Chưa kể, những tín hiệu tích cực đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) khi liên tục chảy vào địa phương, phần nào thể hiện niềm tin rõ nét của các nhà đầu tư “ngoại” đối với môi trường sản xuất, kinh doanh Nghệ An.
Doanh nghiệp Nghệ An đang dần tiến sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh
Theo số liệu mà ngành thống kê Nghệ An vừa công bố mới đây, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong 9 tháng đầu năm đạt 2.326 triệu USD, tăng 32,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Thiết bị, linh kiện điện tử tăng 84,4%; Tôn thép các loại tăng 29,2%; Giày dép các loại tăng 88,1% và đặc biệt là hàng dệt may tăng 30,1% khi ghi nhận sự gia tăng đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu như dây điện và cáp điện tăng 74,5% do các nhà máy mở rộng hoạt động, gạo tăng 75% do nguồn cung toàn cầu bị thu hẹp bởi điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu.
Đáng chú ý, hiện nay trên địa bàn xuất hiện thêm nhiều nhà máy mới bắt đầu đi vào hoạt động, ổn định công suất như: Công ty TNHH Giày Andromeda Việt Nam; Cyppes Việt Nam; Viet Glory và Apex;… phần nào thúc đẩy Nghệ An trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng dệt may, điện tử để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Hưng từng chia sẻ: Đối với ngành dệt may ở Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, trong giai đoạn hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp dệt may lớn đều đã bắt đầu ổn định trở lại. Nhiều khách hàng chủ động tìm đến các nhà máy để đặt hàng, đặc biệt là những nhà máy lớn như Tập đoàn An Hưng thì từ đầu năm 2024 đến nay đã tiếp đón hàng chục đoàn khách lớn nhỏ đến tham quan, đánh giá nhà máy và trao đổi để ký kết các đơn hàng lớn.
Với nhiều lợi thế về nguồn lực, Nghệ An đang dần trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng xuất khẩu dệt may và điện tử. |
Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cũng thông tin thêm: Trong 9 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hóa đi trên 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ, tiêu biểu như: Hồng Kông tăng 87,5%; Đài Loan tăng 68,4%; Nhật Bản tăng 28,8%, Hàn Quốc tăng 16,7%, Đức tăng 47,7%, Singapore 111,5%,...
Để có được kết quả tích cực trên, xuyên suốt thời gian qua, ngành Công Thương Nghệ An đã chủ động phối hợp cùng các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tập trung thực hiện công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, nhằm củng cố niềm tin của các đối tác lớn vào thị trường và doanh nghiệp tỉnh nhà.
Cụ thể, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở đã phối hợp thu hút được 51/65 dự án lĩnh vực công thương với một số dự án FDI như: Dự án Công ty TNHH Công nghệ Well King (Việt Nam), Dự án điện tử King Conn Nghệ An, Công ty TNHH Leader Tech Việt Nam, Dự án Cung ứng dịch vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp, Nhà đầu tư Pan Ai Jun…, góp phần vào thu hút đầu tư chung của tỉnh.
FDI tiếp tục là “điểm sáng”
Đi cùng với xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ là “điểm sáng” nổi bật đến từ việc thu hút vốn FDI. Một số dự án nổi bật có số vốn hàng trăm triệu USD đã đi vào hoạt động, điển hình như: Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An, có tổng vốn đầu tư 290 triệu USD, tạo việc làm cho gần 12.000 người lao động; Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam có mức vốn đầu tư 309,68 triệu USD (2 dự án) đã tạo đà cho các dự án vệ tinh tiếp theo.
Ngoài ra, còn có các dự án FDI khác chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm 2025 như: Công ty TNHH Công nghệ Luxcase (Việt Nam) đầu tư 473 triệu USD vào ngành nghề điện tử, cơ khí chính xác, tạo việc làm cho khoảng 1.000 người; Dự án của Công ty TNHH Công nghệ Luxshare (Việt Nam), với tổng số vốn đầu tư 35 triệu USD, hoạt động trên lĩnh vực điện tử, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 1.500 người. Hay như Công ty TNHH KHKT Luxvisions (Nghệ An) rót 60 triệu USD vào ngành nghề lắp ráp điện tử, tạo việc làm cho khoảng 1.500 người...
Nhà đầu tư FDI góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cho Nghệ An. |
Riêng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, nhiều dự án lớn cũng đang tập trung đầu tư nhà xưởng và đi vào hoạt động như: Nhà máy Sản xuất thanh silicon và đĩa bán dẫn của Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy, dự án Goertek, Juteng… Những dự án mới này đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ đóng góp thêm mặt hàng, sản lượng, giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của Nghệ An.
Trong phiên họp thường kỳ diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung ghi nhận những kết quả tích cực trên các lĩnh vực mà địa phương đã đạt được từ đầu năm đến nay. Đồng thời đưa ra nhận định: Tình hình thiên tai, bão lụt, xung đột tại một số khu vực trên thế giới tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam trong đó có Nghệ An, khi Nghệ An đang là địa chỉ hoạt động tích cực của các dự án FDI từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Nguy cơ đứt gãy các chuỗi sản xuất vẫn hiện hữu nếu thiếu sự chủ động phòng tránh.
Tình hình thị trường vẫn đang là vấn đề nan giải cho nhiều dự án, công trình sắp đi vào hoạt động, đòi hỏi sự đồng hành thường xuyên, liên tục của các cấp chính quyền đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đời sống, việc làm của người dân vẫn còn nhiều khó khăn trước áp lực giá cả leo thang và doanh nghiệp nội địa khó khăn trong tìm kiếm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tác giả: Hồng Quang
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn