Đó là những nguyên nhân lý giải vì sao Nghệ An thu ngân sách đạt thấp. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh mới chỉ ước thực hiện 13.034 tỷ đồng, đạt 82,19% dự toán và bằng 70,92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những số liệu đáng báo động…
Theo đó, hầu hết các khoản thu chính của tỉnh Nghệ An đều đang rơi vào tình cảnh đáng báo động, khó có thể hoàn thành dự toán bởi chỉ còn vẻn vẹn đúng 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023. Đơn cử như thu nội địa ước thực hiện 12.131 tỷ đồng, đạt 83,17% dự toán và bằng 70,48% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp Trung ương 449,2 tỷ đồng, đạt 77,45% dự toán; thu từ khu vực công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh là 4.405,2 tỷ đồng, đạt 84,44% dự toán và bằng 99,06% so với cùng kỳ năm ngoái...
Đáng chú ý, một số khoản thu vốn được xem là thế mạnh của tỉnh Nghệ An nhưng cũng bị chung “số phận”, bị tụt giảm đáng kể bởi ảnh hưởng của tình hình thế giới cũng như trong nước. Điển hình là nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 886 tỷ đồng, mới chỉ đạt 70,88% dự toán; thu tiền sử dụng đất đạt 3.206,4 tỷ đồng, bằng 42,86% so với cùng kỳ năm 2022.
Những tháng cuối năm 2023, Nghệ An tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư…cho doanh nghiệp |
Lý giải về việc thu ngân sách đạt thấp, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở; đơn hàng xuất khẩu giảm, nguyên vật liệu khan hiếm, chi phí sản xuất tăng cao…
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản hạ nhiệt đã khiến cho các hoạt động chuyển nhượng đất đai, căn hộ chung cư, nhà ở rơi vào tình cảnh “trầm lắng”. Điều này kéo theo số lượng nộp tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân từ việc chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ nhà đất tụt giảm rõ rệt.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, việc thực hiện các cơ chế, chính sách tài tính hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho Nghệ An thu ngân sách đạt thấp. Các cơ quan thuế, hải quan đã và đang triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Đơn cử như: Thuế bảo vệ môi trường giảm 50% theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/1/2023; Lệ phí trường bạ đối với ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước giảm 50% theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 của Chính phủ. Hay như Nghị quyết số 07/NQ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 30/1/2023 và Quyết định số 01/2023/QĐ-TT về việc giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Rốt ráo xử lý nợ đọng thuế
Trong năm 2023, HĐND tỉnh Nghệ An đã được giao thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 469.375 tỷ đồng. Tuy nhiên, với bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nhiều cơ chế, chính sách ban hành hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, dự báo các khoản thu khó đạt dự toán ngân sách đã đề ra, nhất là nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và khu vực doanh nghiệp Trung ương.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đăng tải bài viết “Nợ thuế, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An rơi vào tình trạng "báo động"” vào ngày 22/10 vừa qua, cũng cho thấy một thực trạng đang xảy ra hiện nay, đó là các tổ chức doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.
Cụ thể, theo thống kê của Cục thuế Nghệ An, tính đến hết tháng 9/2023, địa phương này có 46 đơn vị nợ thuế với số tiền lên đến hơn 240 tỷ đồng. Trong đó nợ nhiều nhất, bao gồm các doanh nghiệp: Công ty CP xây dựng 16 – Vinaconex (địa chỉ tại số 16, đường An Dương Vương, TP Vinh) nợ thuế hơn 25 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư xây dựng 24 (đường Xiêng Khoảng, TP Vinh) nợ hơn 24,6 tỷ đồng; Công ty CP 482 (số 155, đường Trường Chinh, TP Vinh) nợ hơn 24,4 tỷ đồng…
Theo một lãnh đạo Cục thuế Nghệ An thông tin, năm 2023, cục thuế thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Bên cạnh tác động của sự tăng trưởng chậm, những chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp, người dẫn đã tác động lớn đến công tác thu ngân sách.
Trong 10 tháng đầu năm, khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 886 tỷ đồng, mới chỉ đạt 70,88% dự toán |
Để hoàn thành kế hoạch dự toán thu ngân sách năm 2023, vị lãnh đạo này cho biết: Cục thuế Nghệ An sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, lãnh đạo tỉnh, đánh giá tác động của suy giảm kinh tế, thiên tai, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chính sách mới cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và việc thực hiện dự toán thu năm 2023.
Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế; tăng cường hỗ trợ, đồng hành, động viên người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách; tích cực tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật về thuế để đảm bảo công bằng, chú trọng hiệu quả thu thuế, mở rộng cơ sở thuế, các chính sách về chống thất thu ngân sách.
Bên cạnh đó, cần phải rà soát, đánh giá sát khả năng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 phù hợp với tình hình tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, khả năng phát triển sản xuất kinh doanh và thu nộp ngân sách của các tổ chức, cá nhân. Nhất là phân tích, đánh giá, tính toán, xác định đầy đủ các yếu tố tác động đến kết quả thu ngân sách trong năm như kinh tế, cơ chế, chính sách…
Bên cạnh việc xử lý nợ thuế, để hoàn thành cao nhất kế hoạch thu ngân sách đã đề ra, các sở, ban ngành cùng chính quyền địa phương tỉnh nhà cũng đang đẩy mạnh một số giải pháp chống thất thu ngân sách, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách tăng cường tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức.
Tác giả: HỒNG QUANG
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn