Mánh khóe gian thương trên Shopee, mua quần áo nhận ba lỗ "dởm"
Các sàn thương mại điện tử hiện là kênh mua sắm phổ biến của không ít người Việt. Song, do chưa thực sự kiểm soát được việc mua bán tại đây, nên hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tự do buôn bán.
Thậm chí hiện nay, nhiều đối tượng còn lợi dụng những sơ hở để lừa đảo khách hàng.
Ngày 30/9 vừa qua, chị Trần Kim Anh (Lê Văn Hưu, Hà Nội) có đặt mua quần áo tập gym trên sàn thương mại điện tử Shopee, với giá 464 nghìn đồng. Thế nhưng, khi nhận hàng thì lại chỉ là những chiếc áo ba lỗ có giá 25 nghìn đồng.
Quá bức xúc, chị Kim Anh cho biết, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này bắt đầu từ việc, họ đăng lên Shopee với rất nhiều tài khoản để khách vào đặt hàng.
Rất nhiều người bị lừa cùng một chiêu thức |
“Sau đó, các đối tượng lừa đảo sẽ tự gói hàng và thuê ship ngoài với giá tiền đúng bằng trên đơn Shopee của khách. Khi người vận chuyển giao hàng tới, sờ gói hàng thấy được bọc trong túi nilon giống quần áo, lại đúng giá nên tôi nhận ngay mà không nghi ngờ gì”, chị Kim Anh nói.
Thế nhưng, theo chị Kim Anh, do trên bao bì ghi rõ không được xem hàng trước khi giao tiền nên khách hàng buộc phải thanh toán rồi mới có thể bóc hàng. Đây chính là một trong những kẽ hở để các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Khi chị Kim Anh chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội thì mới biết, không riêng mình chị mà rất nhiều người cũng bị lừa với mánh khoé giống hệt. Một trong số những nạn nhân đó là anh Hoàng (Hà Nội).
Nhiều khách hàng cho biết, họ mua hàng trên Shopee và gặp tình trạng này. |
Trước đó, anh Hoàng có đặt một bộ áo bơi với giá 190 nghìn đồng. Nhưng khi người giao hàng mang đến thì chỉ là 2 chiếc áo ba lỗ với nhãn hiệu giống hệt của chị Kim Anh.
Anh Hoàng đã liên lạc với Shopee để phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng, rất nhiều khách hàng cũng đã gặp trường hợp tương tự. Phía Shopee khó xử lý vì các đối tượng lừa đảo hoạt động tinh vi.
Rất nhiều khách hàng cùng nhận được chiếc áo này. Do đó, nhiều người cho rằng các đối tượng lừa đảo cùng một nhóm. |
Để dễ bề hoạt động, các đối tượng này đăng vị trí cửa hàng ở khắp nơi trên cả nước. Nhưng thử tìm liên lạc với bên giao hàng để tìm địa chỉ người gửi, chị Kim Anh được cung cấp tới một địa chỉ ở Mỹ Hào (Hưng Yên) và số điện thoại để 2 bên thương lượng.
“Tuy nhiên, khi tôi gọi tới số điện thoại này thì không ai trả lời. Còn về địa chỉ, rất có thể đây chính là nơi xuất phát của những gói hàng gửi đi cho nhiều khách hàng bị lừa như tôi”, chị Kim Anh khẳng định.
Không chỉ quần áo, các mặt hàng giày dép cũng bị các đối tượng lừa đảo “tráo” hàng. Theo anh Đ.L.M. (Hà Nội), đôi giày anh đặt mua trên sàn thương mại điện tử với giá hơn 700 nghìn đồng, nhưng khi giao đến lại là một đôi dép khác.
Dép anh M nhận được không phải món hàng anh đặt, và đây là loại dép rẻ tiền. |
“Khi tôi kiểm tra lại mã đơn hàng thì mới nhận ra là đã bị thay đổi. Các đối tượng lợi dụng việc đơn hàng trên website lâu không giao sẽ tự huỷ nên không thể kiện được, để dễ bề hoạt động”, anh M nói và cho biết thêm, các website cũng “phủi tay”, không có trách nhiệm với tình trạng này.
Đặt nhiều loại hàng hoá khác nhau, nhưng lại nhận được cùng một loại áo ba lỗ có cùng nhãn hiệu. Không ít khách hàng đã tự đặt câu hỏi, liệu đây có phải là một nhóm lừa đảo có tổ chức với số lượng và giá trị lớn, bởi đã có rất nhiều người bị lừa.
Tác giả: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí