Được biết, thị trường tiêu thụ chanh leo Việt Nam lớn nhất hiện tại là Trung Quốc. Do cơn sốt giá cuối 2016 từ thương lái Trung Quốc mà nông dân Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt trồng loại cây này. Việc trồng tự phát mà không có quy hoạch của nhà nước, hay hợp đồng tiêu thụ nên giá cả chanh leo phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, thời điểm hiện nay, thị trường Trung Quốc ngưng thu mua. Sở dĩ một số nhà vườn vẫn có thể bán được chanh leo với giá rẻ là vì hiện có một số ít thương lái thu mua để mang ra các điểm chợ bán lẻ hoặc rao bán hàng trên các trang mạng xã hội kiếm lời. Khảo sát tại khu vực Trung tâm thương mại Kon Tum, hiện giá chanh leo loại to, đẹp, không sâu bệnh bán lẻ trên thị trường dao động từ 5.000- 8.000 đồng/kg.
Chanh leo bà con nông dân Tri Lễ trồng
Trước tình hình chung về sự biến động của thị trường chanh leo cả nước, bà con nông dân trồng chanh leo tại Tri Lễ, H.Quế Phong cũng đang chịu sự ảnh hưởng rất lớn. Được biết, giá chanh leo tại Tri Lễ được doanh nghiệp thu mua với 2 mức giá (tùy theo cách phân loại chất lượng quả). Cụ thể với quả loại 1 là quả loại to, đẹp không sâu bệnh Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods đã thu mua với giá 12.000 đồng/kg. Loại 2 là số lượng còn lại sẽ được thu mua với giá 4.000 đồng/kg.
Trên thực tế, mặc dù giá chanh leo giảm mạnh, một số địa phương đang phải tìm cách để “giải cứu” chanh leo, nhưng tại xã Tri Lễ, Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods vẫn thu mua chanh leo cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động buộc lòng doanh nghiệp phải tuân theo quy luật thị trường. Theo ông Phạm Duy Thái- Giám đốc Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods: “Hiện nay giá chanh leo giảm là sự thay đổi phù hợp với quy luật chung của thị trường. Nếu so sánh với giá chanh leo tại thị trường các tỉnh Tây Nguyên, rõ ràng Công ty chúng tôi đã rất cố gắng để đảm bảo thu mua giá mua tốt nhất cho bà con nông dân tại xã Tri Lễ. Tuy nhiên, đứng trước tình trạng này, bà con nông dân không nên vì lợi ích trước mắt mà lựa chọn chanh leo quả đẹp, đảm bảo chất lượng để bán cho thương lái. Cách làm này vừa khiến cho thị trường chanh leo trong vùng phụ thuộc nhiều vào thương lái và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, mặt khác sẽ phá vỡ mối liên kết chặt chẽ giữa bà con trồng chanh leo tại Tri Lễ với Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods”.
Cũng theo ông Thái: “Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods sẽ tiếp tục thu mua chanh leo cho bà con để đảm bảo sản phẩm của bà con được tiêu thụ. Tuy nhiên, Công ty cũng rất mong bà con nông dân, các cấp chính quyền địa phương “hiểu” và làm quen dần với thị trường chanh leo trong cả nước để cây chanh leo được phát triển bền vững, lâu dài. Chúng tôi hy vọng sự thay đổi giá này chỉ là ngắn hạn, khi giá chanh leo trên thị trường tăng trở lại, chúng tôi sẽ điều chỉnh tăng giá thu mua phù hợp”.
Có thể nói rằng, chanh leo đang dần trở thành “cây thoát nghèo” cho bà con vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu. Ở huyện Quế Phong (Nghệ An), chanh leo được trồng tại các bản Yên Sơn, bản Đan 1 và bản Xan xã Tri Lễ và hiện đang được mở rộng ra các xã khác, năng suất dự kiến thu được từ 17 - 18 tấn/ha. Cho năng suất cao nên vài năm trở lại đây, cây chanh leo đã làm thay đổi diện mạo cũng như đời sống kinh tế của người dân nơi đây. Hy vọng rằng, thị trường chanh leo quả đang thất thường sẽ nhanh chóng bình ổn giá để đảm bảo đời sống cho bà con nông dân vùng trồng chanh leo trên khắp cả nước nói chung và xã biên giới Tri Lễ nói riêng.
Nguồn tin: tinnhanhonline.vn