Trong tỉnh

Nghệ An định hướng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao

Giai đoạn 2021-2025, Nghệ An tập trung thu hút đầu tư phát triển nhanh các ngành như: Điện tử, công nghệ thông tin, năng lượng; cơ khí lắp ráp; công nghiệp hỗ trợ... Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 phấn đấu đạt 165.000 tỷ đồng.

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là giai đoạn 2021-2025, Nghệ An sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển nhanh các ngành: Điện tử, công nghệ thông tin, năng lượng; cơ khí lắp ráp; vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ mới; dược liệu, hóa chất; chế biến nông – lâm – thủy sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp sinh học.

Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 phấn đấu đạt 165.000 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng trong tổng sản phẩm của tỉnh đạt 39 – 40% vào năm 2025. Hàng năm tạo việc làm cho khoảng 18-20.000 lao động, trong đó lao động có kỹ năng nghề đạt 60%.

Giai đoạn 2026-2030, chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều sâu phù hợp với xu thế hội nhập và hiện đại. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các lĩnh vực cốt lõi về số hóa. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân đạt 17-18%/năm. Tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong tổng sản phẩm của tỉnh chiếm từ 17-45%.

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan và địa phương trong việc nghiên cứu tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

Bên cạnh đó, cân đối và huy động các nguồn lực đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhất là các dự án FDI, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu Kế hoạch đề ra.

Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo. Phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu từ nguồn nguyên liệu địa phương và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tập trung phát triển các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu để khai thác thị trường tiềm năng và các thị trường khác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhằm rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính…

Tác giả: VĂN DŨNG

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP