Trong tỉnh

Nghệ An: Căn hầm bí ẩn ghép bằng những viên đá suối và đất sét giữa khu rừng già

Căn hầm được ghép từ những viên đá nhỏ và đất sét rất chắc chắn, bên trong đủ rộng để làm nơi trú ẩn cho khoảng 30 người.

Căn hầm đá độc đáo

Căn hầm độc đáo này nằm giữa khu rừng già ở xã Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), được một số người dân ở xã này đi rừng phát hiện từ khoảng 25 năm trước.

Để đi vào đến hầm, sẽ phải đi xe máy khoảng 10km rồi tiếp tục đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ theo các lối mòn nhỏ.

Dẫn chúng tôi đi là ông Trần Xuân Thế (59 tuổi, trú xã Nghĩa Mai) kể lại, năm 1997, ông cùng một số người dân đi rừng hái măng thì vô tình phát hiện. Ban đầu, thấy hầm có vẻ bí hiểm nên ông và mọi người không ai dám chui vào bên trong.

Khi về nhà cứ suy nghĩ mãi nên ông Thế cùng mọi người quyết định mang theo đèn để chiếu sáng và vào trong xem đó là hầm gì. Từ đó, mọi người khám phá ra căn hầm đá độc đáo.

Sau nhiều giờ băng qua những dốc đá và nhiều con suối, chúng tôi cũng đến được căn hầm bí ẩn. Căn hầm nằm ngay bên cạnh một con suối nhỏ. Nhìn bên ngoài nếu không có sự chỉ dẫn của ông Thế thì không ai biết rằng ẩn náu sau khóm trúc già là cửa để vào hầm.

"Lâu rồi không ai đến nên lá cây lấp hết cửa vào hầm rồi. Nhưng tôi từng đến đây nên không quên được. Chỉ cần nhìn qua là biết", ông Thế vừa nói vừa dùng tay vơ hết đám lá khô ở vách đất để lộ ra cửa hầm rộng chỉ chừng nửa mét.

Cửa hầm nằm ở vách đất có cây cối che chắn và chỉ đủ 1 lần 1 người chui vào.

Rướn người cho 2 chân chui vào, ông Thế nhẹ nhàng đi vào trước rồi trấn an chúng tôi đi vào vì "bên trong an toàn lắm, chỉ có dơi trú ẩn thôi chứ không có gì nguy hiểm đâu".

Bước vào bên trong, căn hầm thiếu ánh sáng nên chúng tôi phải bật nhiều đèn pin mới có thể thấy rõ xung quanh.

Theo ước lượng, căn hầm cao khoảng 2m, đường kính khoảng 3,5m. Căn hầm này ẩn trong lòng đất, vách tường hầm được bao bọc bằng đất sét. Hầm đủ rộng để chứa được khoảng 30 người trú ẩn.

Trong hầm rộng chừng 9m2, đủ cho hàng chục người trú ẩn.

Đặc biệt phần mái của căn hầm được ghép bằng những viên đá suối và đất sét nung. Cứ một viên đá to được chèn bằng những viên đá nhỏ để tạo sự liên kết chắc chắn cho mái hầm. Hàng trăm viên đá được ghép nối thành một mặt phẳng đá tròn xoáy vào trong rất độc đáo, nghệ thuật.

Cửa hầm được ghép bằng các phiến đá lớn, gắn kết bằng đất vừa đủ để 1 người chui lọt vào trong. Toàn bộ căn hầm không hề có dấu tích của xi măng hay sắt thép nhưng rất kiên cố, bên trong hầm không hề bị thấm dột hay nóng dù trời mưa lớn hay nắng nóng.

Bên trong hầm còn có 3 hốc nhỏ được thiết kế xung quanh vách hầm để làm bếp hoàng cầm. Phía trên 3 hốc nhỏ có những đường dẫn để thoát khó và không khí. Những chiếc bếp này vẫn còn dấu tích ám khói đen được đun bằng dầu hỏa.

"Ngày đầu mới phát hiện, chúng tôi đi vào thì phát hiện có nhiều bát sắt B52 dùng để ăn cơm và một số đồ dùng khác vẫn nguyên vẹn nằm cạnh bếp. Trải qua hàng chục năm, nhiều người đi rừng họ vào đây nên họ lấy đi mất các vật dụng", ông Thế chia sẻ.

Trong căn hầm này có 3 hốc nhỏ chế làm 3 bếp hoàng cầm có ống khói thông ra ngoài. Trên bếp còn để lại dấu vết nhọ của việc nấu nướng.

Có thể vẫn còn nhiều căn hầm bí mật khác?!

Theo những người cao tuổi ở xã Nghĩa Mai, những năm 1972-1973, quân giặc ném bom khu vực này rất ác liệt. Lúc ấy tại xã còn có xưởng đại tu, chuyên làm máy mở đường chiến lược nên giặc muốn tàn phá nơi này. Để quân đội trú ẩn, họ đã tạo ra nhiều hầm trong rừng để ẩn náu.

"Có thể vẫn còn nhiều căn hầm tương tự như thế này trong rừng nhưng chưa ai phát hiện ra", một người dân địa phương nói và cho biết, duy nhất chỉ căn hầm này được phát hiện trong nhiều năm qua.

Ông Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết, đây là căn hầm trú ẩn duy nhất được người dân phát hiện từ trước tới nay trên địa bàn. Trải qua hàng chục năm, hiện căn hầm này vẫn đang nguyên vẹn. Chính quyền xã cũng đã tuyên truyền người dân, đặc biệt là những người thường đi rừng cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ.

Tác giả: Ngọc Tú

Nguồn tin: Trí thức trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP