Đây là một trong những nội dung liên quan quan đến vấn đề kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường được đề cập trong Nghị quyết “Về tăng cường việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An” vừa được HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII biểu quyết thông qua.
Báo động tình trạng ô nhiễm
Hệ luỵ liên qua đến vấn đề ô nhiễm môi trường không được xử lý dứt điểm đang trở thành đề tài “nóng” trên các nghị trường và dư luận báo chí – truyền thông. Các cấp, ngành Trung ương và địa phương cũng liên tục phát đi các thông báo, thống kê và cảnh báo về ô nhiễm môi trường để kêu gọi cả xã hội cùng chung tay kiểm soát, xử lý dứt điểm. Đặc biệt, ô nhiễm môi trường liên quan đến đất đai có thể để lại nhiều hậu hoạ, di chứng nghiêm trọng, tác động domino đến tất cả các lĩnh vực đời sống dân sinh và không loại trừ một cá nhân nào thuộc diện “vòng an toàn”, đứng ngoài cuộc.
Tại Nghệ An, theo thống kê của Sở TN&MT, hiện trên địa bàn có hàng trăm địa điểm đang có nguy cơ ô nhiễm môi trường đất đai, để lại nhiều hệ luỵ xấu tới sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị chức năng mới chỉ xử lý 120 điểm, 148 điểm phải lập dự án xử lý, phương án kiểm soát ô nhiễm trong thời gian tới.
Cùng với đó, hiện trên địa bàn đang có 76 điểm phải tiếp tục tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết để lập phương án kiểm soát, xử lý trong thời gian sớm nhất có thể. Chỉ tính riêng giai đoạn 2020-2022, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện điều tra, đánh giá mức độ phạm vi ô nhiễm, lập phương án xử lý đối với 34 khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; hoàn thành xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đối với 29 khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật và đang tiếp tục triển khai xử lý đối với 3 khu vực ô nhiễm trên địa bàn.
Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (cơ sở 1) đặt tại TP Vinh, nơi được Nghị quyết 36 HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII liệt kê vào danh sách cơ sở tồn đọng ô nhiễm môi trường kéo dài cần xử lý |
Tính đến năm 2022, Nghệ An cũng có 33/42 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ONMTNT) đã được kiểm tra và chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và trong năm 2021-2022, không phát sinh điểm ONMTNT mới.
Mặt khác, trong tổng số 151 làng nghề đang hoạt động trên địa bàn, hiện Nghệ An có tới có 29 làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi tập kết rác thải ở vùng nông thôn, đồng bằng và miền núi…đang trở thành vấn đề “nóng” nổi cộm trong những năm gần đây vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vì đang vận hành theo công nghệ chôn lấp, đốt thủ công, lạc hậu.
Trong khi đó, để thu hút các nhà đầu tư thực hiện những dự án xử lý rác thải trên địa bàn trong thời gian qua vẫn chưa có kết quả khả quan, rõ rệt. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư khi vào triển khai dự án xử lý ô nhiễm môi trường bị “mắc cạn” bởi nhiều lý do khác nhau rồi “cuốn gói” bỏ chạy.
Tăng “cấp độ” bảo vệ môi trường
Theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua (đang chờ Thủ tướng phê duyệt), có nhiều nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Ở giai đoạn tới, quan điểm của tỉnh Nghệ An cũng sẽ ưu tiên xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị loại 4 trở lên. Các khu vực dân cư phân tán tận dung hệ thống kênh, mương nội đồng, ao, hồ sẵn có để xử lý sinh học trong điều kiện tự nhiên và xử . Tái sử dụng nước thải sau xử lý để phục vụ nông nghiệp.
Cùng với đó, Nghệ An cũng sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mặt đô thị và giải quyết chống ngập đô thị cho các khu dân cư nội thị cũ. Áp dụng mô hình thoát nước bền vững, xây dựng hồ điều hòa, hạn chế bê tông hóa mặt phủ, xây dựng đô thị sinh thái, tái sử dụng nước mưa.
Riêng giai đoạn 2021-2025, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và bệnh viện trên địa bàn đi vào hoạt động phải có hệ thống thoát nước thải riêng và nước thải được xử lý 100% đạt tiêu chuẩn quy định trước khi xả vào môi trường.
Dự án nhà máy xử lý nước thải thị xã Cửa Lò dù đã cơ bản hoàn thiện nhưng hiện nay vẫn chưa phát huy hiệu quả hoạt động |
Đặc biệt, Nghệ An đặt mục tiêu tái sử dụng 20% nước thải đã qua xử lý cho nhu cầu tưới cây, rửa đường và các nhu cầu khác tại các đô thị, KCN. Cũng trong giai đoạn này, Nghệ An sẽ đặt mục tiêu nâng tổng công suất các nhà máy xử lý nước thải đô thị từ loại IV trở lên với tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định 50 - 80%. Tổng công suất các nhà máy xử lý nước thải đô thị đến năm 2025 của Tp. Vinh, Tx. Cửa Lò, Tx. Thái Hòa, Tx. Hoàng Mai là 150.000 m3/ngđ với quy mô tổng diện tích đất hạ tầng công trình đầu mối xử lý nước thải khoảng 30 ha.
Đáng quan tâm, đối với Nước thải Công nghiệp phải được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả ra hệ thống thoát nước hoặc ao hồ, sông suối tự nhiên. Tất cả các nhà máy có phát thải nước thải đều phải tuân thủ như cam kết khi thực hiện các thủ tục xin phép đầu tư.
Và đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy xử lý nước thải các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 100.000 m3/ngày đêm và năm 2030 là 120.000 m3/ngày đêm.
Để hiện thức hoá những mục tiêu, kế hoạch nói trên, sau kỳ họp thứ 14, vào ngày 07/7/2023, ông Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khoá XVIII đã ký Nghị quyết số 36 “Về việc tăng cường việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An” đặt ra nhiều yêu cầu mang tính cấp bách đối với công tác bảo vệ môi trường tại địa phương trong thời gian tới.
Đây được xem như Nghị quyết riêng đối với lĩnh vực này nhằm tăng “cấp độ” bảo vệ môi trường nhằm tổ chức tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý các nguồn thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Đặc biệt, vấn đề tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường; kiên quyết thu hồi giấy phép môi trường theo quy định đối với các trường hợp không thực hiện các biện pháp khắc phục các hành vi vi phạm…cũng được nêu rõ trong Nghị quyét số 36 của HĐND tỉnh Nghệ An.
Tác giả: NGỌC THÁI
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn