Trong tỉnh

Nghệ An: Thanh Chương nước đã rút, Hưng Nguyên bị cô lập hoàn toàn

Mực nước tiếp tục dâng cao thêm trong sáng 31/10 khiến hàng nghìn hộ dân sống tại các xã ngoài đê sông Lam và vùng trũng của huyện Hưng Nguyên đều chìm trong biển nước, bị cô lập hoàn toàn.

Nước lũ dâng cao, hàng ngàn hộ dân vũng trũng xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên bị cô lập hoàn toàn. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau cơn bão số 9, từ ngày 29 đến ngày 31/10 trên địa bàn huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) có mưa to trên diện rộng, kết hợp với việc xả lũ của các đập thủy điện Khe Bố, Chi Khê nên đã xảy ra tình trạng ngập úng.

Mực nước tiếp tục dâng cao thêm trong sáng 31/10 khiến hàng nghìn hộ dân sống tại các xã ngoài đê sông Lam và vùng trũng của huyện Hưng Nguyên đều chìm trong biển nước, bị cô lập hoàn toàn.

Những con đường liên xã, liên thôn dẫn vào xã Hưng Yên Bắc giờ đây chỉ là mặt nước mênh mông. Nước lũ dâng cao khiến cho hơn 270 hộ với 1.100 nhân khẩu của Xóm 5 thuộc Giáo xứ Trang Nứa chìm trong lũ.

Được chính quyền địa phương tuyên truyền, thông báo về tình hình mưa lũ, các gia đình đều chủ động kê cao đồ đạc, di chuyển gia súc, gia cầm, người già và trẻ em đều được đưa đến nơi cao ráo và an toàn, vì vậy không có thiệt hại về người. Thế nhưng, với mực nước vẫn duy trì ngập nửa nhà khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, thiếu thốn đủ bề.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Xóm 5 (xã Hưng Yên Bắc) cho biết, nước dâng cao khiến căn nhà bị ngập sâu, song nhờ có tầng hai nên gia đình gom hết đồ đạc lên đó. Tuy nhiên, đàn gà 20 con và 2 con lợn thì không cứu được.

"Được đoàn cứu trợ và sự động viên của lãnh đạo huyện tôi rất cảm động. Tôi cũng như mọi người dân nơi đây đều mong muốn là sau khi nước rút thì chúng tôi được chính quyền và các ngành giúp khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định cuộc sống," bà Vinh chia sẻ.

Xã Hưng Yên Bắc là vùng trũng của huyện Hưng Nguyên nên thường xuyên bị ngập lụt, đời sống của người nông dân vốn dĩ khó khăn giờ lại càng vất vả hơn. Hiện nay các đoàn cứu trợ, các đoàn thiện nguyện trong và ngoài tỉnh đã về địa bàn để hỗ trợ lương thực thực phẩm, các vật dụng thiết yếu cho người dân vượt qua khó khăn trước mắt.

"Dự kiến khoảng một tuần nữa nước lũ mới rút hết, vì vậy, xã sẽ tiếp tục kêu gọi các đoàn cứu trợ tiếp tục hỗ trợ cho người dân, cùng với đó là huy động các đoàn thể hỗ trợ người dân tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ngoài ra, xã cũng có chính sách hỗ trợ cho người dân tái sản xuất," ông Nguyễn Tú Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Yên Bắc, cho biết.

Cũng như xã Hưng Yên Bắc, tại xã Hưng Trung, nước vẫn dâng cao đến nửa nhà. Người dân bị cô lập, phải di chuyển bằng thuyền. Hơn 150 ha hoa màu và cây ăn quả, gia súc gia cầm trên địa bàn xã bị thiệt hại hoàn toàn, không có khả năng hồi phục.

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Trung, thông tin: "Nhà ngập ít thì đến sân, nhà ngập nặng thì mực nước cao khoảng mét rưỡi, có gia đình phải di chuyển lên chạn ở gần nóc nhà để trú ngụ. Ngày 31/10 có nhiều đoàn cứu trợ mang lương thực và nước uống, thuốc chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Chính quyền xã đề nghị các đoàn cứu trợ thông qua cơ quan chức năng để phân phát cho đúng đối tượng, phù hợp với tình trạng bị thiệt hại của các xóm."

Không chỉ địa bàn các xã vùng trũng, nước lũ dâng cao mà hai ngày nay hàng nghìn hộ dân sống ngoài đê Sông Lam của huyện Hưng Nguyên cũng bị cô lập hoàn toàn.

Theo thống kê sơ bộ của huyện Hưng Nguyên, 7 xã vùng dọc sông Lam và 3 xã vùng trũng Hưng Nguyên đã bị ngập sâu khiến 5.000 hộ dân với khoảng 20.000 người bị cô lập. Hàng nghìn con gia cầm bị chết, hơn 1.000 ha diện tích rau màu vụ đông và cá chuyên canh, cá vụ 3 bị ngập sâu trong nước, thiệt hại rất lớn.

Đi đi thị sát tình hình và thăm hỏi, động viên người dân các xã Hưng Yên Bắc, Hưng Trung, Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Bí thư Huyện ủy huyện Hưng Nguyên Nguyễn Thị Thơm yêu cầu chính quyền địa phương và các ban, ngành tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó với mưa lũ.

Các địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

"Khắc phục hậu quả lũ lụt, trước mắt Ban Thường vụ Huyện ủy huy động các nguồn lực để hỗ trợ các địa phương bị cô lập có đủ lương thực - thực phẩm cho người dân trong sinh hoạt hàng ngày tại thời điểm khó khăn này.

Tiếp theo, huyện sẽ tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại tại những vùng khó khăn để có biện pháp giải quyết sau lũ như vệ sinh môi trường, hỗ trợ chính sách, vốn để tái sản xuất và ổn định cuộc sống," bà Nguyễn Thị Thơm cho biết.

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Thanh Chương

Đến chiều 31/10, nước lũ đã rút tại những xã bị ngập nặng của huyện Thanh Chương, lực lượng chức năng cùng chính quyền các địa phương, người dân đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.

Xã Thanh Đức nằm bên bờ sông Giăng bị ngập nặng nhất, có xóm bị ngập hơn 3 m. Đến sáng 31/10, tranh thủ lúc nước rút, người dân địa phương tập trung vệ sinh nhà cửa, thu dọn đồ đạc, tài sản bị hư hại để sớm ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương (Nghệ An) trao hàng cứu trợ cho người dân bị thiệt hại nặng do mưa mưa lũ. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Tại nhà của bà Hoàng Thị Ngọ (xóm Đức Thịnh, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương) rất đông người thân, anh em họ hàng phân công nhau lau chùi lại đồ đạc, bàn ghế, đẩy bùn non ra khỏi nhà, khỏi san; sau đó dùng vòi nước gắn với máy bơm dã chiến cỡ lớn để xịt rửa khuôn viên bị bùn bám vào.

Bà Hoàng Thị Ngọ cho biết, nước lên nhanh, nhà bị ngập hơn 3 m, gia đình không kịp đưa đồ đạc lên gác nên nhiều đồ dùng bị ngâm nước, hư hỏng; gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, gia đình gặp nhiều khó khăn.

Cũng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Đình Tiến (Xóm 4, xã Thanh Đức) cho biết, đây là trận lụt lớn nhất kể từ năm 1978 đến nay. Nước lũ lên rất nhanh, anh cùng người thân trong gia đình chỉ kịp chạy đến nơi cao để đảm bảo tính mạng, còn tài sản trong nhà đành bỏ lại.

Nguyện vọng của người dân hiện nay là được chính quyền các cấp, các ngành chức năng đề ra chính sách hỗ trợ cho vay vốn, hỗ trợ vật nuôi, tạo nguồn sinh kế để người dân vượt qua hoạn nạn.

Người dân xã Thanh Mỹ được 50 cán bô, chiến sỹ của Trại giam số 6 (Công an tỉnh Nghệ An) đến hỗ trợ khắc phục hậu quả trận lũ. Tuy nhiên, hiện công tác khắc phục sau trận lũ lịch sử gặp khó khăn.

Tuy nhiên, tại xã này cũng như một số xã khác gặp nhiều khó khăn do lượng bùn non do lũ để lại quá lớn trong khi điện lưới vẫn chưa có nên phải dùng đến sức người ở tất cả mọi công việc.

Ông Hoàng Phạm Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Mỹ, cho biết: Xã có 700 ngôi nhà bị ngập, đứng đầu về mức thiệt hại của huyện Thanh Chương. Trong số này có hơn 300 ngôi nhà ngập nặng và người dân phải sơ tán đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, trạm y tế xã.

Bên cạnh đó, với chủ trương không để người dân bị đói và thiếu nước sạch, trong hai ngày 30 và 31/10, chính quyền xã Thanh Mỹ phối hợp với chính quyền các cấp, các nhà hảo tâm tiến hành khảo sát, phân bổ, trao quà cứu trợ là các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết, nước ngọt cho các hộ gia đình chịu nhiều tổn thất do mưa lũ.

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Chương, cho biết, trong hai ngày 30-31/10 huyện có hơn 1.800 nhà dân bị ngập nước.

Hiện ở các xã nước đã lũ đã rút, huyện chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Hiện trên địa bàn huyện có 7 xã vùng trũng (trong tổng số số 37 xã, thị trấn) nước chưa rút hết, đó là các xã Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Mai, Thanh Tùng...

Bởi đây là các địa phương vùng trũng, nước lũ rút chậm. Ủy ban Nhân dân huyệnThanh Chương đã chỉ đạo chính quyền các xã rà soát danh sách các hộ gặp khó khăn để hỗ trợ các nhu yếu phẩm, nước ngọt; có phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các vùng nguy hiểm; tổ chức phân công lực lượng trực ứng cứu khi có các trường hợp bất thường xảy ra./.

Nước lũ dâng cao cùng việc bèo tây bám dày đặc khiến việc di chuyển bằng thuyền, ca nô của dân cũng như đoàn cứu trợ gặp nhiều khó khăn ở xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Tại xã Hưng Trung, nước dâng cao nửa nhà, người dân bị cô lập, phải di chuyển bằng thuyền. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Tại xã Hưng Yên Bắc, nước dâng cao nửa nhà, người dân bị cô lập, phải di chuyển bằng thuyền. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Tại xã Hưng Yên Bắc, nước dâng cao nửa nhà, người dân bị cô lập, phải di chuyển bằng thuyền. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Tại xã Hưng Yên Bắc, nước dâng cao nửa nhà, người dân bị cô lập, phải di chuyển bằng thuyền. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Tại xã Hưng Yên Bắc, nước dâng cao nửa nhà, người dân bị cô lập, phải di chuyển bằng thuyền. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nước lũ dâng cao, hàng ngàn hộ dân vũng trũng xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên bị cô lập hoàn toàn. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nước lũ dâng cao, hàng ngàn hộ dân vũng trũng xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên bị cô lập hoàn toàn. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nước lũ dâng cao kèm theo bèo tây bám dày đặc khiến cho việc di chuyển bằng thuyền, ca nô của dân cũng như đoàn cứu trợ gặp nhiều khó khăn ở xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nước lũ dâng cao kèm theo bèo tây bám dày đặc khiến cho việc di chuyển bằng thuyền, ca nô của dân cũng như đoàn cứu trợ gặp nhiều khó khăn ở xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nước lũ dâng cao, hàng ngàn hộ dân vũng trũng xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên bị cô lập hoàn toàn. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nước lũ dâng cao khiến hàng ngàn hộ dân vũng trũng xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên bị cô lập hoàn toàn. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nước lũ dâng cao cùng việc bèo tây bám dày đặc khiến việc di chuyển bằng thuyền, ca nô của dân cũng như đoàn cứu trợ gặp nhiều khó khăn ở xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP