Giáo dục

Năm 2017: Thả cửa vào đại học!

Năm 2017, lần đầu tiên có một kỳ tuyển sinh mà thí sinh được thả cửa vào đại học, được thoải mái đăng ký trường, thoải mái đăng ký vào ngành mà mình thích không giới hạn. Còn các trường đại học cũng thoải mái lựa chọn thí sinh. Tuy nhiên, thương hiệu của các trường sẽ chịu sự đánh giá của xã hội.

Tuyển sinh 2017: Bỏ quy định điểm sàn đại học, không giới hạn nguyện vọng xét tuyển

Thể hiện uy tín của trường


Chỉ ra những điểm thuận lợi trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2017, ông Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, dự thảo quy chế tuyển sinh mới rất thông thoáng, có lợi cho cả các trường và thí sinh. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng, số trường, số ngành không giới hạn. Đây là chính sách mở đầu vào, thắt đầu ra đại học, Bộ sẽ tăng cường giám sát suốt quá trình học và đặc biệt là chuẩn đầu ra.

Bên cạnh đó, việc bỏ điểm sàn có lợi cho các trường nhất là các trường tốp dưới vì các trường tốp trên thường không bị ảnh hưởng gì bởi trước đây điểm sàn riêng của các trường thường đã cao hơn điểm sàn của Bộ.

Theo ông Triệu, việc cho thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng trước khi thi là có lợi cho các trường để biết có khoảng bao nhiêu thí sinh đăng ký; việc quy chế cho thí sinh sửa nguyện vọng bằng hình thức online rất tốt, không rườm rà, không sai sót hồ sơ đăng ký như các năm trước. Việc bộ sửa những lỗi nhỏ này đã tạo ra lợi ích rất lớn.

Tuy nhiên, ông Triệu băn khoăn cho rằng, với những điểm thuận lợi trên cho các trường đại học thì các trường sẽ khó khăn trong tuyển sinh vì các trường đại học tốp dưới sẽ tuyển nhiều hơn.

Việc lo lắng của nhiều người là tuyển sinh ồ ạt dẫn tới chất lượng kém? theo ông Triệu, bây giờ không phải 10 năm trước. Thí sinh, phụ huynh đã nhận thức rõ việc học đại học. Năm trước có 20% thí sinh có điểm trên điểm sàn nhưng không học đại học mà đi học nghề. Đặc biệt, phong trào khởi nghiệp hiện nay rất mạnh nên nhận thức xã hội thay đổi. Do vậy, các trường muốn thu hút thí sinh chỉ bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để tạo uy tín xã hội. Bởi, phụ huynh và thí sinh bây giờ tính toán rất kỹ khi học đại học vì họ đầu tư sức lực, thời gian, tiền bạc...thậm chí cả tương lai vào chọn trường nên cân nhắc hơn, họ không ăn "sổi" nữa.

"Tuyển sinh năm nay tôi nghĩ sẽ nhẹ nhàng, công khai, minh bạch. Có lợi cho thí sinh và cho những trường làm nghiêm túc" - ông Triệu khẳng định.

Tuyển sinh 2017: Thí sinh thoải mái lựa chọn trường học, ngành học

Tuy nhiên, ngược lại với ý kiến trên, một lãnh đạo của một trường đại học thuộc tốp đầu của Hà Nội cho rằng, muốn sản phẩm tốt thì phải lựa chọn nguyên vật liệu đầu vào tương ứng. Học sinh phải có năng lực học tập, năng lực nghiên cứu thì mới đáp ứng được như cầu đầu ra của đại học. Tôi muốn duy trì ngưỡng đầu vào vì ngưỡng là để xác định chuẩn tối thiểu thí sinh vào học đại học.

Bộ có nói lý do quản lý chặt trong quá trình học tập nhưng tôi cho như vậy quá lãng phí, nếu biết chất lượng kém như vậy thì sao không loại ngay từ đầu. Cần chấp nhận vào bao nhiêu ra bấy nhiêu. Mở rộng đầu vào như vậy sẽ lãng phí chi phí xã hội.

Theo vị lãnh đạo này, không hạn chế đăng ký nguyện vọng xét tuyển sẽ không ổn. Không thể tốt nghiệp phổ thông là bằng mọi cách vào được đại học, không vào trường này thì vào trường kia, không đợt 1 thì đợt 2, không nguyện vọng này thì nguyện vọng kia. Thí sinh muốn học cái gì cũng được. Cần phải xem lại. Nếu thực hiện nguyện vọng như vậy thì các trường cao đẳng, các trường nghề có dễ dàng trong tuyển sinh hay không?. Nếu tuyển sinh như thế này, nhiều trường ngoài công lập sẽ tìm mọi cách gọi mời "vơ vét" thí sinh.

"Thả cửa" vào đại học là kéo theo chất lượng đầu vào không đảm bảo. Còn đầu ra theo 2 quan điểm, thứ nhất, xét về lợi ích của các trường sau tuyển sinh cho dễ thì vào bao nhiêu ra bấy nhiêu hoặc tiêu cực trong đào tạo; thứ hai, là các trường nghiêm túc sẽ thắt chặt đầu ra, ai đủ điều kiện mới tốt nghiệp thì đó cũng là lãng phí chi phí xã hội bởi vì biết đối tượng đó quá kém không học được" - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Bỏ điểm sàn là tất yếu!

Trước đó, trao đổi với Dân trí về điểm sàn, GS.TS Phạm Văn Điển - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam phân tích, nhìn từ gốc tọa độ của biểu đồ phương thức tuyển sinh ở nước ta hiện nay, nhiều người sẽ ủng hộ việc duy trì điểm sàn với lý lẽ thuyết phục. Tuy nhiên, từ viễn cảnh của triết lý giáo dục tiên tiến và thực tiễn nền giáo dục quốc tế, bỏ điểm sàn là một cách làm tất yếu. Bỏ điểm sàn, hiểu rộng ra là bỏ cách tư duy và hành động đã cũ, để làm theo cách mới nhằm đem lại hiệu quả khác biệt.

Xét cho cùng, việc định ra điểm sàn chỉ mang tính kỹ thuật thuần túy, chưa mang tính "quản lý vĩ mô" hay "giám sát" của cơ quan Nhà nước cấp trung ương. Việc bỏ điểm sàn, các trường sẽ tự chủ tuyển thí sinh dựa vào điểm của một hoặc một số môn thi nào đó phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo (chẳng hạn, ngành thiết kế nội thất cần căn cứ vào điểm của môn Vẽ mỹ thuật; ngành du lịch sinh thái có thể căn cứ vào điểm thi môn Địa lý), kết hợp với kiểm tra thêm kiến thức khác để xét chọn (nếu cần).

Cách làm này sẽ giúp cho tất cả các môn học ở bậc phổ thông đều được chú trọng, đồng thời hạn chế sự cứng nhắc của khối thi, vốn là một nhân tố rào cản cho việc chọn ngành đối với nhiều thí sinh vì không phù hợp với sở trường, năng khiếu của họ.

Hơn nữa, trong trường hợp này, các trường sẽ tự chủ xây dựng tiêu chí tuyển sinh cho từng ngành học, chủ động vận hành hoạt động tuyển sinh (trong một năm có thể tuyển sinh thành nhiều đợt - một hình thức giảm tải trong khi cho phép tăng qui mô và phù hợp với đào tạo theo tín chỉ).

Các trường sẽ tổ chức đào tạo, phát triển các nguồn lực cần thiết, đồng thời chịu sự đánh giá, kiểm định chất lượng của các tổ chức độc lập và của các đối tượng sử dụng lao động. Chỉ sau thời gian ngắn, sẽ diễn ra đồng thời hai quá trình trái ngược nhau một cách ngoạn mục: một số trường bị đào thải, trường khác tiếp tục duy trì và vươn lên (và có thể một số trường lại bị đào thải sau khoảng thời gian nào đó - trái với mong đợi cho rằng, dùng điểm sàn để cứu các trường như hiện nay).

“Trường nào tồn tại và phát triển được sẽ là trường ĐH tự chủ về học thuật. Sức vươn và quá trình cạnh tranh, đào thải tiếp theo của những trường này chính là động lực cho sự hoàn thiện chính sách vĩ mô của Nhà nước. Mặt khác, vai trò vĩ mô chủ yếu của Bộ GD-ĐT là điều tiết chính sách vĩ mô nhằm tạo ra môi trường lành mạnh cho các trường phát triển, cạnh tranh, phân tầng và hội nhập” - GS Điển nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Nhật Hồng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP