Gỗ quý sắp thành củi mục
PV Báo Sức khỏe & Đời sống có mặt tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, nơi đang tạm giữ một khối lượng lớn gỗ các loại. Trong đó có nhiều gỗ Sa Mu và Pơ Mu, là những loại gỗ nằm trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Đây là tang vật thu giữ được từ những vụ lâm tặc phá rừng suốt nhiều năm qua.
Mọi chỗ trống ở Ban Quản lý rừng hầu như đều được sử dụng tối đa để làm nơi chứa gỗ được bắt giữ từ các vụ lâm tặc phá rừng, ngay chính nhà để xe của Ban cũng đã được tận dụng để chất đầy gỗ. Tuy nhiên do diện tích nhà xe nhỏ nên chỉ chứa được số lượng rất ít, còn số lượng lớn phải để ngoài trời phơi mưa, phơi nắng suốt nhiều năm nay.
Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đang tạm giữ hàng trăm m3 gỗ các loại, trong đó có 161.924 m3 gỗ Sa Mu, Pơ Mu bị khai thác trái phép tại 2 xã Na Ngoi, Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) từ tháng 1 đến tháng 7/2017. Ban quản lý rừng phòng hộ cũng đã mất gần 2 năm ròng rã mới đưa được hết số gỗ trên từ hiện trường về đơn vị.
Nhà để xe của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn trở thành nơi để gỗ. |
Sau khi xảy ra vụ việc phá rừng này, cơ quan chức năng ở Nghệ An cũng đã khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra vẫn chưa thể khép lại vụ án nên toàn bộ số gỗ không thể phát mại xung công quỹ Nhà nước. Do thực trạng thiếu kho bãi để nên hàng trăm m3 gỗ được tập kết, để ngoài trời không được che đậy hoặc chỉ được che đậy sơ sài bằng lớp bạt mỏng, lâu ngày đã bị hư hỏng, rách nát.
Cần sớm có phương án xử lý
Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn cho biết đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất với UBND huyện, các ngành liên quan có phương án giải quyết phù hợp đối với số gỗ Sa Mu và Pơ Mu trong vụ án. “Hy vọng rằng cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An cần sớm đưa ra các phương án xử lý phù hợp, để cho hàng trăm m3 gỗ quý không còn tiếp tục phải phơi nắng, phơi mưa và trở thành củi mục, gây thất thoát lượng lớn tài sản của nhà nước”. Một lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn mong muốn.
Hàng trăm m3 gỗ quý đang hư hỏng hàng ngày do phơi mưa, phơi nắng. |
Được biết, UBND huyện Kỳ Sơn đã nhiều lần họp với lãnh đạo các sở ngành liên quan cũng như ngày 19/3/2019, UBND huyện Kỳ Sơn đã có Công văn số 135/UBND.NN đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định tịch thu số lâm sản 161.924 m3 gỗ Sa Mu, Pơ Mu bị khai thác trái phép trên địa bàn huyện Kỳ Sơn năm 2017, bán đấu giá toàn bộ số gỗ này xung công quỹ Nhà nước.
Tuy nhiên đến nay, việc xử lý số gỗ trên vẫn đang phải chờ phương án giải quyết. Cứ như thế, hàng trăm m3 gỗ quý sẽ tiếp tục bị hư hỏng, mục nát từng ngày và sắp trở thành củi mục, gây thất thoát lớn cho ngân sách của Nhà nước vì chưa thể phát mại, bán đấu giá xung công quỹ.
Tác giả: Từ Thành
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống