc lĩnh vực TN&MT, Giám đốc Sở TN&MT Hoàng Quốc Việt đề nghị tiếp tục nâng cao, hiện đại hóa Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã

Việc phân cấp quản lý còn nhiều bất cập, cần mạnh dạn phân cấp cho cơ sở, đơn cử như những vướng mắc trong việc phân cấp liên quan đến thủ tục giá đất; trích đo đất đai trước là huyện quản lý nhưng bây giờ chuyển về cơ quan chuyên môn tỉnh duyệt, phải chờ lấy ý kiến các ngành liên quan (trung bình 2 tháng) lại lâu hơn khi duyệt ở huyện (trung bình 1 tuần). Việc xin ý kiến một số vấn đề liên quan đến các Sở, ngành thủ tục rườm rà, không có phần mềm theo dõi công việc đang xử lý còn vướng mắc ở đâu, những ngành nào trả lời chậm hay quy định thời gian xin ý kiến là mất bao lâu. Một số cơ chế chính sách chưa phù hợp với địa bàn miền núi, mục tiêu và nguồn lực thực hiện không được bố trí... Có nhiều TTHC được niêm yết nhưng đã hết hiệu lực hoặc không đầy đủ các bộ phận tạo thành TTHC như các loại tờ khai, biểu mẫu kèm theo.

Người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến ở mức độ 3, 4 còn hạn chế. Một số trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND một số huyện, xã chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Việc tích hợp một số TTHC giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng Dịch vụ công của Bộ GTVT và của tỉnh vẫn chưa thực hiện được nên việc triển khai giải quyết một số TTHC còn bất cập, vướng mắc. Việc tham mưu thực hiện quy trình, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở một số Sở, ngành còn chậm, chất lượng dự thảo chưa cao.

Làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế Đoàn giám sát đã chỉ ra, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết, hiện việc lấy phiếu đánh giá mức độ hài lòng của người dân về giải quyết TTHC được triển khai, thực hiện theo đúng quy định

Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang đề nghị Đoàn giám sát cần nghiên cứu, đánh giá thêm các kết quả đã đạt được trong lĩnh vực CCHC, đặc biệt trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất cầu thị, xử lý ngay các vướng mắc, tồn tại

Thảo luận làm rõ các nội dung Đoàn giám sát đặt ra, theo lãnh đạo các Sở, ngành, trong giai đoạn 2020-2022, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cùng Cấp ủy, Chính quyền các cấp và lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác CCHC.

Chỉ rõ và phân tích các nguyên nhân, theo các đại biểu, hiện nhiều quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chưa bao quát hết thực tiễn, chưa điều chỉnh hết các mối quan hệ trong công tác quản lý nhà nước và các mối quan hệ khác; nhiều nội dung còn chồng chéo, vướng mắc. Chưa phát huy được sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị đối với công tác CCHC.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn nhiều hạn chế. Ngoài việc cơ sở hạ tầng từ hệ thống thông tin mạng, máy móc thiết bị chưa đáp ứng, các phần mềm còn thiếu và chưa đồng bộ, thiếu tích hợp, các mẫu biểu sử dụng còn kê khai thao tác thủ công chưa đáp ứng được chính quyền số... năng lực, trình độ cán bộ, công chức chưa đáp ứng đúng yêu cầu, áp lực chỉ tiêu về chính quyền điện tử lớn…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi phát biểu

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, thông qua buổi làm việc, Đoàn giám sát và các Sở, ngành đã trao đổi, làm rõ hơn về những kết quả đã đạt được, những tồn tại, vướng mắc và chỉ rõ các nguyên nhân đối với công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận để tìm ra những giải pháp thực hiện của từng Sở, ngành và sự liên kết đồng bộ, tăng cường công tác chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá, qua hoạt động giám sát có thể thấy được nhận thức, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ có chuyển biến tích cực thông qua việc thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có sự vênh nhau giữa các Luật, trong từng Sở, ngành. Đoàn giám sát mong muốn nhìn lại dư địa của CCHC tỉnh Nghệ An để đánh giá các tồn tại đó có đúng không và tỉnh có thể thực hiện tốt hơn không; cần xem xét hoàn thiện các nội dung đánh giá, đảm bảo hài hòa, hợp lý, chính xác giữa các Sở, ngành, đơn vị. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ rõ vấn đề ách yếu hiện nay là giải pháp nào để thực hiện đồng bộ, nâng cấp hệ thống phần mềm giúp người dân sử dụng hiệu quả, tiện ích; cần làm rõ công tác phối hợp giữa các ngành, chỉ rõ trách nhiệm thuộc ngành nào.

Chia sẻ về các tồn tại, vướng mắc của các Sở, ngành trong thực hiện công tác CCHC, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh mong muốn sau hoạt động giám sát, các vấn đề tồn tại, vướng mắc sẽ sớm được khắc phục, góp phần hỗ trợ cho công tác CCHC, từ đó làm thay đổi lề lối, phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân...

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP