Nhà đẹp

Ngắm những phòng bếp cũ kĩ trở nên rạng ngời sau khi trang hoàng

Cùng chuyên mục Nhà Hay ngắm nhìn sự “thay da đổi thịt” của những phòng bếp cũ kĩ trở nên đẹp rạng ngời sau khi được trang hoàng lại.

Căn bếp gần như là không gian độc quyền để các bà "nội tướng" trổ tài nấu nướng khéo léo của mình. Thế nhưng, một căn bếp xấu xí và buồn tẻ liệu có thể khơi gợi cảm hứng cho bạn? Câu trả lời chắc chắn là không. Sự thay đổi tại không gian này là rất cần thiết để tạo cảm hứng cho bạn nấu những món ngon gắn kết gia đình. Cùng chúng tôi ngắm nhìn sự “thay da đổi thịt” của những căn bếp xấu xí trở nên đẹp rạng ngời sau khi trang hoàng lại nhé.

1. Căn bếp chật chội trở nên cởi mở

Nếu gia đình bạn thường xuyên tiếp đón bạn bè đến chơi nhà và dùng bữa thì căn bếp này trông thật ảm đạm và không hề thân thiện. Tường, sàn nhà, nội thất cùng màu sắc của nó tạo nên sự thô cứng và chật chội. Xoong nồi được treo phía trên bếp cũng thiếu hẳn tính thẩm mỹ… Mục tiêu chính được đặt ra cho căn bếp này là biến nó thành một không gian mở, thành khu vực trung tâm – nơi mà chủ nhân có thể thoải mái tương tác với những vị khách của mình.

Căn bếp cũ ảm đạm, cũ kỹ.

Sau khi cải tạo, ta thấy phòng bếp đã được mở rộng về hai bên với những ô cửa sổ nhằm tiếp nhận tốt nguồn ánh sáng từ thiên nhiên. Màu tường trắng làm cho không gian trở nên rộng rãi và thoáng mát. Sàn bếp bằng gạch màu be sáng cũng ấm áp và thân thiện hơn rất nhiều so với những viên gạch xám xịt ban đầu. Những chiếc tủ lưu trữ được tận dụng triệt để thu gọn căn phòng. Quầy bar mini xinh xắn không chỉ cung cấp thêm chỗ ngồi cho khách còn là vách ngăn lửng phân cách khu bếp nấu với phòng ăn và các không gian khác.
Gam màu sáng khiên căn bếp thoáng đãng hơn.

2. Không gian lỗi thời trở nên hiện đại

Dễ dàng nhận thấy căn bếp này có ưu thế về bề dài nhưng lại hẹp bề rộng. Cách bày trí cồng kềnh của căn bếp rất dễ làm cho người ta có cảm giác như họ đang sống vào những năm 90 của thế kỷ XX. Yêu cầu cấp bách trong trường hợp này là phải nhanh chóng loại bỏ những nội thất lỗi thời, thay vào những món nội thất hiện đại, bắt mắt và “phù phép” cho căn bếp trở nên rộng rãi hơn.
Nội thất cồng kềnh khiến phòng bếp thêm chật hẹp.

Hệ thống kệ cồng kềnh ban đầu được thay thế bằng loại kệ hẹp hơn. Tận dụng chiều cao và dài của không gian ban đầu, chủ nhân của nó đã sử dụng tối đa các loại kệ gắn trên tường để tiết kiệm diện tích. Những chiếc đèn nhỏ đã được bổ sung, lắp đặt dọc trần nhà để không gian nơi này vào buổi tối sáng và rộng hơn. Bếp và bồn rửa lạc hậu được đầu tư thay mới đã mang làm cho căn bếp trở nên đẹp và hiện đại hơn nhiều.
Hệ thống tủ lưu trữ nhỏ và dài giúp phòng bếp gọn gàng hơn.

3. Không khí tươi vui thay thế sự giản dị

Đối với một bà nội trợ dễ tính thì đây quả là một căn bếp đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu về không gian nấu nướng, nội thất đầy đủ, tiện nghi. Tuy nhiên, với diện tích không phải là chật hẹp thì việc gói gọn nó với chức năng nấu nướng sẽ là hơi phí phạm. Bạn hoàn toàn tận dụng không gian nơi đây để tăng thêm chỗ ngồi cho các thành viên cũng như khách đến chơi nhà.

Căn bếp rộng nhưng bài trí chưa thực sự khoa học.

Từ sự giản dị ban đầu, không gian này đã trở nên sống động và đa chức năng hơn. Tủ kệ được đưa hết về một phía với tông màu trắng giúp "ăn gian" diện tích. Ấn tượng nhất là sự góp mặt của chiếc bàn màu xanh nhạt rất tươi vui và bắt mắt. Sự kết hợp của hai màu trắng – xanh trong căn bếp này là vô cùng hợp lý, bạn sẽ có được một không gian nấu nướng hài hoà, dịu mát. Đồng thời, ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ lớn cũng giúp cho không gian thoáng đãng và tươi sáng hơn.
Bếp nấu kiêm thêm chiếc bàn ăn phụ tiện ích và gọn gàng.

Tác giả bài viết: Hạ Mạt

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP