|
1. "Với tôi, Lee Nguyễn cũng chỉ là một cầu thủ Việt Nam kinh nghiệm thôi. Tôi không đánh giá quá cao. Ở tuổi ba mấy, Lee không phải điều gì đó quá đáng ngại nữa", HLV Phạm Minh Đức của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh chia sẻ với Zing.
Quả tình, lời nhận xét có phần khó nghe của cựu cầu thủ HAGL này, cũng như quá khứ "va chạm" khá nhiều trong làng bóng đá Việt của HLV Phạm Minh Đức, dĩ nhiên là khá khó nuốt với những fan hâm mộ đang mong ngóng ngày Lee Nguyễn ra mắt CLB TP.HCM.
Là bởi, dù sao Lee Nguyễn cũng là ngôi sao đích thực của bóng đá Mỹ, từng khoác áo ĐTQG Mỹ, với đẳng cấp đã được chứng nhận. Coi ngôi sao này "chỉ là một cầu thủ Việt Nam kinh nghiệm thôi", liệu nhà cầm quân người Hà Đông này có đang dùng chiêu "dìm hàng" đối thủ trước thềm mùa giải mới?
|
Nhưng nghĩ mà xem, một trong hai ngoại binh người Costa Rica mà CLB TP.HCM vừa phải "tiễn vong" sau màn trình diễn quá đỗi nghèo nàn, chẳng phải cũng là tuyển thủ quốc gia ư? Xét cho cùng, Lee Nguyễn có gì hơn họ? Nếu như không là cầu thủ Việt kiều, được nhiều người Việt Nam biết đến, liệu "Chiến hạm đỏ" có chọn Lee Nguyễn?
Câu trả lời là không. Không khó để nhận ra tiêu chí tuyển "bom tấn" của đội bóng mà cựu HLV trưởng ĐTQG Việt Nam - Hữu Thắng, ngồi trên ghế chủ tịch, đấy là sức hút truyền thông, sức hút thương mại. Từ thủ môn Bùi Tiến Dũng, cho đến Công Phượng rồi hai ngoại binh "triệu USD" người Costa Rica, tất cả đều có "từ khóa" để khai thác về mặt hình ảnh.
Đấy cũng là điều tốt. Với điều kiện chuyên môn và sự đóng góp của họ tương xứng với danh tiếng. Đáng tiếc, đấy đều là những bản hợp đồng gây thất vọng của đội bóng này. Nên nhớ, dẫu Công Phượng có thể được đánh giá là thành công với "danh hiệu" Vua phá lưới nội, thì mùa giải vừa qua vẫn là mùa giải ngập tràn thất vọng với CLB TP.HCM, thậm chí là thất vọng nhất tính từ lúc họ lên chơi V.League.
|
2. Cũng chẳng sao cả. Thất bại là mẹ thành công. Con đường mà CLB TP.HCM chọn để tuyển "bom tấn" không mới, và cũng đã từng có không ít đội bóng thành công với chiến lược này. Đấy thậm chí còn là xu thế tất yếu của bóng đá hiện đại, khi truyền thông và hình ảnh góp phần quan trọng chẳng kém chuyên môn trên sân cỏ. Nói đâu xa, cứ nhìn HAGL thì biết. Suốt 6 mùa giải qua, họ long đong lận đận, ấy thế nhưng sức hút truyền thông vẫn lớn nhất V.League đấy thôi.
Có điều, khi truyền thông Việt Nam đã đồng loạt đưa tin về việc Lee Nguyễn sẽ ký hợp đồng với CLB TP.HCM, thì chủ tịch Hữu Thắng vẫn "trơ khấc": "Thực sự đến lúc này, tôi chỉ mới nghe thông tin Lee Nguyễn về chơi cho CLB TP.HCM tại V.League 2021 thông qua các phương tiện truyền thông mà thôi. Bản thân tôi và Ban huấn luyện hoàn toàn chưa nhận được thông báo chính thức nào từ phía tập đoàn".
Kỳ lạ, khi "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông". Chiếc ghế chủ tịch của Hữu Thắng, liệu chỉ là "ngồi cho vui" khi thông tin quan trọng đến nhường ấy, mà chủ tịch CLB lại không hề được biết?
Thực ra điều ấy chẳng có gì lạ ở CLB TP.HCM cả. Cái ngày HLV Chung Hae-seong rời đi "lần 1", người ta cũng thấy chủ tịch Hữu Thắng "giật mình" thanh minh khi nhà cầm quân người Hàn Quốc này nói đến mâu thuẫn nội bộ của "Chiến hạm đỏ" trên báo Hàn Quốc.
|
Trong mắt những người làm chuyên môn, CLB TP.HCM hoạt động khá kỳ lạ, với trách nhiệm của HLV trưởng, chủ tịch và "phía tập đoàn" chẳng hề rõ ràng, dù cho quyền lực của những người "trong bóng tối" mới là thứ quyết định, chứ không phải chủ tịch Hữu Thắng hay HLV trưởng CLB.
Chỉ có ở CLB TP.HCM mới có chuyện cầu thủ "xé rào" đi đá phủi dù chấn thương vừa mới bị kỷ luật, thanh lý hợp đồng xong, thì lập tức cầu thủ khác cũng phạm lỗi tương tự. "Quân hồn vô phèng" là điều dễ thấy nhất ở đội bóng tràn ngập những ngôi sao này. Có khi nào là bởi cầu thủ chẳng biết phải nghe ai?
3. Lại nói về Lee Nguyễn, vì sao cầu thủ này lại rời HAGL 10 năm về trước?
Cựu tiền vệ Trần Duy Quang - đồng đội của của Lee Nguyễn ở HAGL, nó về việc rời đội bóng phố Núi của ngôi sao "lắm tài nhiều tật" này:
"Mọi người chỉ biết rằng Lee Nguyễn từng xích mích với Kiatisuk năm 2010 rồi ra đi, chứ không hề biết lý do cụ thể ra sao.
Khi đó, trước khi bước vào V.League 2010, trận cúp Quốc gia với An Giang, "Zico Thái" vẫn sử dụng Lee bình thường. Sau đó về sân nhà gặp Khánh Hòa trận đầu tiên V.League, đội bị thua, Lee thi đấu không tốt và bị thay ra.
|
Trận đấu tiếp theo gặp Hòa Phát Hà Nội trên sân khách, Kiatisuk sử dụng Lee ở 15 phút cuối, nhưng cậu ta từ chối không vào sân. Đó là biểu hiện của bệnh ngôi sao. HLV dùng mình bao lâu là quyền của họ, 5 hay 10 phút mà thi đấu tốt thì vẫn hay hơn chơi cả trận mờ nhạt. Bầu Đức khi đó đã nhiều lần bảo vệ Lee, loại cả Agostinho nhưng cuối cùng Lee vẫn ra đi.
Thực sự, Lee Nguyễn có chuyên môn tốt, nhưng khi đó cứ đá xong là bay về TP.HCM vì có quá nhiều chân dài vây quanh nên không tập trung nhiều vào chuyên môn. Lúc này, nếu Lee Nguyễn về CLB TP.HCM, tôi nghĩ sẽ khó thành công, bởi cầu thủ Việt Nam mình đang có trình độ tốt, cậu ta cũng đã lớn tuổi rồi, thể hình không to cao, rất khó để chơi hay như ở bên Mỹ".
Rời HAGL về với Bình Dương, Lee Nguyễn vẫn "chứng nào tật nấy". Cựu trợ lý của CLB Bình Dương - Nguyễn Minh Dũng, cho hay: "Thời Lee Nguyễn về Bình Dương, cậu ta nhiều lần trốn về TP.HCM chơi golf và gia nhập hội của diễn viên Ngô Thanh Vân".
TP.HCM từng là "miền đất hứa" của Lee Nguyễn với miên man những chân dài chờ đón anh. Lần trở lại này, Lee Nguyễn còn "nổi" hơn 10 năm về trước nhiều, với cái tầm của một "ngôi sao quốc tế" đến để "cứu rỗi" đội bóng của chủ tịch Hữu Thắng. Vị thế ấy rõ ràng sẽ cho cầu thủ này những đặc quyền riêng, xứng tầm với hiệu ứng truyền thông mà anh đem lại cho CLB TP.HCM - "gã nhà giàu chơi trội" của bóng đá Việt Nam hiện tại.
Có điều, ai sẽ là người "cầm cương" để Lee Nguyễn không sa đà vào con đường mà gần 10 năm trước anh từng đắm mình, để rồi phải chia tay V.League? Là HLV trưởng Alexandre Polking? Hay chủ tịch Hữu Thắng? Dĩ nhiên là không rồi, mà là "ai đó" ở "tập đoàn", như bầu Đức ngày nào từng bảo vệ Lee Nguyễn.
Giá như chủ tịch Hữu Thắng có được thực quyền, có lẽ mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Nhưng chẳng phải suốt từ thời chủ tịch Công Vinh, "Chiến hạm đỏ" luôn chọn cho mình con đường khó, và chả giống ai đấy sao?
Tác giả: Ngô Trà
Nguồn tin: Trí Thức Trẻ