Trong tỉnh

Một số thống kê thú vị về phường, xã ở Nghệ An

Với diện tích 16.492,70 km2, Nghệ An là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước. Đây là thông tin nhiều người biết, nhưng cũng ở Nghệ An, đơn vị phường, xã nào có diện tích lớn nhất - nhỏ nhất thì không phải ai cũng biết.

Với diện tích 16.492,70km2 Nghệ An là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước. Không chỉ thế, ở Nghệ An khi thống kê diện tích các phường, xã, thị trấn còn có những số liệu khiến ai cũng có thể bất ngờ, ví như: một xã ở Nghệ An có diện tích bằng 1/2 tỉnh Bắc Ninh, gấp 4 lần thành phố Vinh, 16 lần thị xã Cửa Lò. Đơn vị cấp huyện có số đơn vị cấp xã nhiều nhất là 40 và ít nhất chỉ có 7…

Cùng Báo Nghệ An theo dõi một số thống kê thú vị:

Chắc hẳn lâu nay nhiều người vẫn nghĩ, xã có diện tích lớn nhất phải thuộc về Tương Dương. Vì Tương Dương là huyện có diện tích lớn nhất không chỉ của Nghệ An mà còn của cả nước. Hiện diện tích huyện Tương Dương là 2.811,3 km2, gấp hơn 3,4 lần diện tích tỉnh Bắc Ninh (822,7km2). Tuy nhiên xã nắm giữ “kỷ lục” có diện tích lớn nhất ở Nghệ An là CHÂU KHÊ thuộc huyện Con Cuông.

Cụ thể, xã Châu Khê hiện có diện tích 440,58 km2, gấp 4 lần diện tích thành phố Vinh (105,1km2); gấp gần 16 lần thị xã Cửa Lò (27,8km2) và tương đương một nửa diện tích tỉnh Bắc Ninh.

Châu Khê là một trong hai xã biên giới của huyện Con Cuông. Ngoài dân tộc Thái là chủ yếu, tại đây có 350 hộ với 1.500 khẩu thuộc tộc người Đan Lai.

Xã Châu Khê chỉ nằm cách trung tâm huyện lỵ Con Cuông khoảng 16 km, cùng với xã Môn Sơn, Châu Khê là địa bàn biên giới giáp với nước bạn Lào với chiều dài 23,5 km. Châu Khê hiện có 10 thôn bản, trong đó có 3 bản được công nhận đơn vị văn hóa (bản 2/9, bản Bãi Gạo và bản Điềm). Trong số 10 thôn bản của Châu Khê thì có 7 bản chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, trồng, bảo vệ rừng và khai thác lâm sản phụ, 3 bản còn lại dựa vào một ít diện tích lúa nước và nghề thủ công. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo ở Châu Khê là 35%, tỷ lệ gia đình văn hóa là 71%.

Xã có diện tích nhỏ nhất thuộc về vùng ven biển. Đó là xã QUỲNH LONG (huyện Quỳnh Lưu). Diện tích của xã Quỳnh Long hiện tại là 1,73km2, nhưng có dân số lên đến khoảng 10.000 người, phân bố trên địa bàn 8 thôn xóm, trong đó có 7 thôn tiếp giáp biển. Dù là xã có diện tích nhỏ nhất tỉnh nhưng Quỳnh Long lại sở hữu đội tàu đánh bắt xa bờ thuộc top khủng nhất miền Bắc.

Tàu cá của ngư dân Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) rời cửa lạch ra khơi.

Theo thống kê của xã Quỳnh Long, tính đến 3 tháng đầu năm 2018, địa phương này có 171 phương tiện với tổng công suất 60.400 CV. Trong đó tàu từ trên 90 CV đến dưới 1.000 CV có 102 chiếc, tàu trên 1.000 CV có 3 chiếc. Quỳnh Long được biết đến là là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ bằng hình thức lưới vây rút chì hùng mạnh nhất Nghệ An với 98 phương tiện.

Năm 2017, tổng sản lượng khai thác của Quỳnh Long đạt 25.138 tấn, đạt giá trị: 309,6 tỷ đồng. 3 tháng đầu năm 2018 các đội tàu đã đạt sản lượng khai thác 1.180 tấn, tương đương giá trị 34,5 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người của xã Quỳnh Long thuộc tốp cao nhất huyện Quỳnh Lưu với 36 triệu đồng/người/năm.

Phường có diện tích lớn nhất không thuộc về thành phố Vinh – đô thị trung tâm kinh tế – văn hóa vùng Bắc miền Trung mà thuộc về thị xã Hoàng Mai mới thành lập (6/2013). Đó là phường QUỲNH XUÂN.

Phường Quỳnh Xuân tiền thân là xã Quỳnh Xuân thuộc huyện Quỳnh Lưu được thành lập năm 1973, năm 2013 được nâng lên phường sau khi huyện Quỳnh Lưu chia tách để thành lập thị xã Hoàng Mai. Quỳnh Xuân có diện tích 16,85km2, có một phần diện tích bám theo Quốc lộ 1A. Dân số hiện có gần 16.000 người sinh sống tại 16 khối dân cư. Quỳnh Xuân có 23 chi bộ đảng với 350 đảng viên.

Một góc thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Quách Quyết

Đời sống kinh tế của người dân phường Quỳnh Xuân thuộc tốp đầu của thị xã Hoàng Mai. Thu nhập bình quân của người dân đạt 27 triệu đồng/người/năm (năm 2017) và đang phấn đấu đạt 34 triệu đồng năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo 0,3% và tỷ lệ khá giàu lên đến 56%. Người dân trên địa bàn phường có 150 xe con (4 – 7 chỗ); hơn 400 chiếc xe tải cùng 100 xe máy phục vụ hoạt động công nghiệp xây dựng. Hiện Quỳnh Xuân có hơn 1.000 lao động tham gia ngành vận tải và có khoảng 2.000 hộ dân vẫn giữ nghề sản xuất nông nghiệp với diện tích lúa và rau màu là 380 ha. Ngoài ra, nhiều hộ dân nuôi tôm với diện tích 110 ha.

Với diện tích gần 0,5km2, đây là phường có diện tích chỉ bằng một bản làng nông thôn, miền núi. Tuy vậy hoạt động kinh tế thương mại thuộc nhóm sôi động nhất tỉnh Nghệ An. Đó chính là phường HỒNG SƠN thuộc thành phố Vinh.

Phường Hồng Sơn nằm ở một trong những khu vực có kinh tế thương mại sôi động nhất thành phố Vinh.

Phường Hồng Sơn nằm trên khu vực được xem là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, chính trị lâu đời của đất Kẻ Vĩnh (TP. Vinh ngày nay). Thời Pháp thuộc, trụ sở Tòa Công sứ của chính quyền bảo hộ cũng được đặt trong khu vực. Chợ Vinh – trung tâm thương mại của tỉnh lỵ đầu thế kỷ XX cũng nằm trọn trên địa bàn phường Hồng Sơn. Hiện nay đây vẫn là chợ đầu mối số một của Nghệ An.

Dân số hiện tại của phường Hồng Sơn là 6.147 người và 1.613 hộ, sinh sống tại 11 khối dân cư. Mật độ dân số của phường Hồng Sơn là 1.400 người/km2.

Tại Hồng Sơn có 3.541 hộ kinh doanh, buôn bán (bao gồm cả chợ Vinh). Thu ngân sách năm 2017 đạt 34,733 tỷ đồng, trong khi tổng chi gần 19,5 tỷ đồng. Đây cũng là đơn vị cấp xã tự cân đối được thu chi. Giá trị gia tăng bình quân đầu người ở phường Hồng Sơn thuộc diện cao nhất tỉnh với 230,7 triệu đồng/người/năm.


Tại phường Hồng Sơn hiện có ngôi đền cùng tên được xây dựng vào năm 1839. Ngôi đền được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1984. Đây là địa chỉ tâm linh thu hút nhiều người dân và du khách thập phương chiêm bái, tham quan.

Tính riêng ở các đơn vị hành chính là thị trấn, thì thị trấn Nghĩa Đàn (huyện Nghĩa Đàn) có diện tích lớn nhất với 8,41km2 trong khi thị trấn Diễn Châu (huyện Diễn Châu) chỉ có 0,82km2.

Đối với cấp huyện, Tương Dương là huyện có diện tích lớn nhất với 2.811,3 km2, còn thị xã Cửa Lò chỉ có 27,81 km2.

Huyện có nhiều xã nhất là Thanh Chương: 40 xã; kế đến Yên Thành và Diễn Châu chia nhau vị trí thứ hai với 39 xã; Đô Lương, Quỳnh Lưu cùng ở vị trí thứ ba với 33 xã. Các huyện có số đơn vị hành chính cấp phường, xã ít nhất lần lượt là: thị xã Cửa Lò 7 phường; thị xã Thái Hòa 10 phường; Quỳ Châu 12 xã, thị; Con Cuông 13 xã, thị; Quế Phong 14 xã, thị.

* Số liệu được cung cấp bởi Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, chính quyền các địa phương.

Ảnh: Đào Tuấn – Hồ Phương

Thiết kế – Kỹ thuật: Hữu Quân

Tác giả: Đào Tuấn

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: xã ở Nghệ An ,Phường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP