Theo phương án của Bộ GD-ĐT, thi THPT sẽ có 5 bài thi, trong đó 2 bài thi tổng hợp là khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Áp dụng hình thức thi như vậy khi học sinh (HS) chưa học và kiểm tra ở trường phổ thông theo hình thức này có gây khó khăn không?
Việc kiểm tra đánh giá xét cho cùng là để đánh giá năng lực của người học. Vì vậy, người học cần thể hiện được năng lực của mình bằng kết quả làm bài. Nếu đề thi hoàn toàn nằm trong khuôn khổ kiến thức, kỹ năng của chương trình phổ thông thì việc bài thi có tích hợp hay không cũng không quan trọng. Tất cả chúng ta đều chưa nhìn thấy đề thi tích hợp thực tế như thế nào nên tôi cho rằng các phản đối hiện nay là chưa đủ cơ sở.
Nếu chúng ta chưa hiểu rõ bài kiểm tra đó như thế nào mà phản đối thì đó là phản đối về sự thay đổi. Vấn đề là liệu giáo dục VN có cần thay đổi hay không? Hiện nay ngay cả những quốc gia tiên tiến vẫn có những cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục. Ví dụ như tại Mỹ, khảo sát mới đây khi áp dụng tiêu chuẩn giáo dục mới theo Common Core, điểm số của HS đã giảm so với năm 2013 khi tiêu chuẩn này chưa được áp dụng rộng rãi. Lập tức có rất nhiều phụ huynh và HS phản đối. Tuy nhiên, những chuyên gia giáo dục, những thầy cô giỏi vẫn lên tiếng bảo vệ thay đổi này vì cho rằng HS đã có được nhiều kỹ năng hơn về giải quyết vấn đề và được suy nghĩ nhiều hơn là chỉ học kiến thức.
Việc dự kiến áp dụng đồng loạt hình thức thi trắc nghiệm (trừ môn văn) cũng đang khiến dư luận băn khoăn. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Thi trắc nghiệm luôn được coi là công cụ vô cùng hữu hiệu để thực hiện các đánh giá mang tính khách quan cao, đặc biệt hiệu quả khi được sử dụng cho các bài thi trên diện rộng và kiến thức chuẩn hóa.
Lợi thế lớn nhất của thi trắc nghiệm là tính chính xác và chi phí thấp. Nếu như thi luận luôn có vấn đề về sai sót và nhầm lẫn thì với trắc nghiệm có thể áp dụng máy chấm với chi phí rất thấp và gần như không có khái niệm phúc tra điểm. Khả năng gian lận trong quá trình chấm bài cũng rất thấp. Chính vì những lý do như vậy mà thi trắc nghiệm được các quốc gia áp dụng cho hầu hết các kỳ thi mang tính quốc gia. Các bài thi trắc nghiệm thường được nhắc đến nhiều nhất như IELTS, TOEFL, SAT, ACT, GMAT có tính chuẩn hóa cao và áp dụng cho các môn tiếng Anh hay toán. Tôi cho rằng áp dụng thi theo cách thức này là phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu hóa và cải cách lần này đang tiến gần hơn đến các chuẩn mực trên thế giới.
Về ý kiến cho rằng kết quả thi trắc nghiệm không phân loại được HS giỏi hoặc tư duy của HS thì cũng chưa thực sự thuyết phục. Ví dụ như kỳ thi SAT hay TOEIC được coi là đánh giá rất sát với năng lực thực của người học. Hơn nữa cũng không nên coi kết quả thi THPT là căn cứ duy nhất để đánh giá năng lực người học. Các trường ĐH đang giảng dạy các ngành rất khác nhau và cần những năng lực khác nhau. Cách sử dụng một thang đo duy nhất như hiện nay là không phù hợp và các trường ĐH cần chủ động thay đổi phương pháp tuyển sinh của mình.
Ông có đề xuất, góp ý gì xung quanh dự thảo phương án thi và tuyển sinh năm 2017 và các năm tiếp theo?
Tôi cho rằng nếu chỉ có một lần thi tốt nghiệp THPT trong một năm là quá ít và mang tính áp lực, rủi ro cao. Từ đó tạo cảm giác căng thẳng mỗi khi đến kỳ thi hằng năm. Bộ hoàn toàn có thể cho phép các sở tổ chức thi tốt nghiệp nhiều lần trong một năm. Với điều kiện hiện nay của VN, thi tốt nghiệp khoảng 3 - 4 lần mỗi năm là hợp lý. HS có thể đăng ký thi ngay cả khi chưa học xong chương trình hoặc sau đó. Có thể thi cùng lúc tất cả các môn hoặc thi riêng lẻ từng môn để có sự chuẩn bị tốt nhất. Chính vì áp lực vào một đợt thi nên đến lớp 12, gần như tất cả các trường THPT đều tập trung vào việc luyện thi cho HS mà không chú ý đến việc học tập toàn diện.
Tăng số lần thi thì việc thi cử sẽ không còn là áp lực nặng nề nữa. Đây cũng là xu thế của thế giới mà chúng ta cần thực hiện theo.
Tác giả bài viết: Tuệ Nguyễn