Đường nhựa vào bản Chà Lúm và Na Cáng, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương phía bên ta luy dương là những dải đất rừng phòng hộ. Trên đó, những đám cây cỏ dại mọc lúp xúp, cằn cỗi không xanh tươi như những mảng rừng phòng hộ vẫn thường thấy.
Anh Vi Văn Khánh, ở bản Na Cáng cho biết, năm 2014, anh nhận trồng rừng dự án JICA2 với diện tích 6,4 ha để trồng lát hoa và xoan. Trồng xong, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Tương Dương về nghiệm thu chỉ được 5 ha với giá 40 triệu đồng. Sau đó, do trục trặc về nguồn chi trả nên mới trả tiền được một nửa, đến nay, không thấy trả thêm nữa. Do BQLRPH không về trả tiền nên anh và mọi người không chăm sóc nên cây trồng đã chết dần.
Một cánh rừng phòng hộ ở Tương Dương được trong theo dự án JICA 2 nhưng chủ yếu là cây mọc tự nhiên |
Gia đình ông Lang Văn Bỉnh, ở bản Na Cáng cũng nhận trồng 5,8 ha nhưng khi nghiệm thu cũng chỉ được hơn một nửa diện tích trồng. “Họ nói, dân trồng nhầm sang rừng sản xuất nên không thanh toán hết tiền. Lúc trồng, cán bộ về đứng dưới chân núi chỉ tay lên trên không cụ thể nên nhà tôi trồng nhầm” - ông Bỉnh nói.
Anh Mạc Văn Biểu, Trưởng bản Na Cáng, xã Yên Tĩnh cho biết, bản Na Cáng được BQLRPH huyện chọn để thực hiện dự án JICA2 với diện tích gần 60 ha. Năm 2014, có 12 hộ dân của bản nhận khoán trồng rừng. Lúc đầu, trồng lát hoa là cây bản địa và xoan là cây phụ trợ, nhưng 2 loại cây này không sống được nên giờ BQLRPH thuê người nơi khác về trồng keo. Các hợp đồng trồng rừng bên BQLRPH giữ hết không cho dân giữ bản nào. “Đã hơn 4 năm rồi nhưng cây chưa cao quá đầu người, cây sống chỉ đạt 10% thôi. Cây kém phát triển nếu bình thường thì phải cao trên 3m. Thấy một vài năm nay, BQLRPH lại thuê người nơi khác đến phát đốt một lần vì không ai chăm sóc nên cỏ dại lấn hết” - anh Biểu nói.
Ông Vi Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết: Chính quyền địa phương chỉ biết khu vực trồng của BQLRPH, xã cũng chưa được quản lý hoặc phối hợp công tác quản lý bảo vệ. BQLRPH thuê người dân trồng 1 ha là 8 triệu đồng. Diện tích rừng sau khi nghiệm thu, bị trâu bò phá do không ai bảo vệ. Đường giao thông nông thôn cũng chưa thấy làm, chòi canh thì do người dân làm nhỏ lẻ lợp bằng lá cọ. BQLRPH chỉ liên lạc với chính quyền khi bị trâu bò của dân vào phá rừng. Hợp đồng trồng rừng xã cũng không lưu bản nào tại ủy ban. Thực hiện dự án tại địa bàn, BQLRPH đáng lẽ nên phối hợp với chính quyền để bảo vệ, khi đó sẽ hiệu quả hơn. Từ năm 2014 đến nay, không kỳ họp hội đồng nào dân không ý kiến về việc này.
Người dân thực hiện dự án trồng rừng JICA 2 nói họ không được trả tiền đúng theo hợp đồng nên bỏ dở dự án |
Còn tại bản Phà Lõm, xã Tam Hợp, diện tích trồng rừng JICA2 phần nhiều cỏ tranh mọc nên khó nhận ra đây là diện tích rừng đã trồng được 4 năm. Ông Xổng Vả Dềnh, Trưởng bản Phà Lõm nói, diện tích rừng JICA2 chỉ sống khoảng 20% còn 80% chết do không được chăm sóc. Hồ sơ nhận trồng là 10 triệu đồng/ha, người dân đã ký hết và giao toàn bộ cho BQLRPH đưa về duyệt để rút tiền. Dân chờ nhưng ban nói nhân dân trồng không đúng thiết kế nên không trả hết và thu hồi toàn bộ hợp đồng, dân bản không giữ tờ nào.
Ông Xồng Bá Nỏ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tam Hợp, cũng nhận trồng 1 ha rừng JICA2, nói: Ở bản Phà Lõm, diện tích phát thực bì và trồng là 32 ha, khi khảo sát thiết kế có cán bộ của tỉnh lên lấy máy đo đạc. Tại đây, có 16 hộ nhận hợp đồng trồng rừng. Cán bộ nói: Phát thực bì xong họ chi trả 50%, trồng xong trả tiếp 50% còn lại. Và sau khi trồng xong, BQLRPH yêu cầu dân ký hết các văn bản trong hồ sơ trước rồi nhận tiền sau. Một năm sau, họ nói là chưa có tiền, do các hộ dân trồng không đúng diện tích như trong thiết kế. Đã có nhiều cuộc họp giữa người dân và BQLRPH, sau đó, lên đo lại, 1 ha dân trồng BQLRPH chỉ tính một nửa, số còn lại họ cho rằng do người dân trồng sai nên không trả hết, chỉ trả tiền cho 13 ha/32 ha.
“BQLRPH huyện còn nói với dân sau khi trồng xong sẽ trả cho người dân công chăm sóc 1 ha mỗi năm là 3 triệu đồng. Nhưng từ năm 2014 đến nay, họ thuê người xã khác vào chăm sóc, trồng dắm không thuê dân bản nữa. Bên phòng hộ lên giám sát từng ngày từ khi phát thực bì, đào hố, đưa cây lên trồng, đào hố sai, họ bắt dân sửa lại. Nay, trồng xong sau lại nói sai quy hoạch không trả tiền cho dân là không có lý. Hiện nay, không được chăm sóc nên diện tích rừng dân bản trồng 32 ha may ra sống chưa được 1/10” - ông Nỏ nói.
Tuy nhiên, qua trao đổi, ông Ngũ Văn Trị, Trưởng BQLRPH huyện Tương Dương lại cho rằng: Tổng diện tích trồng ở Tương Dương là 72,5 ha; chi phí là 30 triệu đồng/ha quá trình kiến thiết cơ bản 4 năm (gồm 1 năm trồng, 3 năm chăm sóc). Do điều kiện khách quan nên cây không phát triển, không đạt tiêu chuẩn chứ không phải do chủ quan của đơn vị, hiện, BQLRPH đã thuê người trồng dắm. Do người dân chỉ trồng năm đầu, sau đó, họ không làm nữa nên BQLRPH đã lấy số tiền đó thuê người ngoài vào làm. Ông Trị còn cho biết thêm, ông nhận công tác sau, không tham gia giai đoạn khảo sát, thiết kế, việc trồng sai quy hoạch là do khi làm thiết kế, đo đạc không cắm mốc phân chia ranh giới nên người dân trồng ngoài thiết kế. Do đó, diện tích trồng ngoài người dân chỉ được hỗ trợ một phần tiền và không được nghiệm thu. Nhưng diện tích đó không đáng kể, chỉ khoảng 3 ha(?). Đó là khó khăn mà BQLDA phải khắc phục nhiều năm nay.
Được biết, đầu tháng 6/2014, trên cơ sở hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, BQLDA JICA2 Nghệ An đã ký hợp đồng hợp phần trồng rừng với BQLRPH huyện Tương Dương với tổng diện tích hơn 85 ha.
Ông Nguyễn Quang Hảo, Phó Giám đốc BQLDA JICA2 nói, ở Tương Dương hiện đã hoàn thành nghiệm thu và bàn giao. Ngoài hợp phần trồng rừng còn có hợp phần đường lâm nghiệp, bê tông nông thôn 3km, xây trạm canh 500 triệu đồng, ưu tiên cho những hộ có rừng. Quy trình nghiệm thu qua nhiều giai đoạn rất công phu, gồm cả trồng lẫn chăm sóc.
Ở xã Yên Tĩnh, BQLRPH báo cáo kinh phí trồng đã tăng lên 60 triệu đồng/ha do đầu tư nhiều nhưng không bảo vệ được. Tiền công của dân là đúng như dự toán phê duyệt, BQLRPH huyện không trả thêm được.
“Quá trình tiến hành trồng rừng phải báo chính quyền xã. UBND xã có nhiệm vụ phối hợp với làm đường giao thông theo dự án và hỗ trợ sinh kế cho bà con. Chỗ vỡ hợp đồng là của ban, chúng tôi chỉ nghiệm thu hàng năm, đánh giá chất lượng cây”.
Trong lúc đó, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, dự án trồng rừng JICA2 đã kết thúc nay chỉ chờ làm thủ tục bàn giao.
Tác giả: Đình Tiệp - Cao Tưởng
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường