Bà Phạm Thị Hòe, vợ ông Cao Xuân Tài. |
Chưa xét xử vẫn bị ghi tội giết người
Ông Cao Xuân Tài sinh năm 1950, quê xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu (Nghệ An) là bệnh binh mất sức lao động 71%, từng an dưỡng tại Khu điều dưỡng Thương bệnh binh Nghệ Tĩnh (nay là Trung tâm điều dưỡng Thương binh Nghệ An). “Khoảng tháng 9/1984, do mẫu thuẫn cá nhân ông Cao Xuân Tài dùng dao gọt mây đâm ông Hoàng Trọng Quy (thương binh) làm rách áo và xây xước nhẹ”, một tài liệu của Trung tâm điều dưỡng Thương binh Nghệ An cho hay. Ngày 1/10/1984, ông Cao Xuân Tài bị công an Nghệ Tĩnh bắt giam.
Ngày 26/3/1985 ông Cao Xuân Tài tử vong trong khi đang bị tạm giam. Giấy báo tử số 06/TG ngày 26/3/1985 gửi về cho bà Phạm Thị Hòe, trú tại xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn (vợ ông Tài) và Khu điều dưỡng Thương bệnh binh 4, Trại tạm giam công an Nghệ Tĩnh ghi ông Cao Xuân Tài can tội “Giết người”.
Vụ ông Cao Xuân Tài tấn công ông Hoàng Trọng Quy chưa được tòa xét xử, nhưng không hiểu vì sao năm 1985 Giám thị trại tạm giam Nghệ Tĩnh lại ghi ông Tài “Can tội giết người”. Trong khi, ông Hoàng Trọng Quy nạn nhân ông Cao Xuân Tài đâm năm 1984 bị “rách áo, xây xước nhẹ”, sống đến năm 1997 thì từ trần (hơn 12 năm sau khi xảy ra vụ xô xát). Tại giấy báo tử ngày 10/3/1997 của cơ quan điều dưỡng Thương binh Nghệ An ghi rõ ông Hoàng Trọng Quy từ trần hồi 9h ngày 22/2/1997 tại bệnh xá đơn vị này, nguyên nhân từ trần “tràn dịch màng phổi do vết thương cũ sọ não, sập sườn tái phát”.
“Dù không được đưa ra xét xử và ông Hoàng Trọng Quy còn sống khỏe mạnh, ông mất sau chồng tôi hơn 10 năm nhưng trại giam công an Nghệ Tĩnh năm 1985 lập giấy báo tử chồng tôi với tội danh giết người. Mất chồng, lại bị gán tội tày trời đó, làm tôi và bốn đứa con khốn khổ, điêu đứng. Mẹ con tôi bị mọi người xa lánh, cuộc sống vất vả, đầy nước mắt”, bà Phạm Thị Hòe, vợ ông Tài nước mắt lưng tròng.
Tiếp tục chờ đợi
Trung tâm điều dưỡng Thương binh Nghệ An, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An từng có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH “đề nghị cho ý kiến về việc giải quyết chế độ ưu đãi đối với thân nhân của người có công bị phạm tội đã từ trần trong quá trình tạm giam điều tra vụ án”, ngày 18/8/2017 Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) trả lời tại công văn số 1809/NCC-CS2: “Vấn đề này, ngày 21/7/2017, Cục Người có công đã có tờ trình xin ý kiến lãnh đạo bộ. Lãnh đạo bộ đã chỉ đạo: khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, bổ sung sẽ nghiên cứu, xem xét trường hợp người có công bị phạm tội, đã từ trần trong quá trình tạm giam”.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH136, tại mục 6, Điều 26 qui định: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà trước đó đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang được hưởng lương hưu thì chế độ tử tuất giải quyết theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. “Tại sao chồng tôi là một thương binh nặng, có công cống hiến xương máu cho đất nước sau khi mất lại không được hưởng chế độ theo qui định?”, bà Hòe khóc. |
Tác giả: QUANG LONG
Nguồn tin: Báo Tiền Phong