Ngày 13/5/2016, Thủ tướng Chính phủ Lào ban hành Chỉ thị 15 chấm dứt việc xuất khẩu các loại gỗ chưa thành phẩm được khai thác từ rừng tự nhiên. Chủ trương này đã có tác động trực tiếp đối với các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam.
Ở Nghệ An, sau khi Chỉ thị có hiệu lực, số doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu gỗ đã giảm hơn 41% so với năm 2015. Hiện khó khăn nhất là các doanh nghiệp đã bỏ kinh phí lớn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng tại các địa phương của Lào và được thanh toán giá trị hợp đồng bằng gỗ.
Tại cuộc làm việc, đại diện Sở Công thương Nghệ An cho biết: Đến ngày 31/3/2017, có 28 doanh nghiệp đã có đơn đề nghị các cấp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay. Trên cơ sở những khó khăn của doanh nghiệp, tỉnh Nghệ An cũng đã đề nghị Bộ Công thương có văn bản gửi Chính phủ Việt Nam kiến nghị Chính phủ Lào cho phép thực hiện các hợp đồng đã được ký kết trước thời điểm ban hành Chỉ thị 15. Đồng thời, với các doanh nghiệp đã tập kết gỗ tại các khu vực biên giới nếu được phía Lào đồng ý thì Việt Nam cũng cần có cơ chế linh hoạt trong chính sách để doanh nghiệp nhập khẩu qua các lối mở biên giới.
Thống nhất với những nội dung mà tỉnh Nghệ An đề xuất, đại diện đoàn công tác, Bà Dương Phương Thảo ghi nhận những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu gỗ của Nghệ An. Để giải quyết những vấn đề này, đoàn công tác sẽ đề xuất Bộ Công thương có văn bản trực tiếp đề nghị với Chính phủ hoặc lấy ý kiến từ các Bộ, ngành nhằm sớm có những giải pháp tháo gỡ.
Tác giả bài viết: Xuân Hướng – Duy Thanh
Nguồn tin: