|
Theo ghi nhận của PV, mặc dù đã bước sang tháng cuối năm nhưng thời điểm này, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Nghệ An khá yên ắng, vắng khách. Các tiểu thương nặng gánh lo âu, cắt giảm mọi chi phí để duy trì kinh doanh. Với tình hình này, nhiều tiểu thương lo ngại “mất” Tết. |
Mặc dù đã được dự báo trước do kinh tế khó khăn và xu hướng tiêu dùng thay đổi, nhiều người dân thích mua sắm online nhưng nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống cũng không nghĩ rằng năm nay lại ế ẩm như vậy. Chị Thuỷ, tiểu thương chợ Vinh cho biết: “Trong 40 năm làm nghề chưa thấy năm nào ế như năm nay. Thậm chí năm bùng phát dịch Covid-19 cũng không ảm đạm như thế. Với tình hình này chúng tôi đang lo sợ "mất" Tết. Trước đây, quầy hàng này có thể nuôi cả gia đình, nhưng mấy năm gần đây thua lỗ, nuôi bản thân mình còn khó”. |
Theo dự báo, mùa Đông năm nay đến muộn, kèm theo đó là dự báo nhiệt độ cao hơn trung bình mọi năm. Thời tiết cơ bản nắng ấm, lạnh thất thường nên các mặt hàng thời trang như: Chăn ga, áo ấm, giày, bốt và các phụ kiện khác ế ẩm. Khu tầng 2 của chợ Vinh, các quầy chăn ga, bán áo quần ngập tràn đồ đông với áo phao, áo nỉ, áo dạ, áo len… đủ các kiểu thời trang nhưng vẫn không có người mua. |
Bà Hoàng Thị Hoà, người có thâm niên bán ở chợ Vinh hơn 30 năm cho biết, trước đây đến thời điểm này làm không hết việc, khách hàng tấp nập mua sắm. Nhưng mấy năm gần đây, chợ ế ẩm, có khi đến chiều vẫn chưa mở được hàng. “Mấy năm gần đây chợ ế ẩm, nhiều chủ cửa hàng tuổi đang trẻ nên lên mạng bán oline cũng đỡ ế. Như chúng tôi già cả cũng không thể cập nhật xu thế. Cũng không thể chuyển sang làm việc khác được. Nên chúng tôi cố gắng bám chợ để duy trì cuộc sống”, bà Hoà cho biết thêm. |
Theo các tiểu thương chợ Vinh, tình hình ế ẩm kéo dài đã mấy năm nay. Đặc biệt, trong năm 2023, tình trạng ế ẩm được các tiểu thương xem là chưa từng có và chưa có dấu hiệu cải thiện mặc dù Tết đã cận kề. Các tiều thương cũng không dám nhập hàng nhiều vì sợ không bán được. |
Hiện, theo thống kê Nghệ An có hơn 370 chợ dân sinh đang hoạt động. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ và các loại hình kinh doanh hiện đại, một bộ phận người dân đã thay đổi, tiếp cận với thói quen tiêu dùng mới. Vì vậy, chợ truyền thống đối mặt với nhiều khó khăn và đang có nguy cơ mất dần vị thế. Nhiều ki ốt mặc dù đã treo biển sang nhượng cửa hàng cả năm nay nhưng vẫn chưa có người thuê lại |
Không chỉ chợ Vinh, chợ Ga Vinh, chợ Quán Lau, chợ Quán Bánh, chợ Hưng Dũng,… cũng vắng khách. Nhiều quầy treo bảng chuyển nhượng, cho thuê lại ốt, bán ốt. "Bám lại chợ chủ yếu là những người già. Hầu hết người trẻ đều chuyển nghề hoặc chuyển đổi phương thức bán hàng qua mạng. Mặc dù đã giảm giá, không nói thách nhưng vẫn không có khách mua", một tiểu thương ở chợ Vinh cho biết. |
Không chỉ ở thành phố, ở các chợ trung tâm vùng nông thôn cũng lâm vào cảnh tương tự, kinh doanh ế ẩm, không có người mua, việc lưu thông hàng hoá giảm sút. Những chợ có tiếng như Sa Nam, chợ Sen (huyện Nam Đàn), chợ Giát (huyện Quỳnh Lưu), chợ Sy (huyện Diễn Châu)… cũng đìu hiu, lượng khách hàng giảm sút từ 50-60% so với trước. |
Không chỉ mặt hàng quần áo, hàng mũ, nón trang sức thi thoảng mới có người hỏi mua, chủ yếu là mua để gửi đi cho người thân đi học, đi làm ở nước ngoài. |
Theo bà Trần Thị Mỹ Hà, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An, buôn bán trong chợ truyền thuống sẽ phải chịu rất nhiều loại thuế phí như thuế sạp, thuế vệ sinh, điện nước, mặt bằng... Dịch bệnh Covid-19 đã một phần làm thay văn hóa mới trong mua sắm. Do vậy cần phải hiện đại hóa chợ truyền thống, nếu không sẽ rất khó để phục hồi, phát triển. Những năm qua, ngành công thương tập trung tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương đẩy mạnh các dịch vụ thương mại trên nền tảng số, các giao dịch thương mại điện tử để vực dậy kinh doanh. Hiện nay, nhiều tiểu thương ở chợ vừa duy trì bán hàng truyền thống, vừa livestream bán hàng online, chủ động đẩy mạnh quảng cáo sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Đây là sự chuyển biến, thay đổi tất yếu… |
Tác giả: Minh Tâm - Hà Hằng
Nguồn tin: nguoiduatin.vn