Trong tỉnh

Nghệ An: Nhiều giáo viên mòn mỏi chờ 'phụ cấp tái thu hút'

Nhiều giáo viên trên địa bàn huyện Thanh Chương suốt 4 năm qua không nhận được một đồng “phụ cấp tái thu hút” nào. Giải thích nguyên nhân, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, đã phê duyệt hồ sơ và trình lên cấp trên nhưng bị từ chối, còn Sở Giáo dục và đào tạo lại phủ nhận.

Thiệt thòi quyền lợi

Theo Nghị định 19/2013 của Chính phủ (có hiệu lực từ tháng 4/2013), nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam nhưng chưa được sắp xếp, luân chuyển trở về thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% hệ số lương của bậc chức danh nghề nghiệp hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)... Khoản tiền này vẫn thường được gọi là “phụ cấp tái thu hút”.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Thanh Chương, nhiều giáo viên thuộc đối tượng trên đến nay vẫn chưa nhận được khoản tiền này. Thầy Nguyễn Xuân Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Mỹ kể: Năm 2006, ông được huyện vận động từ xã Thanh Mỹ luân chuyển lên xã Hạnh Lâm là xã đặc biệt khó khăn để làm hiệu trưởng.

Tuy nhiên, 5 năm sau, ông vẫn chưa thể quay về vị trị cũ, trong khi khoản tiền phụ cấp thu hút đã không còn được nhận. Đến năm 2013, ông được luân chuyển qua xã Thanh Đức, cũng là một xã đặc biệt khó khăn, để làm hiệu trưởng.

Mãi đến đầu năm học 2017 - 2018, ông Bình mới được luân chuyển trở về vị trí cũ mà cách đây hơn 10 năm ông đã từng công tác. “Tôi nhiều lần hỏi nhưng không hiểu sao lại không được nhận phụ cấp tái thu hút trong 6 năm”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Xuân Bình trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: P.V

Cùng cảnh ngộ với ông Bình, ông Đoàn Văn Thận - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạnh Lâm cho hay, năm 2010 ông được điều động từ xã Thanh Liên lên đây làm hiệu trưởng. Đến nay, ông Thận đã quá thời hạn theo Nghị định 19 được 2 năm nhưng vẫn chưa được trở về. Số tiền mà đáng ra ông được hưởng tính đến nay đã là hơn 70 triệu đồng.

“Năm ngoái, chúng tôi có hỏi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhưng họ trả lời không được phê duyệt. Vừa rồi chúng tôi cũng tiếp tục nộp hồ sơ, nhưng không biết kết quả sao”, ông Thận cho hay.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Lương - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Kim Lâm cho rằng, các cơ quan quản lý đã “quá thiếu trách nhiệm”. “Số tiền đó không phải là nhỏ. Nếu được nhận, mỗi tháng sẽ được hơn 7 triệu đồng”, vị hiệu trưởng vừa nghỉ hưu đầu năm học này nói.

Thầy Lương trước đây từng nhiều năm công tác ở các xã vùng cao của huyện Tương Dương, sau đó được chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THCS Cát Văn. Năm 2009, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương ký quyết định luân chuyển thầy Lương lên làm Hiệu trưởng Trường THCS Kim Lâm (xã Thanh Sơn).

“Thời điểm đó, trường này mới thành lập được 3 năm, con em chủ yếu là người dân tộc Thái được chuyển từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở Tương Dương về đây tái định cư. Do tôi có kinh nghiệm nhiều năm công tác ở vùng đồng bào dân tộc Thái nên huyện vận động tôi lên đó làm hiệu trưởng”, thầy Lương kể.

Tuy nhiên, đến năm 2014, khi đã hết thời hạn luân chuyển, huyện Thanh Chương vẫn không sắp xếp được để thầy Lương trở về nhưng khoản tiền “tái thu hút” thầy lại không được nhận. “Năm ngoái tôi gửi đơn khiếu nại lên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng lá đơn không được xem xét giải quyết”, thầy Lương kể.

Lần thứ 2 thầy khiếu nại, tháng 3/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo mới có thư trả lời thầy với nội dung “vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Thanh Chương. Huyện có trách nhiệm phê duyệt, thẩm định đối tượng được hưởng để chi trả...”. Tuy nhiên, đến nay, đã 8 tháng trôi qua, thầy Lương vẫn chưa nhận được một lời hồi âm nào từ huyện Thanh Chương.

Đùn đẩy trách nhiệm

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Văn Hoá - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương cho rằng, huyện đã làm hết trách nhiệm. “Hồ sơ của các thầy chúng tôi đã phê duyệt nhưng hội đồng thẩm định của liên sở không đồng ý thì chịu. Họ bắt bẻ câu chữ trong quyết định luân chuyển trước đây của các thầy”, ông Hóa nói và cho hay, hội đồng thẩm định này gồm cả Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính.

Quyết định luân chuyển của thầy Nguyễn Văn Lương. Ảnh: NVCC

Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, hội đồng thẩm định cho rằng, trong quyết định luân chuyển của những giáo viên này trước đây không nêu thời hạn “Họ bắt bẻ từng chữ như vậy thì chịu”, ông Hóa nói và khẳng định, từ khi Nghị định có hiệu lực, năm nào huyện Thanh Chương cũng phê duyệt hồ sơ, sau đó trình lên hội đồng liên sở thẩm định nhưng đều bị từ chối.

“Việc các thầy không nhận được phụ cấp là do Sở. Văn bản Sở trả lời rồi văn bản phê duyệt của huyện vẫn còn lưu ở đây. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, và rất mong các thầy được hưởng phụ cấp”, ông Hóa nói qua điện thoại với phóng viên Báo Nghệ An. Tuy nhiên, khi phóng viên trực tiếp tìm gặp và đề nghị được xem những văn bản huyện đã phê duyệt thì ông Hóa không cung cấp được.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hoài Giang, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương, phụ trách vấn đề này thừa nhận, những năm trước, huyện chỉ “trình hồ sơ bằng miệng” lên Sở. “Chúng tôi có hỏi Sở nhưng được trả lời rằng những trường hợp này không được nhận nên thôi”, bà Giang nói và cho hay, trước bức xúc của các giáo viên, mãi đến tháng 11/2017, huyện Thanh Chương mới phê duyệt được 39 trường hợp để trình lên Sở thẩm định. Tuy nhiên, những hồ sơ này sau đó bị Sở trả lại mà không nêu lý do.

Theo tính toán của huyện Thanh Chương, tính đến nay, tổng số tiền truy lĩnh của 39 giáo viên này lên đến hơn 3,2 tỷ đồng. Đây là những trường hợp, trong quyết định luân chuyển đều nêu rõ thời hạn.

Phiếu chuyển đơn của Sở Giáo dục cho Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Thanh Chương về việc trả lời chế độ phụ cấp tái thu hút của ông Nguyễn Văn Lương - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Kim Lâm. Ảnh NVCC

Còn bà Võ Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An), lại cho rằng, hội đồng liên sở được thành lập chỉ để cân đối nguồn ngân sách cho huyện, chứ không phải thẩm định hồ sơ.

“Thẩm định, phê duyệt tất cả các chế độ là do huyện. Phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Chương nói như vậy là sai”, bà Bình nói và phủ nhận việc “bắt bẻ câu chữ” trong hồ sơ như ông Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương nói.

Còn ông Đậu Xuân Quyền, Trưởng Phòng Ngân sách xã huyện - Sở Tài chính cho hay, theo quy trình, sau khi tổng hợp hồ sơ của giáo viên, các trường sẽ gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo. Chủ tịch UBND huyện cùng với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ rồi trình lên hội đồng liên sở gồm Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo) và Phòng Ngân sách xã huyện (Sở Tài chính) để phê duyệt.

Hội đồng liên sở sau khi thẩm định tiếp tục gửi lên UBND tỉnh tổng hợp để gửi ra các bộ. “Tuy nhiên, từ khi Nghị định này có hiệu lực từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh chỉ có mỗi huyện Quế Phong là trình hồ sơ lên để chúng tôi phê duyệt. Các huyện khác không thấy động tĩnh gì”, ông Quyền nói và cho hay, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 6 giáo viên ở Quế Phong được hưởng phụ cấp này với tổng số tiền gần 200 triệu đồng chi trả mỗi năm.

Sau khi được phóng viên Báo Nghệ An cho xem quyết định luân chuyển của thầy Nguyễn Văn Lương, ông Quyền khẳng định, trường hợp này chắc chắn được hưởng phụ cấp, nhưng “không hiểu sao huyện không trình lên để phê duyệt”. “Theo thông tư hướng dẫn, những quyết định luân chuyển không nêu rõ thời hạn công tác thì không được. Còn những trường hợp nêu rõ như thầy Lương thì được”, ông Quyền nói, và cho rằng, việc không nêu rõ thời hạn công tác trong quyết định không phải là lỗi của các giáo viên.

Tác giả: Tiến Hùng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP