Tuy nhiên, để giải quyết “bài toán” nan giải nói trên không phải dễ. Bởi lẽ, còn có rất nhiều rào cản khách quan lẫn chủ quan tác động trực tiếp đến người mua, khiến cho họ không thể tiếp cận được nhà ở xã hội mặc dù có nhu cầu ở thực!
An cư… trong mơ !
Một số chuyên gia bất động sản ở Nghệ An cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phân khúc nhà ở xã hội, căn hộ giá rẻ ở địa bàn Nghệ An hiện đang yếu thế hơn hẳn so với phần còn lại về nguồn cung. Trong khi đó, lượng nhu cầu mua nhà ở thực với mức giá rẻ, bình dân, có ưu đãi tốt thì lại rất lớn, chiếm phần đông.
Sở dĩ như vậy là bởi, Nghệ An hiện là địa phương nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố trong nước về thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài; nhiều khu công nghiệp đang đồng loạt triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, như: Khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai I, Hoàng Mai II,… Từ đó kéo theo lượng lớn công nhân, người lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhu cầu nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội tăng cao, gấp nhiều lần so với các phân khúc bất động sản còn lại.
Ghi nhận thực tế tại Khu Kinh tế Đông Nam - nơi có hơn 29.000 công nhân lao động đang làm việc, được biết, ngoại trừ số ít nhà ở cho cán bộ chuyên gia và người lao động tại Khu công nghiệp VSIP, còn rất nhiều lao động trong và ngoài tỉnh về các Khu công nghiệp Bắc Vinh, Nam Cấm, Industrial Nghệ An 1… làm việc nhưng lại không có nhà để ở.
Công tác phát triển nhà ở xã hội và các công trình phúc lợi tại khu công nghiệp vẫn chưa được các đơn vị liên quan quan tâm đầu tư hiệu quả, kịp thời |
Chia sẻ với PV, chị Lê Thị Thơm (29 tuổi, công nhân Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam nằm trong Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Với mức giá nhà ở, căn hộ chung cư trên thị trường như hiện nay, 2 vợ chồng tôi đều làm công nhân với mức lương thấp thì xác định không bao giờ mua được. Chúng tôi mong muốn rằng, thời gian tới, chính quyền địa phương cũng như công ty sẽ có những chính sách ưu đãi, xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp để vợ chồng tôi có thể tiếp cận được”.
Không riêng gì chị Thơm, nhiều công nhân khác cũng có cùng tâm trạng như vậy. Họ chia sẻ rằng, mặc dù rất muốn mua một căn hộ giá rẻ, bình dân để an tâm sinh sống, làm việc; tuy nhiên, họ lại không thể tìm được căn hộ nào phù hợp. Bởi lẽ, thực tế hiện nay, giá nhà ở vẫn đang còn ở mức quá cao so với mức thu nhập bình quân của họ.
Qua khảo sát nhanh giá nhà ở, căn hộ chung cư tại khu vực TP Vinh hiện nay, PV ghi nhận trung bình một căn hộ chung cư ở được có mức giá dao động từ 1,2 – 2 tỷ đồng/căn hộ, với diện tích trên dưới 80m2. Tại các khu vực xa trung tâm TP Vinh thì giá có rẻ hơn một chút, giao động từ 800 – 1 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, với mức giá như vậy, nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình hay chính sách ưu đãi thì người công nhân, lao động có thu nhập thấp không bao giờ có khả năng mua được.
“Gỡ khó” cho người thu nhập thấp
Một lý do khác khiến cho địa phương này thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng về nhà ở xã hội, đó là trong những năm gần đây, Nghệ An có sự thay đổi, chuyển dịch rõ rệt ở các phân khúc bất động sản. Các ông lớn ngành địa ốc, nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản đa phần hướng đến các phân khúc cao cấp như biệt thự liền kề, nghỉ dưỡng, căn hộ “vip”… hơn là những căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội bởi các thủ tục hành chính thuận lợi, dễ dàng hơn, mức lãi suất tín dụng ổn hơn và đặc biệt là dòng tiền hút về rất nhanh chóng.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ trong năm 2023 mà một thời gian dài nữa, nguồn cung nhà ở giá rẻ ở Nghệ An vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu dành cho người lao động có thu nhập vừa và thấp. “Hi vọng rằng, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có những chính sách ưu đãi cụ thể để giúp người công nhân, lao động dễ dàng tiếp cận và mua được nhà ở xã hội”, anh Quân – một chuyên gia bất động sản chia sẻ.
Theo đó, qua dữ liệu PV thu thập được biết, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có hơn 2.000 căn nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng ổn định và đáp ứng được phần rất nhỏ cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Nắm rõ thực tế trên, Nghệ An xác định phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Nghệ An đang vươn mình trở thành trung tâm công nghiệp vùng Bắc Trung Bộ (ảnh: Một khu nhà ở xã hội tại dự án VSIP Nghệ An) |
Trên cơ sở đó, vào ngày 9/10, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 748/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.
Mục tiêu tổng quát là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có mức giá phù hợp với khả năng chi trả của những người lao động có thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân trong các khu công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện để người lao động có chỗ ở theo cơ chế thị trường, cũng như có chính sách hỗ trợ tối đa cho các đối tượng nói trên nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân phải vật lộn với cuộc sống “tạm bợ” như hiện nay.
Theo đó, Nghệ An dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng 28.500 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 – 2030, bao gồm 9.000 căn nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp và 19.500 căn cho công nhân khu công nghiệp; chủ yếu nằm ở khu vực trung tâm TP Vinh và các huyện phụ cận.
Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đó là: Đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý thuộc thẩm quyền, tăng cường cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm cải thiện môi trường, thu hút đầu tư; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về việc dành 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư và người mua nhà ở xã hội tiếp cận vay vốn từ Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và các gói tín dụng cho vay với lãi suất thấp khác.
Đặc biệt, người đứng đầu các sở, ban, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương cần nâng cao tinh thần trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; quản lý chặt chẽ, xử lý vi phạm nếu có về tiến độ và các cam kết của nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội…
Tác giả: HỒNG QUANG
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn