Trong tỉnh

Nghệ An: Gần 340 tỷ làm trạm dừng nghỉ trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, vận hành từ tháng 1/2026

Trạm dừng nghỉ này thuộc địa bàn xã Diễn Hạnh và xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An nằm về hai bên của đường cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu, với tổng mức đầu tư gần 340 tỷ đồng.

Vừa qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km427+035 thuộc dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài 9.014 km. Tính đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác hơn 2.000 km cao tốc; đang triển khai thi công xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.071 km; đã quyết định chủ trương đầu tư, bố trí đủ vốn thực hiện, dự kiến khởi công giai đoạn 2021 - 2025 là 1.258 km.

Đồng thời, Bộ GTVT và các địa phương đang chuẩn bị đầu tư khoảng 928 km các tuyến đường bộ cao tốc khi cân đối được nguồn vốn như Cổ Tiết - Chợ Bến, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Hải Phòng, Bảo Lộc – Liên Khương, TP HCM - Chơn Thành, TP HCM - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát, Vành đai 4 TP HCM và một số tuyến khác được quy hoạch đầu tư trước 2030.

Trạm dừng nghỉ là công trình tiện ích, là một bộ phận công trình của đường cao tốc, phục vụ nhu cầu dừng nghỉ của hành khách và phương tiện tham gia giao thông.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Quy mô gần 9 ha, nằm tại huyện Diễn Châu

Theo Liên danh Petrolimex (chủ đầu tư), trạm dừng nghỉ thuộc xã Diễn Hạnh và xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An nằm về hai bên của đường cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu.

Phía bắc dự án tiếp giáp đường cao tốc hướng Thanh Hoá và đất sản xuất nông nghiệp; phía nam tiếp giáp đường cao tốc hướng Thanh Hoá và đất sản xuất nông nghiệp; phía đông tiếp giáp đất nông nghiệp của xã Diễn Hạnh; phía tây tiếp giáp đất nông nghiệp của xã Diễn Quảng.

Vị trí thực hiện dự án. (Ảnh chụp từ văn bản).

Về hiện trạng sử dụng đất của dự án, diện tích đất khảo sát lập quy hoạch chi tiết dự án khoảng 8,9 ha (trong đó diện tích bên phải tuyến là 4,3 ha , bên trái tuyến là 4,55 ha ).

Khu vực dự án là đất trồng lúa nước, đất thủy lợi, đất giao thông, ..., hiện nay trên khu vực dự án không có hộ dân sinh sống, do đó khá thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Dân số xung quanh khu vực dự án chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, diện tích đất đã GPMB là 3,3 ha. Diện tích đất trồng lúa nước của xã Diễn Hạnh là khoảng 4,1 ha, do 49 hộ gia đình quản lý. Diện tích đất trồng lúa nước của xã Diễn Quảng là hơn 1,4 ha, do 22 hộ gia đình và UBND xã quản lý.

Trong ranh giới dự án có phần đường gom đã được đầu tư bởi dự án CT 01 phục vụ hoạt động giao thông đi lại của người dân canh tác, mặt đường là đường đất, một phần đã được rải đá mi. Giao thông bên ngoài dự án là tuyến đường liên xã Diễn Hanh, Diễn Quảng, bề rộng mặt đường khoảng 7 m. Đây sẽ là tuyến đường vận chuyển nguyên vật liệu trong quá trình thi công của Dự án.


Hiện trạng một số khu vực trong và tiệm cận diện tích quy hoạch dự án. (Ảnh chụp từ văn bản).

Tổng mức đầu tư gần 340 tỷ đồng, vận hành từ năm 2026

Về quy mô xây dựng dự án, nhà dịch vụ (phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, Không gian nghỉ ngơi, nơi cung cấp thông tin, khu phục vụ ăn uống, giải khát, khu vực giới thiệu và bán hàng hóa, phòng trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông), quy mô hai tầng, diện tích xây dựng khoảng 1.950 m2 ); trạm cấp nhiên liệu, quy mô một tầng, diện tích khoảng 810 m2.

Xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, quy mô một tầng, diện tích khoảng 665 m2 ); khu vệ sinh, quy mô một tầng, diện tích khoảng 442 m2 ); trạm cấp nước, trạm bơm, bể chứa, diện tích khoảng 40 m2 ; nhà đặt máy phát điện dự phòng, diện tích khoảng 20 m2 ; trạm xử lý nước thải, diện tích khoảng 125 m2.

Khu tập kết rác, diện tích khoảng 100 m2 ; và các hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật khác. Hoạt động kinh doanh sẽ cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiên tham gia giao thông; Đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của hành khách, lái xe.

Về tiến độ, dự án sẽ thực hiện chuẩn bị mặt bằng vào quý I/2025, thi công từ quý II/2025 - quý IV/2025, đưa vào vận hành từ tháng 1/2026.

Tổng mức đầu tư của dự án này là gần 340 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư bao gồm giá trị thực hiện dự án (M1); giá trị Giải phóng mặt bằng và tái định cư (M2); Giá trị nộp ngân sách nhà nước (M3).

Nguồn vốn bao gồm sử dụng vốn tự có của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và vốn vay theo tỷ lệ tương ứng 30/70. Vốn tự có chiếm 30% tổng (M1+M2) cộng giá trị M3 162 tỷ đồng; vốn vay chiếm 70% tổng (M1 + M2) với lãi suất 7%/năm là hơn 177 tỷ đồng.

Sẽ có 36 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam

Theo Quy hoạch mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Bộ GTVT phê duyệt, sẽ có 36 trạm dừng nghỉ được xây dựng phục vụ chủ phương tiện nghỉ ngơi, đổ xăng, ăng uống... khi lưu thông trên tuyến cao tốc này.


Sẽ có 36 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Theo đó, trong số 36 trạm dừng nghỉ được phê duyệt lần này, có 6 trạm đã đầu tư đưa vào khai thác, ba trạm đang đầu tư và 27 trạm chưa đầu tư. Trong số này, trạm có quy mô lớn nhất lên đến hơn 13 ha mỗi bên; trạm có quy mô nhỏ nhất là 2,5 ha mỗi bên.

Các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ bao gồm các công trình dịch vụ công được cung cấp miễn phí như bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, nơi cung cấp thông tin.

Bên cạnh đó là công trình dịch vụ thương mại như khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú qua đêm.

Đáng chú ý, Bộ GTVT cũng chuyển trạm dừng nghỉ tại Km 12+00 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành thành điểm dừng xe.

Đối với hai trạm dừng nghỉ tại Km 36+00 và Km 96+100 thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trước mắt điều chỉnh thành điểm dừng xe, việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ sẽ thực hiện vào thời điểm thích hợp khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng và khai thác hiệu quả.

Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam liên quan cập nhật mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, đi qua hai tỉnh Thanh Hóa (khoảng 6,5 km) và Nghệ An (43,5 km), tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỷ đồng, được thông tuyến hồi tháng 9/2023.

Trong giai đoạn phân kỳ, tuyến đường gồm 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng quy mô lên 6 làn xe, nền đường rộng khoảng 32 m, vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h.

Sau khi hoàn thành cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, thời gian đi từ Nghệ An ra Thanh Hóa từ 3 giờ đồng hồ sẽ rút xuống chỉ 1,5 giờ đồng hồ. Còn thời gian từ Hà Nội vào Vinh (Nghệ An) chỉ còn 3 tiếng rưỡi.

Tác giả: Hải Quân

Nguồn tin: dongvon.doanhnhanvn.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP