Trong suốt quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), với sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân, huyện Nghi Lộc đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Những thành tựu về xây dựng NTM đã tạo nên sự thay đổi sâu sắc, cơ bản, toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội và chất lượng của cuộc sống, môi trường ở khu vực nông thôn.
Quang cảnh về sự phát triển của huyện Nghi Lộc sau thời gian thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM. (Ảnh tư liệu) |
Để có được kết quả như ngày hôm nay, nguồn vốn đầu tư cho chương trình NTM của huyện Nghi Lộc lên đến 6.047.000 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước 2.352.283 triệu đồng, chiếm 38,9 %; Ngân sách Trung ương: 775.600 triệu đồng; Ngân sách tỉnh: 677.000 triệu đồng; Ngân sách huyện: 545.000 triệu đồng; Ngân sách xã: 354.683 triệu đồng; Vốn vay tín dụng 2.049.933 triệu đồng, chiếm 33,9%. Vốn doanh nghiệp hỗ trợ: 157.222 triệu đồng, chiếm 2,6 %. Vốn dân góp 1.487.562 triệu đồng, chiếm 24,6%.Trong đó: Tiền mặt: 536,562 tỷ đồng; Ngày công lao động (quy tiền): 250 tỷ đồng; Hiện vật quy đổi (hiến đất, giá trị tài sản): 701 tỷ đồng.
Các mô hình kinh tế mang lại năng suất cao trên địa bàn huyện. |
Từ nguồn vốn trên, huyện Nghi Lộc đã xây dựng kết cấu kinh tế - xã hội đến, cuối năm 2020 toàn huyện có 29/29 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100% 29/29 xã đạt 100%. Trong đó xã Khánh Hợp gồm xã Nghi Khánh, Nghi Hợp được công nhận đạt chuẩn trước khi sáp nhập xã), thị trấn Quán Hành đạt chuẩn văn minh đô thị.
Xác định nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của xây dựng nông thôn mới, huyện Nghi Lộc đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị vào xây dựng mô hình trên địa bàn huyện, nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc ưu tiên các mô hình sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm thị trường, hướng tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Thu hút và triển khai các dự án đầu tư vào huyện để chuyển dịch lao động nông thôn và thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển.
Công tác phòng chống dịch COVID - 19 luôn được sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. |
Trồng trọt chuyển dịch theo hướng chuyển trọng tâm sản xuất từ số lượng sang chất lượng và giá trị. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa; các giống cây trồng dài ngày, năng suất và chất lượng thấp được thay thế bằng các giống có chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Diện tích gieo trồng lúa hàng năm đạt trên 15.000 ha, sản lượng ước tính hàng năm ước đạt trên 83.000 tấn. Quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp quy mô từ 50 - 150 ha vùng, tại các xã vùng Giữa: Nghi Diên, Nghi Vạn, Nghi Hoa, Nghi Thuận, Nghi Phương, Nghi Hưng, Nghi Đồng...; hình thành các vùng sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGap (Nghi Long, Nghi Thuận, Nghi Lâm, Nghi Kiều quy mô 70 - 100 ha/vùng).
Bên cạnh đó, diện tích rau, màu hàng năm đạt trên 8.100 ha (lạc hơn 2.600 ha, rau màu hơn 1.800 ha, ngô hơn 3.700 ha); diện tích các loại cây trồng có giá trị cao tăng lên hàng năm, đến nay đã xây dựng 8 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong 25 nhà màng, gieo trồng trên giá thể, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hoàn toàn tự động với tổng diện tích 40.900 m2 (xã Khánh Hợp 10.000 m2, Nghi Long 7.900 m2, Nghi Trung 12.000 m2, Nghi Trường 3.000 m2, Nghi Thịnh 2.000 m2, Nghi Xá 2.000 m2, Nghi Thạch 1.000 m2, Nghi Phong 3.000m2), mang lại thu nhập bình quân khoảng hơn 800 triệu đồng/ha/năm;
Các mô hình tổng hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi trên quỹ đất rừng có độ dốc dưới 15 độ kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại các xã Nghi Kiều, Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Công Bắc, Nghi Công Nam, Nghi Hưng... phát huy tốt hiệu quả đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Xác định nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của xây dựng nông thôn mới. |
Trong những năm qua Huyện ủy, HĐND, UBND huyện bám sát các Chương trình, đề án, kế hoạch được phê duyệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển mọi lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiêp, xây dựng; tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ,... theo hướng giảm tỷ trọng Nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng ngành Công nghiệp-Xây dựng, Thương mại - Dịch vụ từ đó góp phần nâng cao thu nhập người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước: Năm 2010 đạt 13,20 triệu đồng/người/năm, năm 2015 đạt 28,8 triệu đồng, đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm, tăng 33,8 triệu đồng so với 2010 (Trong đó thu nhập khu vực nông thôn đạt 46,545 triệu đồng/người/năm).
Nhờ vậy, diện mạo nông thôn mới ở huyện Nghi Lộc có bước chuyển biến rõ nét, kinh tế tầng bước phát triển, an sinh xã hội được cải thiện đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo là 13,01%, đến năm 2015 giảm xuống còn 5.65%, giai đoạn 2016 2020 tỉ lệ hộ nghèo từ 5,65% giảm xuống còn 0,8%. Đây được coi là một trong những chuyển biến rõ nét trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Nghi Lộc.
Không khí trước ngày đón nhận huyện đạt chuẩn NTM. |
Trong phát triển giao thông nông thôn, cách địa phương trong huyện đã nhựa hóa, bê tông hóa 355,41 km đường từ trung tâm xã đến đường huyện, Các tuyến đường trục xã, liên xã trong huyện đạt quy mô nền đường rộng tối thiểu 6,5 m, mặt đường rộng tối thiểu 3,5 m, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Đường trục thôn, xóm và liên thôn, xóm: Tổng chiều dài 471,483 km; đã được cứng hóa đạt chuẩn 452,623 km... Đánh giá giá đến nay, 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn từ 100% trở lên so với yêu cầu Tiêu chí giao thông.
Với phương châm “Tuổi trẻ Nghi Lộc chung tay xây dựng Nông thôn mới”, “xây dựng văn minh đô thị”, Huyện Đoàn Nghi Lộc đã phát động các ĐVTN tập trung vào hoạt động tham gia xây dựng, hoàn thiện hạ tầng nông thôn; phát triển kinh tế ở nông thôn, xung kích giữ gìn an ninh và trật tự trên địa bàn. Đoàn thanh niên đã đảm nhận được nhiều công trình, phần việc thanh niên như: Vẽ con đường bích họa tại 10 đơn vị với diện tích 2.400m2; thực hiện “Đường cờ tổ quốc” tại 20 đơn vị với chiều dài 5.500m; xây dựng nâng cấp thiết chế nhà văn hóa xóm tại 11 xóm với tổng số tiền 220 triệu đồng; xây dựng khu vui chơi cho thanh thiếu nhi tại 14 đơn vị với kinh phí 450 triệu đồng; thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê” tại 20 đơn vị với số tiền hơn 600 triệu đồng…
Hội Cựu chiến binh các cấp trên địa bàn huyện cũng đã phát động nhiều phong trào đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa rộng khắp trong các cấp hội như phong trào “CCB tham gia hiến kế, hiến đất, hiến công, hiến tài sản, kinh phí” cho xây dựng nông thôn mới. Cụ thể: Đã có 5.195 hội viên hiến 124.026 m2 đất thổ cư và đất vườn, 16.350 m tường rào, hàng vạn cây cối trị giá: 45.650.000.000 đồng. Đóng góp ngày công 57.830 ngày công trị giá 11.566.000.000 đồng…
Trong 10 năm qua cán bộ công đoàn đóng góp trên 65.000 ngày công xây dựng nông thôn mới; 150 công đoàn cơ sở trên 5.000 đoàn viên đã đóng góp các quỹ xây dựng NTM do địa phương phát động trên 4 tỷ đồng, đóng góp các loại quỹ từ thiện trên 10 tỷ đồng. Xây dựng Quỹ “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ xây dựng 16 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 480 triệu đồng, đã tặng 3.005 suất quà cho đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trị giá 1,5 tỷ đồng; vận động đoàn viên ủng hộ gần 700 triệu đồng hỗ trợ các xóm xây dựng, sửa chữa, chỉnh trang nhà văn hóa và mua sắm thiết chế văn hóa. Vận động đoàn viên công đoàn tham gia vệ sinh môi trường, xây dựng cơ quan xanh, sạch, đẹp.
Sơ đồ toàn cảnh về huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. |
Mặt trận tổ quốc huyện đã bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện gắn với nhiệm vụ công tác Mặt trận, chủ động tham mưu cho cấp ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống Mặt trận tổ quốc tham gia xây dựng nông thôn mới. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng mô hình “giáo xứ đoàn kết chung tay xây dựng Nông thôn mới”, “Giáo xứ bình yên không có TNXH và không có người vi phạm pháp luật”....; chú trọng công tác tuyên truyền để nhân dân nắm vững và hiểu rõ, nhân dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” thực hiện dân chủ công khai, minh bạch, tạo niềm tin, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.
Công tác an sinh xã hội luôn được các cấp chính quyền trên địa bàn huyện Nghi Lộc quan tâm. |
Với sự góp sức, chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, dựa trên kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010 – 2020). Đây sẽ là tiền đề, động lực để Nghi Lộc phấn đấu, quyết tâm xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2030 theo chủ đề “Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững đi đôi với phát triển du lịch sinh thái”. Song song với đó là chủ động quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng các điểm, cụm dân cư nông thôn theo hướng đô thị.
Tác giả: NGUYỄN THƯỞNG - QUỐC HUY
Nguồn tin: moitruongvadothi.vn