Trong tỉnh

Nghệ An đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế

Trong thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)/chuyển đổi số được tỉnh Nghệ An tích cực triển khai sâu rộng.

Các cơ quan nhà nước đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, dự án về CNTT/chuyển đổi số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó, người dân tích cực tham gia sử dụng các dịch vụ viễn thông, ứng dụng CNTT/chuyển đổi số góp phần làm cho đời sống số của toàn xã hội ngày càng được nâng cao, các tiện ích số từng bước mặc định vào đời sống hàng ngày.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT/chuyển đổi số ở các lĩnh vực

Trong thời gian qua, ứng dụng CNTT/chuyển đổi số được tỉnh tích cực triển khai sâu rộng và đồng bộ trên các lĩnh vực. Ngay sau khi có Nghị quyết số 36-NQ/TW, tỉnh đã ban hành các văn bản để thực hiện nhằm thể chế hóa nghị quyết bảo đảm việc triển khai ứng dụng CNTT/chuyển đổi số một cách bền vững, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông giữa các hệ thống. Tỉnh đã huy động tổng thể các nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ, kết nối liên thông, đáp ứng yêu cầu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp; nhu cầu sử dụng của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách bao trùm nhiều hoạt động ứng dụng CNTT.

Đến nay, 100% cán bộ, công chức có máy tính sử dụng, kết nối internet cáp quang băng rộng và mạng Truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD). Các nền tảng số/phần mềm dùng chung của cơ quan nhà nước đều được vận hành trên nền tảng điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp, bảo đảm an toàn thông tin. Hệ thống chữ ký số đã triển khai tại 21 Sở, ban, ngành, 21 huyện, thành, thị và 460/460 UBND cấp xã và 100% các đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở, ban, ngành, huyện trong tỉnh. Tính đến ngày 26/03/2024, toàn tỉnh đã có 10.368 chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp, trong đó 1.838 chứng thư số tổ chức, 8.530 chứng thư số cá nhân. Mạng TSLCD kết nối đến 849 cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã để vận hành các dịch vụ phục vụ chính quyền điện tử/chính quyền số.

Người dân giải quyết hồ sơ điện tử tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh

Trong 10 năm qua, ứng dụng phần mềm/nền tảng số trong cơ quan nhà nước đã có bước đột phá quan trọng, từ ứng dụng nhỏ lẻ trong từng cơ quan, đơn vị, thiếu kết nối, dữ liệu manh mún đã chuyển lên sử dụng các nền tảng số liên thông 4 cấp, dùng chung các ngành, lĩnh vực, cơ sở dữ liệu được quản lý, theo dõi tập trung. Ngoài ra, các ngành, lĩnh vực cũng đang đưa vào khai thác, vận hành các hệ thống thông tin ngành dọc liên thông các cấp để phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị như y tế, giáo dục, kế hoạch và đầu tư, nội vụ, tài nguyên và môi trường, tài chính, giao thông vận tải, du lịch,…

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, hoàn thành xây dựng quy chế quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước tỉnh; tổ chức nâng cấp, bổ sung chức năng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; đưa vào vận hành Hệ thống thu thập, thẩm định và chia sẻ dữ liệu tỉnh Nghệ An (data.nghean.gov.vn). Dữ liệu cơ quan nhà nước kết nối vào kho dữ liệu đều được triển khai trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), đồng thời kết nối tới nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP/NDXP) để khai thác 23 dịch vụ đã sẵn sàng cung cấp với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia. Tính đến ngày 07/02/2024, các ngành chức năng đã làm sạch 451.343/434.900 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, đạt 103,78%. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác làm sạch dữ liệu dân cư, qua đó cơ bản dữ liệu dân cư đáp ứng “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Hiện nay, 100% các thủ tục hành chính đã được công bố, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh; 100% hồ sơ được giải quyết theo quy trình điện tử và được công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Việc tổ chức thực hiện kịp thời, quyết liệt đã tạo lập được cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông rộng khắp, đồng bộ, công nghệ hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT cho cơ quan nhà nước và nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp.

Tính đến nay, 100% cán bộ, công chức và trên 50% viên chức thuộc các cơ quan nhà nước đã được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số và an toàn thông tin qua các lớp trực tiếp cũng như trực tuyến. Về bảo đảm nhân lực số cho an toàn thông tin, đến nay tỉnh Nghệ An đã tổ chức được trên 119 lớp với 4.058 lượt học viên. Để nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách/phụ trách CNTT trong các cơ quan nhà nước, hàng năm, tỉnh đều tổ chức ít nhất 02 đợt diễn tập ứng cứu sự cố máy tính cho các cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách CNTT trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW còn có một số tồn tại như: Các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành còn thiếu, lỗi thời, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các nhiệm vụ/dự án đầu tư ứng dụng CNTT/chuyển đổi số. Kỹ năng số và an toàn thông tin đối với người dân nhìn chung còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, dữ liệu, tài sản trên không gian mạng. Việc khai thác, sử dụng các phần mềm/nền tảng số dùng chung của tỉnh ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa triệt để, làm giảm hiệu quả ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số vẫn còn thiếu và yếu; chưa thu hút được nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao về làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như trong các tổ chức, doanh nghiệp...

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin đồng bộ, hiện đại

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục bám sát các mục tiêu, quan điểm, chiến lược phát triển của Trung ương để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ ở địa phương, trong đó coi trọng việc thường xuyên rà soát hệ thống các văn bản đã xây dựng để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế phù hợp, thích ứng nhanh với bối cảnh phát triển. Mặt khác, khắc phục các yếu kém trong việc đầu tư hạ tầng cho ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước; ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin vùng sâu, vùng xa đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ cho người dân vùng lõm sóng.

Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án về phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm của tỉnh đồng bộ với các hệ thống kết cấu hạ tầng khác; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có hợp phần xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin và truyền thông. Khắc phục các yếu kém trong việc vận hành, khai thác các nền tảng số dùng chung quốc gia, của tỉnh; thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong các doanh nghiệp, tổ chức; kiên trì, thường xuyên, liên tục thực hiện việc phổ cập kỹ năng số và an toàn thông tin cho người dân; đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm người dân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến một cách tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả, thiết thực và an toàn...

(Tổng hợp từ Báo cáo số 378/BC-UBND ngày 20/5 của UBND tỉnh về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế)

Tác giả: T.H (tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP