Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngày 2/8/2017, UBND huyện Quỳ Hợp tiếp tục thực hiện cuộc đối thoại lần cuối với các hộ dân còn có vướng mắc xung quanh việc GPMB dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.
Buổi đối thoại do ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện chủ trì; với sự tham dự của đại diện Sở NN&PTNT, Ban 4 của Bộ NN&PTNT, Ban Quản lý dự án Hồ chứa nước Bản Mồng; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo HĐND, các ban ngành đoàn thể và Hội đồng GPMB huyện; và 4 gia đình có vướng mắc gồm hộ ông Đinh Viết Minh, hộ ông Trần Văn Bình, hộ bà Nguyễn Thị Hoa, hộ bà Lê Thị Minh (đều trú xã Yên Hợp).
Khu vực UBND huyện Quỳ Hợp xác định, các hộ dân còn có vướng mắc đã thực hiện trồng cây trên đất nhà nước đã thực hiện thu hồi từ Lâm trường Đồng Hợp. Ảnh Nhật Lân |
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu với tổng kinh phí là 4.500 tỷ đồng. Trong thời gian qua, huyện Quỳ Hợp đã tập trung làm nhiệm vụ bồi thường GPMB để thi công dự án, tuy nhiên đang xảy ra hai vướng mắc.
Thứ nhất, có 10,2 ha đất của Lâm trường Đồng Hợp đã bồi thường GPMB, đã thu hồi đất, đã bàn giao cho Ban quản lý dự án vào năm 2010. Vì lý do kinh phí, dự án chưa được triển khai thì xảy ra việc 7 hộ dân trồng cây trên diện tích này. Hiện nay, trên đất còn có cây, không có mặt bằng để thi công dự án.
Thứ hai, có 3 hộ dân có đất trong phạm vi thực hiện dự án, UBND huyện đã lập phương án bồi thường GPMB, đã phê duyệt và đã ra quyết định thu hồi đất nhưng các hộ này không nhất trí. Lý do, các hộ đề nghị xác định loại đất nông nghiệp để thực hiện bồi thường, hỗ trợ nhưng Hội đồng bồi thường GPMB huyện xác định là đất lâm nghiệp.
Khu vực đất các hộ dân có vướng mắc cho rằng việc xác định đất chưa chính xác, dẫn đến có thiệt thòi trong việc đền bù. Ảnh Nhật Lân
Một trong những khu vực đất của hồ dân cho rằng việc Hội đồng BTGPMB huyện Quỳ Hợp xác định là đất lâm nghiệp là chưa chính xác, dẫn đến có thiệt thòi trong việc đền bù. Thực địa khu đất này cho thấy, trước đây được trồng keo, nay được trồng cây cam. Ảnh Nhật Lân |
Để giải quyết hai vướng mắc này, Hội đồng BTGPMB huyện, UBND huyện, các ngành liên quan cấp huyện, xã, và Sở TN&MT đã nhiều lần tổ chức đối thoại, vận động, nhưng các hộ dân chưa nhất trí nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và chưa bàn giao mặt bằng để thi công dự án; và vừa qua, đã có 3 hộ làm đơn khiếu nại.
Theo chủ trì cuộc đối thoại, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp, sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, huyện thành lập đoàn giải quyết khiếu nại; hiện nay, việc giải quyết khiếu nại lần 1 đang được giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để dự án được thi công, phục vụ lợi ích chung cho toàn dân, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, UBND huyện Quỳ Hợp tiếp tục tổ chức đối thoại với các hộ, để tìm được sự đồng thuận trong việc bàn giao mặt bằng.
Buổi đối thoại ngày 2/8/2017 do UBND huyện Quỳ Hợp tổ chức, tại xã Yên Hợp. Ảnh Nhật Lân |
Tuy nhiên, như những cuộc đối thoại trước đây, các hộ dân trên đều không đồng tình với các phương án đền bù, hỗ trợ mà Hội đồng GPMB đã lập.
Với các hộ bà Nguyễn Thị Hoa, Lê Thị Minh (vướng mắc ở nội dung thứ nhất) thì cho rằng, diện tích đất mà Hội đồng bồi thường GPMB xác định đã bồi thường GPMB, thực hiện thu hồi từ Lâm trường Đồng Hợp, bàn giao cho Ban quản lý dự án, là do gia đình đã khai hoang từ năm 1988; đây là đất nông nghiệp, sản xuất ổn định, chưa có tranh chấp với cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.
Theo bà Minh, việc Lâm trường Đồng Hợp được nhà nước cấp quyền sử dụng đất; được nhận bồi thường GPMB là không đúng. Vì vậy, bà không đồng ý với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của huyện về việc trồng cây trên đất nhà nước đã thực hiện thu hồi đất; và sẽ không bàn giao đất nếu chưa được giải quyết.
Với hộ ông Đinh Viết Minh (vướng mắc ở cả hai nội dung) yêu cầu, cần xác định đúng theo quy định của pháp luật về nguồn gốc đất và mục đích sử dụng đất để bồi thường theo đúng quy định của pháp luật về đất nông nghiệp; vì họ sử dụng ổn định từ năm 1988. Đồng thời đề nghị điều tra, xác minh làm rõ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Lâm trường Đồng Hợp có được cấp đúng quy định của pháp luật hay không và những tài liệu nào để làm căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp và cung cấp để cho dân biết. Khi chưa giải quyết xong các yêu cầu nêu trên theo đúng quy định của pháp luật thì không được cưỡng chế, mà giải quyết xong, theo đúng quy định của pháp luật thì mới giao mặt bằng.
Ông Đinh Viết Minh có ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh Nhật Lân |
Còn với hộ ông Trần Văn Bình (vướng mắc ở nội dung thứ hai) cho rằng, việc xác định diện tích đất của gia đình ông chưa đúng; hồ sơ GPMB đất của gia đình ông chưa có đầy đủ các chữ ký; việc giải phóng mặt bằng của huyện chưa đúng quy định. Cũng như gia đình ông Đinh Viết Minh, ông Bình yêu cầu xác định lại về nguồn gốc đất, mục đích sử dụng đất của gia đình ông để bồi thường theo đúng quy định của pháp luật về đất nông nghiệp; đồng thời, làm rõ các vấn đề liên quan quyền sử dụng đất của Lâm trường Đồng Hợp. Khi chưa giải quyết xong các yêu cầu nêu trên thì huyện không được thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến nội dung vướng mắc thứ nhất, huyện Quỳ Hợp xác định, năm 2009, UBND tỉnh đã có Quyết định số 111 thu hồi đất của Lâm trường Đồng Hợp để phục vụ cho dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Huyện đã lập phương án BTGPMB cho Lâm trường trên diện tích này. Sau khi lập phương án bồi thường GPMB, Lâm trường Đồng Hợp đã bàn giao mặt bằng cho dự án. Sau đó, các hộ này đã trồng keo lên đất đó.
Ngày 12/12/2016, BQL dự án đã có thông báo yêu cầu các hộ tự thu dọn cây cối để trả đất cho BQL và báo cáo với UBND huyện và UBND xã. Sau đó, Hội đồng BTGPMB huyện, UBND xã Yên Hợp, UBMTTQ và các ngành đã tuyên truyền, vận động thu dọn cây cối đã trồng và bàn giao mặt bằng cho BQL dự án nhưng các hộ chưa nhất trí.
UBND huyện đã vận động Ban quản lý dự án hỗ trợ tiền giống cây và công trồng với số tiền 25 triệu đồng/ha. Trong tổng số 7 hộ, đã có 4 hộ nhất trí bàn giao mặt bằng (3 hộ đã nhận tiền hỗ trợ) nhưng còn 3 hộ nêu trên vẫn không nhất trí, không nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Ngày 11/5/2017, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Qùy Hợp đã lập Biên bản vi phạm hành chính. Ngày 17/5/2017, Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nội dung quyết định buộc 3 hộ phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn chiếm để Ban quản lý dự án thi công dự án.
Về nội dung vướng mắc thứ hai, huyện Quỳ Hợp xác định, Hội đồng BTGPMB huyện đã lập phương án trên cơ sở thực tế sử dụng đất của hai hộ gia đình ông Đinh Viết Minh, Trần Văn Bình là đất lâm nghiệp; và UBND huyện đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB; UBND huyện đã ra quyết định thu hồi đất.
Liên quan đến nội dung này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian vừa qua, Sở TN&MT cũng đã tiến hành rà soát tất cả hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB và xác định tại Công văn số 3731/STNMT-QLĐĐ ngày 14/7/2017, đất của hai hộ đang sử dụng là đất lâm nghiệp.
Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng thực hiện công tác đối thoại với các hộ dân. Ảnh Nhật Lân |
Dù đã xác định rõ về hai nội dung vướng mắc tại dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tuy nhiên tại buổi đối thoại, UBND huyện Quỳ Hợp ghi nhận đầy đủ các kiến nghị của các hộ dân. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, những ý kiến nào thuộc thẩm quyền của huyện, thì UBND huyện sẽ chỉ đạo giải quyết; ý kiến nào không thuộc thẩm quyền của UBND huyện thì sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; tiếp tục chỉ đạo Đoàn giải quyết khiếu nại thực hiện xác minh làm rõ các nội dung khiếu nại của các hộ dân.
Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cũng khẳng định, đây là cuộc đối thoại lần cuối, và để dự án được thực hiện, dù các hộ dân không bàn giao mặt bằng, huyện sẽ phải thực hiện công tác cưỡng chế theo quy định của pháp luật để dự án đặc biệt quan trọng Hồ chứa nước Bản Mồng được thực hiện.
Ngày 25/7/2017, Bộ NN&PTNT có Công văn số 6067/BNN-XD về việc giải quyết tồn tại về mặt bằng thi công dự án Hồ chứa nước Bản Mồng gửi UBND tỉnh. Trong đó nêu rõ: các hạng mục kênh dẫn dòng và cầu qua kênh dẫn dòng bắt buộc phải hoàn thành vào thàng 9/2017 mới có thể khởi công công trình chính và quý IV/2017, nếu tiếp tục vướng mắc mặt bằng thi công sẽ không đáp ứng được mục tiêu tiến độ và kế hoạch giải ngân (đặc biệt là vốn kéo dài của năm 2016), ảnh hưởng đến việc bố trí vốn các năm tiếp theo. Trước đó, ngày 13/4/2017, sau khi đi kiểm tra thực địa lòng hồ, khu vực còn vướng mắc khâu GPMB, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chỉ đạo huyện Quỳ Hợp tiếp tục vận động các hộ dân có liên quan chấp thuận việc giải tỏa mặt bằng; nếu các hộ vẫn cố tình không chấp nhận, cho phép địa phương tiến hành cưỡng chế theo Thông báo ngày 5/3 của UBND huyện Quỳ Hợp; thời gian vận động đến hết tháng 4, nếu để cưỡng chế thì hạn chậm nhất là ngày 5/5/2017. |
Tác giả: Nhật Lân
Nguồn tin: Báo Nghệ An