Để kiểm tra số điện thoại của mình có thông tin thuê bao chính xác, chính chủ hay chưa, người dân có thể soạn tin nhắn TTTB gửi 1414. Nếu tin nhắn trả về thông báo, bạn cần cập nhật lại thông tin thuê bao chính xác. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Chiều 7/12, tại họp báo thường kỳ tháng 12/2023, đại diện Cục Viễn thông đã trả lời câu hỏi của phóng viên, báo chí liên quan đến việc tắt sóng mạng 2G; việc quản lý sim rác, ngăn chặn các tin nhắn, cuộc gọi không mong muốn.
Xây dựng quy trình xử lý các thiết bị không còn sử dụng, bảo vệ môi trường xanh
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết cả nước hiện còn khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Các nhà mạng đã có kế hoạch giảm dần số, tiến đến mục tiêu tháng 9/2024 sẽ không còn những thuê bao này.
Đến năm 2030, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ bắt đầu công nghệ 6G, vì vậy, các điện thoại công nghệ 2G sẽ không còn được sử dụng, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.
Để chuẩn bị lộ trình tắt sóng 2G, một loạt chính sách đã được đưa ra. Tháng 7/2021, Bộ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất, bắt buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Bên cạnh đó, giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng để triển khai mạng 2G sẽ hết hạn vào tháng 9/2024; do đó, việc tắt sóng 2G là lộ trình không thể đảo ngược.
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng lớn tắt sóng 2G, 3G ở những khu vực có nhu cầu dịch vụ thấp, quy hoạch lại các băng tần 1800MHz, 1900MHz, tới đây sẽ không phục vụ cho máy 2G Only…
Cùng với đó, các nhà mạng tính đến phương án khóa, không để các dòng máy 2G gia nhập mạng mới, chỉ duy trì những điện thoại 2G hiện đang sử dụng trên hệ thống.
Liên quan đến việc xử lý các thiết bị 2G khi hết hạn sử dụng, không để ảnh hưởng đến môi trường, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã thông tin các thiết bị đầu cuối khi không còn sử dụng sẽ là rác thải điện tử, có quá trình thu gom riêng.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành với các doanh nghiệp xây dựng quy trình thu gom những thiết bị điện tử, thiết bị khác khi không còn sử dụng để bảo đảm môi trường xanh.
Tăng cường truyền thông đến người sử dụng, hạn chế cuộc gọi không mong muốn
Liên quan đến việc mạo danh các doanh nghiệp thông qua các đầu số 1900 để thu phí giá cao với người dùng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã nêu rõ Thông tư số 27/2021/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT ngày 22/12/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy hoạch kho số viễn thông đã quy định số dùng chung là số được dùng chung giữa cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các vùng đánh số khác nhau để cung cấp cùng một loại dịch vụ, phục vụ lợi ích công cộng trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội... của nhà nước, nghiệp vụ điều hành khai thác mạng, dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông. Số dùng chung không được sử dụng cho mục đích kinh doanh.
Một tin nhắn của bọn lừa đảo dụ dỗ nạn nhân nộp thêm tiền để rút số tiền ảo trong tài khoản. (Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp) |
Theo đó, các doanh nghiệp được phân bổ đầu số 1900 phối hợp với doanh nghiệp cung cấp nội dung cho khách hàng. Đây là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp dịch vụ nội dung, Bộ không có thẩm quyền phân chia.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4, điều 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người dùng cần "thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng". Bên cạnh đó, điều 10 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Liên quan đến việc quản lý sim rác, cuộc gọi rác, ông Nguyễn Phong Nhã nêu rõ thời gian qua đã có sự phối hợp, chung tay giữa cơ quan quản lý, các nhà mạng và đại lý sim, góp phần giảm thiểu tình trạng sim rác, cuộc gọi không mong muốn.
Cụ thể, tháng 9/2023 có 1,4 triệu thuê bao, đến tháng 10/2023 đã giảm còn 1,23 triệu thuê bao. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các nhà mạng tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao; yêu cầu khóa hai chiều và thu hồi sim đã kích hoạt sẵn; tăng cường định danh cuộc gọi cho cơ quan nhà nước.
Đây là các biện pháp đã và sẽ được triển khai quyết liệt. Đồng thời, Bộ khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, quy định rõ các quy định liên quan đến nội dung này.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục truyền thông đến người sử dụng để nâng cao ý thức, tránh nhấn vào đường link lạ; không cung cấp số tài khoản, mật khẩu cá nhân. Cục Viễn thông sẽ đề xuất Bộ tăng cường gửi tin nhắn truyền thông đến người dùng.
Các doanh nghiệp rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát thuê bao mới vào mạng, thuê bao sở hữu nhiều sim, nhắn tin vượt quá số lượng tin nhắn trung bình hàng ngày của nhà mạng.
Nếu người dân nhận được tin nhắn, cuộc gọi bất thường cần thông tin đến tổng đài 5656 của Cục An toàn thông tin để được hỗ trợ./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn