Theo Nature World News, miệng hố Batagaika xuất hiện 25 năm trước và nằm ở trung tâm khu rừng phía bắc Siberia. Nó trải dài 90 m, sâu 120 m và đang không ngừng mở rộng với tốc độ 20 m mỗi năm.
"Khi khí hậu ấm lên, lớp băng vĩnh cửu tan chảy ngày càng nhiều hơn, làm gia tăng sạt lở bề mặt Trái Đất và tình trạng sụt lún, tạo thêm nhiều rãnh do nước xói mòn", Julian Murton, nhà địa chất nghiên cứu miệng hố Batagaika tại Đại học Sussex, Anh, giải thích.
Batagaika được coi là hố tử thần lớn nhất thế giới. Chiếc hố xuất hiện khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy nhanh chóng, khiến vùng miệng hố dần chìm xuống dưới lớp bùn. Quá trình tan chảy của băng vĩnh cửu có thể giải phóng một lượng lớn khí methane (CH4), loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn CO2.
Hố Batagaika giúp các chuyên gia địa chất hiểu rõ hơn về lịch sử Siberia trong suốt thời kỳ Băng hà. Tại đây, Murton và đồng nghiệp tìm thấy xác ướp bò rừng bison, xác chết đóng băng của các động vật khác như bò xạ hương (musk ox), voi ma mút và một con ngựa 4.400 tuổi.
Theo Motherboard, lần gần nhất các hố tử thần lớn xuất hiện tại Siberia là cách đây khoảng 10.000 năm, trong thời gian Trái Đất chuyển từ thời Đồ đá cũ sang thế Holocene. Hiện nay, các miệng hố xuất hiện khắp phía bắc vùng Krasnoyarsk, Nga. Giới nghiên cứu cho rằng nguyên nhân là do nhiệt độ toàn cầu tăng lên, gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu.
Tác giả bài viết: Lê Hùng