Kinh tế

“Lương chưa tăng, giá cả cũng đã tăng”

Theo các ĐBQH, giá cả hàng hóa đều tăng vọt nhưng lương không tăng nên cuộc sống của người lao động rất khó khăn.

Tạo sự kích thích rất lớn

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa có tờ trình gửi Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người làm việc theo hợp đồng.

Trước đó, có nhiều ý kiến của doanh nghiệp đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/1/2023. Tuy nhiên, trong tờ trình, Bộ LĐTBXH vẫn giữ nguyên đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7.

Về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đời sống của người lao động rất khó khăn.

Theo đại biểu đoàn Hà Nam, việc tăng lương cần được triển khai kịp thời để hỗ trợ cho người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch Covid-19. Nhất là trong bối cảnh hiện nay giá thị trường tất cả đều tăng vọt.

Giá cả thị trường tất cả đều tăng vọt.

Ông Khải cho biết, tăng lương cũng góp phần cho việc phát triển kinh tế chung của cả nước. Từ đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Tăng lương cho người lao động sẽ tạo sự kích thích rất lớn, giúp họ hăng hái, nâng cao tinh thần làm việc, đem lại hiệu quả lao động cao hơn”

Ông Khải nói: “Giá cả hàng hóa đều tăng vọt nhưng lương không tăng nên cuộc sống của người lao động rất khó khăn. Việc tăng lương bắt đầu từ 1/7 là hết sức cần thiết, phù hợp với nhu cầu của người lao động và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”, đại biểu Trần Văn Khải nói.

Đại biểu cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan, tổ chức chức năng kịp thời bố trí nguồn kinh phí để sớm có thể hỗ trợ cho người lao động. Doanh nghiệp biết được lộ trình thực hiện.

Tăng lương luôn đi cùng với giá cả

Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Quản Minh Cường, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho hay, khi nghe tới việc tăng lương nhiều người lao động rất mừng. Nhưng, người lao động cũng lo lắng là giá cả ngày càng tăng cao.

ĐBQH Quản Minh Cường trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Ông Cường cho rằng, vấn đề tăng lương luôn đi cùng với giá cả tăng, thậm chí “lương chưa tăng, giá cả cũng đã tăng”. Theo ông, đó chính là lạm phát, điều này khiến giá cả tăng. Đó là quy luật của phát triển kinh tế trên toàn cầu.

Vì thế, ngoài việc tăng lương còn có những chính sách xã hội khác để thu nhập của người lao động đảm bảo cuộc sống, đảm bảo tái tạo sức lao động, đảm bảo tích cực cống hiến. Chính phủ cũng có những biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối nền kinh tế và đảm bảo mức lương phù hợp với người lao động.

Trong khi đó, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho biết, vấn đề tăng lương được rất nhiều người lao động quan tâm. Việc tăng lương giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công việc.

Ông Cừ cho rằng, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng vào thời điểm trên là rất cần thiết, bởi thông thường, lương tối thiểu vùng được xem xét, điều chỉnh sau một năm thực hiện. Tuy nhiên, do từ đầu năm 2020 dịch Covid-19, nên Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu vùng năm 2019.

Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng này không còn bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo tờ trình của Bộ LĐTB&XH, từ 1/7 tới, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh lên bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 - 260.0000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Bộ LĐTB&XH đề xuất các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng. Cụ thể: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng; vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.

Ngoài lương tối thiểu vùng theo tháng, Bộ LĐTB&XH còn đề xuất lương tối thiểu giờ. Cụ thể, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ; vùng 2 là 20.000 đồng/giờ; vùng 3 là 17.500 đồng/giờ; vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Tác giả: Hoàng Bích - Thu Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP