Cho đến nay, câu chuyện tìm kiếm việc làm ngay tại địa phương mình để chấm dứt cảnh “tha phương cầu thực” đối với người lao động ở Nghệ An vẫn còn là bài toán chưa thể tìm ra lời giải bền vững.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An thiếu lao động, nhưng khó tuyển dụng được lao động địa phương. |
Dai dẳng cảnh tha phương
Chưa bao giờ, anh Nguyễn Văn Cường ở xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu lại hết cảnh lo lắng mỗi khi dịp Tết đến bởi sau kỳ nghỉ, anh phải vội vàng khăn gói cả gia đình vào TP.HCM để làm việc.
“Trong năm nay, vợ chồng tôi dự định sẽ tìm việc tại quê nhà nhưng không thể vì thu nhập từ công việc không được như mong muốn”, anh Nguyễn Văn Cường tâm sự.
Còn chị Trần Thị Tuấn quê ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu cũng chẳng khác gì vợ chồng anh Cường khi gần 20 năm phải cố gắng “bám trụ” lại tỉnh Đồng Nai. “Những năm gần đây, khi tỉnh Nghệ An đã xây dựng được nhiều khu công nghiệp, nhưng gia đình vẫn không thể trở về được bởi mức lương không đủ trang trải chi phí”, chị Tuấn nói.
Câu chuyện của vợ chồng anh Cường, chị Tuấn cũng đang là “mẫu số chung” của không ít người lao động tại Nghệ An trong suốt thời gian qua. Bởi với mức lương theo quy định vùng của địa phương này vẫn đang còn khoảng cách quá xa và bấp bênh so với các tỉnh, thành như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…và các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương…
Chính vì vậy, câu chuyện “ly hương” đang trở thành nỗi lo lắng dai dẳng của hàng nghìn người lao động tại Nghệ An trong thời gian qua.
Mặc dù trong vài năm trở lại đây, Nghệ An đã tập trung mọi nguồn lực để thu hút đầu tư bằng việc đưa các dự án nhà máy may công nghiệp về các vùng quê để “hút” người lao động tại chỗ nhưng tình trạng “nhảy việc” đi các tỉnh, thành khác vẫn còn tái diễn. Bởi với mức lương công nhân từ 3- 5 triệu đồng/tháng, họ không thể trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình mình.
Cần giải pháp bền vững
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH Nghệ An, hiện địa phương đang có khoảng gần 2 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 60% dân số của cả tỉnh. Trung bình mỗi năm, Nghệ An có từ 30.000-50.000 người bước vào độ tuổi lao động.
Đáng quan tâm, số lượng lớn người lao động Nghệ An lại không làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở quê nhà. Chỉ tính riêng trong dịp Tết Quý Mão 2023, Nghệ An có khoảng 60.500 lao động từ các tỉnh, thành về quê nghỉ lễ. Sau kỳ nghỉ lễ này, hiện có gần 2.300 lao động bị thất nghiệp.
Bà Đặng Thị Phương Thủy - Phó Trưởng phòng Lao động Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Nghệ An nói hiện đơn vị đang chỉ đạo, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai các phương án để hỗ trợ, kết nối, tư vấn việc làm cho người lao động bị mất việc. Đây cũng là vấn đề nóng hiện đang được Sở đặc biệt quan tâm.
Trong khi đó, theo khảo sát sơ bộ của Sở LĐTB&XH Nghệ An vào cuối năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An đăng ký tuyển dụng với số lượng rất dè dặt. Cụ thể, với 362 doanh nghiệp trong tỉnh mới chỉ tuyển dụng 36.000 lao động. Trong khi đó, chỉ 14 doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng tới gần 49.000 lao động.
Ông Nguyễn Hữu Duyên – Phó TGĐ Công ty CP Vilaconic cho rằng, một trong những “điểm khuyết” khiến người lao động không mặn mà làm việc tại quê nhà, đó là vấn đề an sinh xã hội, mức thu nhập.
Theo quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 01/7/2022, có 04 mức lương tối thiểu để doanh nghiệp làm cơ sở chi trả gồm: a) Mức 4.680.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; b) Mức 4.160.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; c) Mức 3.640.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; d) Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Đối chiếu với các quy định nói trên, Vùng III, IV sẽ áp dụng mức lương tối thiếu cho các địa phương còn lại, tuỳ theo mức phát triển kinh tế - xã hội và chủ yếu rơi vào các tỉnh miền Trung như Thanh Hoá, Nghệ An…
Các chuyên gia cho rằng, để từng bước giữ chân người lao động tại địa phương, ngoài việc Chính phủ xem xét tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng khi điều kiện cho phép, thì các tỉnh, thành nói chung và Nghệ An nói riêng cần có chính sách ưu đãi đầu tư, như giảm thuế, phí; giảm tiền thuê mặt bằng... để các doanh nghiệp có thể dễ dàng cân đối nguồn thu-chi, có điều kiện chi trả các nguồn phúc lợi cao hơn cho người lao động địa phương.
Tác giả: NGỌC THÁI
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn