► Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: Cần nhiều công sức cho xây dựng đề thi
Dự thảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 của Bộ có nhiều ưu điểm vì nó hạn chế được học lệch, giảm số ngày thi và tránh được tình trạng ảo trong xét tuyển nhưng học sinh lại học nhiều môn hơn dẫn đến vất vả hơn.
Chúng ta biết rằng, môn toán là nền tảng cho các môn học khác, được xem như là bộ não của con người. Do đó, môn toán có nên thi trắc nghiệm không?
Được biết, năm học 2007 – 2008 môn toán dự kiến thi theo hình thực trắc nghiệm nhưng không thành. Bộ cần lấy ý kiến các chuyên gia, giáo viên và học sinh trên các vùng miền để có quyết định phù hợp. Theo tôi, nếu môn toán thi theo hình thức trắc nghiệm thì có 5 nhược điểm sau:
1. Không đào sâu kiến thức của học sinh vì số lượng câu hỏi trong đề thi tương đối nhiều và lượng câu hỏi khó ít đi, điều này hạn chế năng lực tư duy sáng tạo của học sinh.
2. Không thấy được khã diễn đạt bằng lời của học sinh. Đây là yếu tố quan trọng của giáo viên khi truyền đạt năng lực ngôn ngữ cho học sinh.
3. Không thấy rõ một quá trình tư duy của học sinh thông qua các bước khi gặp một bài toán tương đối khó và phức tạp.
4.Yêu tố may mắn trong làm bài có thể xảy ra. Thi trắc nghiệm không học vẫn có điểm vì đánh lụi, còn thi tự luận không học sẽ không có điểm.
5. Thứ tự trình bày lời giải bài toán được thay bằng “thủ thuật” làm sao tốn ít thời gian để có kết quả nhanh nhất làm như vậy mất đi tính sư phạm của nền giáo dục.
Thiết nghỉ rằng, quá trình dạy và học môn toán là quá trình thường xuyên và lâu dài. Để nâng cao chất lượng dạy và học môn toán nói riêng, đào tạo người lao động phát triển toàn diện nói chung thì liệu chúng ta có nên thay thế hoàn toàn hình thức thi tự luận bằng hình thi trắc nghiệm trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh ở trường phổ thông hiện nay hay không?
Tác giả bài viết: Thạc sĩ: Nguyễn Quang Thi, Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng