Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An thăm và tặng quà thương binh tại khu điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An.
Thấm nhuần đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều năm qua Đảng bộ và nhân dân Nghệ An luôn đặt công tác chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công lên hàng đầu. Như đã thấm sâu vào tâm khảm, mỗi người dân ở mọi ngành nghề, lứa tuổi đều ý thức được trách nhiệm của mình đối với phong trào đền ơn đáp nghĩa và thực sự đã huy động được sức mạnh toàn xã hội.Hiện tại, Nghệ An có trên 78.000 người có công với cách mạng, với kinh phí chi trả hàng tháng trên 117 tỷ đồng. Nghệ An là tỉnh luôn thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công.
Trong thời gian qua, công tác thực hiện chính sách đối với người có công đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Thực hiện chi trả hàng tháng cho 78.000 đối tượng người có công, di chuyển và tiếp nhận 202 hồ sơ người có công, tăng mới trợ cấp chất độc hóa học cho 319 trường hợp, giải quyết mai táng phí huân, huy chương cho 486 người, phong và truy tặng 178 Mẹ Việt Nam anh hùng...
Ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, cho biết: “Nhờ sự quạn tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên công tác đền ơn đáp nghĩa được các địa phương đặt lên hàng đầu. Và chúng tôi luôn coi đến ơn đáp nghĩa như là truyền thống, đạo lý”.
Năm 2016, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An còn giới thiệu người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa đọc đi giám định y khoa, cấp giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ cho 124 trường hợp.
Các ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng và chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Nghệ An tăng cường chăm sóc người có công và các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” để người có công và thân nhân của họ có mức sống bằng hoặc cao hơn cộng đồng dân cư tại nơi cư trú, ưu tiên lo nhà ở cho gia đình thương binh, liệt sỹ, chăm sóc và tu bổ các công trình ghi công liệt sỹ.
Sở LĐ-TB&XH Nghệ An chủ động tham mưu thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách nhân dịp lễ, Tết Nguyên đán, ngày thương binh liệt sỹ.
Thực hiện tốt Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Từ đầu năm đến nay tỉnh Nghệ An đã xây mới nhà cho 92 đối tượng người có công với kinh phí gần 6 tỷ đồng, sửa chữa 100 nhà với kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thăm và tặng quà người có công với cách mạng tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Cùng với cả nước, Nghệ An là một trong những tỉnh điển hình về phong trào “Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa”. Bằng chủ trương xã hội hóa, với tinh thần tương thân, tương ái và trách nhiệm cộng đồng đã làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, 100% các hộ gia đình chính sách trong tỉnh đều có mức sống ổn định. Nghệ An đã phát huy cao độ truyền thống uống nước nhớ nguồn, góp phần chia sẻ bù đắp những khó khăn mất mát, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho các đố tượng chính sách người có công với cách mạng.
Cùng với đó, phong trào toàn dân chăm sóc nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An thường xuyên được xã hội hóa, thể hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm của mọi người dân, đối với gia đình chính sách. Các ngành chức năng đã thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội, để vận động đơn vị doanh nghiệp, cá nhân và những nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ người có công với cách mạng.
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chế độ chính sách, người có công, tạo điều kiện về nhà ở, chăm sóc sức khỏe đối với người có công, giải quyết dứt điểm những tồn đọng, vướng mắc trong thời gian qua.Thực hiện tốt việc chăm sóc, xây dựng, tôn tạo, nâng cấp mở rộng các nghĩa trang liệt sỹ, công trình tưởng niệm, ghi tên liệt sỹ, quy tập và đón nhận hài cốt liệt sỹ về an táng tại quê nhà.
Đẩy mạnh cuộc vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hóa chăm sóc người có công để tạo nguồn lực cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Quan tâm dạy nghề, tạo việc làm giúp đỡ gia đình chính sách, gặp khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế làm giàu cho bản thân, quê hương đất nước.
Ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An.
Ông Nguyễn Bằng Toàn cho biết thêm: “Bên cạnh thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc như các văn bản về giải quyết chế độ cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học còn nhiều vướng mắc, thiếu đồng bộ nhất là quy định về danh mục bệnh tật có phơi nhiễm chất độc hoá học; chế độ thăm viếng mộ liệt sỹ, hồ sơ gốc chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của cuộc sống. Công tác lưu trữ hồ sơ người có công trải qua nhiều thời kỳ, qua nhiều thế hệ cán bộ đã làm thất lạc, mất hồ sơ gây khó khăn trong việc giải quyết chế độ cho người có công và thân nhân người có công. Nhận thức của một bộ phận đối tượng và chính quyền địa phương chưa cao (như việc xác nhận chưa chính xác) nên đã ảnh hưởng đến chất lượng của việc thực “hiện chính sách trên địa bàn tỉnh”.
Để tri ân các anh hùng liệt sỹ của quê hương đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc, cũng như giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, hiện nay tất cả các huyện, xã của Nghệ An đều quan tâm đến việc xây dựng, chăm sóc đài tưởng niệm của địa phương. Việc chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương binh, gia đình liệt sỹ là tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội. Đó là thực hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Truyền thống tốt đẹp ấy đang được nhân dân ta truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự tri ân của nhân dân đối với gia đình chính sách người có công sẽ là ngọn lửa thắp sáng nhiệt huyết, tinh thần đấu tranh cách mạng cho tất cả mọi thế hệ.
Tác giả bài viết: HOÀNG TÙNG/Lao động và Xã hội