Trong tỉnh

Nghệ An: Cán bộ thú y đưa dấu “kiểm soát giết mổ” cho chủ lò mổ giữ hộ

Mặc dù theo quy định, quy trình kiểm tra trước trong và sau giết mổ ở các lò mổ tập trung phải do cán bộ thú y, nếu đủ điều kiện sẽ được đóng dấu “kiểm soát giết mổ”. Thế nhưng, ở xã Diễn Mỹ, Diễn Châu cán bộ thú y lại giao dấu cho chủ lò mổ thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của các cấp về việc thực hiện các biện pháp nhằm ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi. Từ ngày 17/01/2019 UBND huyện Diễn Châu-Nghệ An đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-UBND, Ban hành kế hoạch phòng chống, ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Diễn Châu. Sau đó là các quyết định về việc thành lập đoàn công tác triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống và ngăn chặn xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn huyện Diễn Châu.

Thế nhưng mới đây, nhiều người dân xã Diễn Mỹ cảm thấy vô cùng hoang mang, lo lắng khi hay tin con dấu kiểm soát giết mổ (“KSGM”) được Trạm Chăn nuôi và Thú y Diễn Châu giao cho cán bộ Thú ý xã Diễn Mỹ là ông Đậu Ngọc Thưởng (SN 1965) quản lý, nhưng ông Thưởng thay vì quản lý, kiểm tra và giám sát việc giết mổ ở lò giết mổ tập trung của địa phương theo quy định, lại đưa luôn con dấu “KSGM” cho chủ lò mổ của ông Hoàng Văn Mạnh đóng trên địa bàn xã.

Cơ sở giết mổ tập trung xã Diễn Mỹ, nơi cán bộ thú y đang buông lỏng việc kiểm soát giết mổ.

Theo tìm hiểu được biết, ở huyện Diễn Châu có 36 cơ sở giết mổ tập trung được cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động. Cơ sở giết mổ gia súc tập trung đóng trên địa bàn xã Diễn Mỹ nằm trong số đó, cơ sở này được đầu tư xây dựng năm 2008 trên diện tích 1.360m2, được nhà nước giao lâu dài. Vốn đầu tư do ông Mạnh và 2 người dân địa phương đóng góp. Năm 2016, cơ sở giết mổ này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An thẩm định và hỗ trợ 148 triệu đồng, nhằm nâng cấp cho cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trung bình mỗi ngày cơ sở này giết thịt khoảng 15 con lợn, trong đó có một số tiểu thương ở các xã lân cận cũng mang đến thực hiện việc giết mổ lợn tại đây. Với mỗi con lợn, cơ sở này sẽ thu 26.000 đồng, trong số tiền đó UBND xã Diễn Mỹ thu 6.000 đồng, cán bộ thú ý thu 2.000 để đóng dấu “KSGM”, phục vụ cho việc kiểm soát thịt lợn đảm bảo yêu cầu trước khi được đưa ra thị trường.

Sau khi nắm bắt được thông tin dư luận về việc dấu “KSGM” được cán bộ thú y xã Diễn Mỹ giao cho chủ lò mổ sử dụng. Ngày 28/2, cán bộ Trạm Thú y và Chăn nuôi Diễn Châu đã gọi điện yêu cầu ông Thưởng (Cán bộ thú y xã Diễn Mỹ) mang dấu lên Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện để kiểm tra. Tuy nhiên lúc đó, do đang bận đi cỗ cưới ở xa nên ông Mạnh (chủ lò mổ) đã mang con dấu lên giao nộp.

Trước đó, UBND huyện Diễn Châu đã ban hành các Chỉ thị, văn bản, quyết định về việc ứng phó khẩn cấp với Dịch tả lợn Châu Phi, nhưng ở cơ sở đã không nghiêm túc thực hiện

Cho rằng ông Thưởng đã thiếu trách nhiệm trọng việc quản lý con dấu cũng như nhằm chấn chỉnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ đúng theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng sử dụng con dấu tùy tiện, trái với quy định, ông Nguyễn Trọng Bốn – Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú ý đã quyết định giữ con dấu lại để Trạm Chăn nuôi và Thú y quản lý, trong khi chờ kết quả làm rõ sự việc trên. Đồng thời giao cho ông Nguyễn Văn Ngọc - Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y Diễn Châu tạm thời kiểm tra việc giết mổ ở lò Diễn Mỹ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Bốn – Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y Diễn Châu cho biết: “Cán bộ thú y ở địa bàn xã Diễn Mỹ được giao con dấu đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu trong công việc có khó khăn ông Thưởng nên đề xuất để Trạm Thú y nắm được tình hình, cũng như hỗ trợ khi cần, nhưng ông Thưởng lại đưa con dấu cho chủ lò mổ là không được”.

Ông Bốn cũng thừa nhận “Trách nhiệm một phần do cơ quan quản lý. Ngoài ra cán bộ phụ trách thú ý cơ sở (ông Thưởng) đưa ra các lý do như tuổi cao, sức yếu, phụ cấp thấp (1 tháng được khoảng 1 triệu đồng ) nên không làm nữa. Thế nhưng việc con dấu để cho chủ lo mổ “tự biên tự diễn” mà không thông báo cho Trạm Thú y, hay chính quyền địa phương là trái với quy định”.

Ông Nguyễn Trọng Bốn – Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y cho rằng cán bộ địa phương đã không là tròn trách nhiệm của mình

Trao đổi qua điện thoại với ông Thưởng về việc có hay không con dấu được ông đưa cho ông Mạnh giữ, ông Thưởng có thừa nhận việc trên. Và qua biên bản làm việc ngày 21/3/2018, tại UBND xã Diễn Mỹ do ông Nguyễn Trọng Bốn làm trưởng đoàn số 2, trong đó có ghi nhận lại ý kiến phát biểu của ông Thưởng (Cán bộ Thú y xã): “Tuổi cao, sức yếu, giao dấu cho cơ sở giết mổ đóng”.

Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: “Phòng và huyện cũng đã nắm được vấn đề này. Tuy nhiên trong quy trình thu giữ con dấu của Trạm Thú y và Chăn nuôi Diễn Châu chưa được đúng theo quy định, tuy nhiên do phải xử lý khẩn cấp nên mới như vậy”.

Rõ ràng việc việc kiểm tra trước, trong và sau giết mổ ở đây là có vấn đề và không biết từ khi nào? Và không ai dám khẳng định rằng, khi có con dấu “KSGM” được cán bộ thú y giao cho chủ lò mổ tự đóng, thì liệu có hay không những con lợn ốm, hay bị bệnh nhưng vẫn được kiểm tra và đóng dấu để đưa ra thị trường tiệu thụ?

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP