Ngày 2/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh Hải Dương hoàn tất cáo trạng, đề nghị truy tố Phạm Thị Lê Thanh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình điều tra xác định, năm 2015, Thanh xuất cảnh sang Hàn Quốc theo diện kết hôn. Đến năm 2021, do xảy ra dịch COVID 19, đối tượng về Việt Nam, thuê nhà tại số 70B, Hai Bà Trưng, phường Quang Trung, TP Hải Dương làm nghề lao động tự do. Thanh không có chức năng, quyền hạn để nhận và làm thủ tục cho người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc, nhưng do có thời gian làm việc tại Hàn Quốc nên có sự hiểu biết nhất định về thông tin… Để đánh vào lòng tin của người bị hại, đối tượng đã chia sẻ các thông tin về thủ tục giành cho người lao động sang Hàn Quốc làm việc theo diện ngắn hạn (E8), dài hạn (E9) của Bộ lao động thương binh và xã hội.
Phạm Thị Lê Thanh. |
Sau đó, Thanh giới thiệu có thể giúp những người có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc với chi phí trọn gói là 100 triệu đồng/1 người, đặt cọc trước số tiền là 35 triệu đồng. Theo lời giới thiệu của Thanh, người lao động chỉ cần nộp hộ chiếu gốc và gửi ảnh chụp căn cước công dân, Thanh có trách nhiệm làm toàn bộ thủ tục; thời gian đi ngay trong tháng, chậm nhất là sau 2 tháng kể từ khi nộp tiền, hồ sơ, hộ chiếu nếu không đi được Thanh có trách nhiệm trả lại tiền đặt cọc, hồ sơ và hộ chiếu. Những thông tin do Thanh đưa ra đã khiến nhiều người tin tưởng là thật; nộp các giấy tờ, thủ tục và chuyển tiền cho Thanh rồi bị Thanh chiếm đoạt.
Quá trình điều tra xác định, Thanh không ký kết hợp đồng cung cấp lao động hay nhận ủy quyền tuyển dụng cho bất kỳ công ty nào ở Hàn Quốc. Với thủ đoạn như trên trong khoảng thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 11/2022, Thanh đã nhận gần 6 tỷ đồng, thông qua người trung gian và 77 người có nhu cầu đi lao động; 2 người làm thủ tục đi du lịch Hàn Quốc, hiện đang cư trú tại các tỉnh Hải Dương, Hà Nam, TP Hải Phòng, TP Hà Nội, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh nộp cho Thanh bằng hình thức đưa trực tiếp bằng tiền mặt và thông qua ngân hàng gần 6 tỷ đồng.
Cụ thể, từ tháng 1/2022 đến tháng 11/2022, thông qua người trung gian là chị Ngô Thị Hà (SN 1974); chị Trương Thị Phượng (SN 1970) và chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1972, ở huyện An Dương, TP Hải Phòng), Thanh đã chiếm đoạt của 9 người lao động với số tiền hơn 783 triệu đồng…
Từ tháng 1/2022 đến tháng 11/2022, qua trung gian là chị Trương Thị Phượng (SN 1970, ở xã An Hoà, huyện An Dương), Thanh đã chiếm đoạt của 3 người lao động 129 triệu đồng;
Từ tháng 1/2022 đến tháng 11/2022, Thanh trực tiếp nhận hộ chiếu và tiền của 20 lao động sau đó chiếm đoạt gần 1,3 tỷ đồng.
Tiếp đó, từ tháng 3/2022 đến tháng 11/2022, qua trung gian chị Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1973, trú tại phường Quang Trung) và Đoàn Thị Ly (SN 1982, trú tại KDC Nhân Nghĩa, phường Nam Đồng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đối tượng Thanh đã chiếm đoạt 440 triệu đồng của 4 lao động.
Từ tháng 6/2022 đến tháng 11/2022, Thanh qua Nguyễn Thị Tho (SN 1986, trú tại xã Bình Yên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) và Phạm Thị Anh (SN 1992, trú tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đã chiếm đoạt của 20 lao động hơn 2,2 tỷ đồng.
Từ tháng 6/2022 đến tháng 11/2022, qua trung gian là Nguyễn Thị Hương (SN 1997 ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), Thanh đã chiếm đoạt của 10 lao động gần 600 triệu đồng.
Từ ngày 13/10/2022 đến 6/11/2022, do không có tiền chi tiêu, Thanh đưa ra thông tin không có thật về việc cần tiền để mua vé máy bay làm thủ tục cho người lao động sang Hàn Quốc để chiếm đoạt của anh Đ.V. H (ở tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) là 170 triệu đồng.
Sau khi chiếm đoạt tiền của của 77 lao động, 2 người làm hộ chiếu du lịch, và chiếm đoạt tiền của một số cá nhân gần 6 tỷ đồng, Thanh sử dụng 1 phần để trả lại cho người lao động hơn 4,4 tỷ đồng, còn lại hơn 1,4 tỷ đồng, đối tượng sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân hết.
Tác giả: X. Mai
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân